Chùa Phương Tích Sơn (Chùa Quan Chiêm – Hà Trung, Thanh Hoá)

Chùa Phương Tích Sơn (Chùa Quan Chiêm – Hà Trung, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Phương Tích Sơn còn gọi là chùa Quan Chiêm, đó là gọi theo tên làng Quan Chiêm, xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Lịch sử

Ngược dòng lịch sử, làng Quan Chiêm trước kia vốn là vùng đất thuộc bộ Cửu Chân, nước Văn Lang. Thời kỳ thuộc nhà Triệu và Hán, vùng đất này thuộc huyện Tư Phố, đến thời Tam Quốc – Lương Tấn – Nam Bắc triều (từ năm 210 – 581), vùng đất Quan Chiêm – Kẻ Đản (Hà Trung) thuộc huyện Kiến Sơ, châu Ái. Thời thuộc Tùy – Đường (581 – 905), vùng đất Hà Trung trong đó có xã Hà Giang lại thuộc về huyện Nhật Nam, châu Ái. Dưới thời Đinh Lê vùng đất này vẫn gọi là châu Ái. Đời Lý, năm Canh Tuất, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010), nhà Lý đổi 10 đạo thành 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại. Vào cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, nhà Lý đổi châu Ái thành phủ Thanh Hoa, Hà Trung vẫn là vùng đất thuộc huyện Sùng Bình và Nhật Nam, dưới huyện là các xã, hương. Thời Trần – Hồ, dưới đời vua Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 10 (1397), đổi phủ Thanh Hoa làm trấn Thanh Đô (gồm 7 huyện và 3 châu), xã Hà Giang, Hà Trung thuộc về huyện Tống Giang. Thời thuộc Minh, đổi trấn Thanh Đô thành phủ Thanh Hóa, mảnh đất Hà Trung vẫn được gọi là huyện Tống Giang. Thời Lê Trung Hưng gọi là huyện Tống Sơn. Đến đầu thời Nguyễn, huyện Tống Sơn thuộc phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa, bao gồm 4 tổng, 62 hương, xã, thôn. Mảnh đất Quan Chiêm thời kỳ này gọi là xã Quan Chiêm (gồm có thôn Hoa Cái, thôn Thu Lũng, thôn Ngọc Bối) thuộc tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung. Từ 1945 – 1947 làng Quan Chiêm cùng với Mỹ Dương và Chánh Lộc thuộc xã Quang Trung, huyện Hà Trung. Từ tháng 9/1947 các xã này lại được tách ra khỏi xã Quang Trung và sáp nhập vào xã Tân Tiến. Sau năm 1954, huyện Hà Trung chủ trương chia lại các xã và đặt tên với chữ đầu là “” để thành lập nên 25 xã mới, trong đó 3 làng: Quan Chiêm, Chánh Lộc và Mỹ Dương thành lập xã Hà Giang. Từ đó đến nay làng Quan Chiêm thuộc về xã Hà Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Địa lý

Làng Quan Chiêm nằm ở trung tâm xã Hà Giang, phía bắc giáp với làng Hoàng Vân (xã Hà Long); phía đông giáp với làng Mỹ Dương; phía nam giáp với làng Bái Đô (xã Hà Tân) và làng Đồng Ô (xã Hà Tiến); phía tây giáp với làng Chánh Lộc cùng xã.

Làng Quan Chiêm nói riêng và xã Hà Giang nói chung là một vùng bán sơn địa, nơi có những cánh đồng ruộng trũng, những đồi núi thấp thuận lợi cho con người sinh sống bằng việc trồng cấy lúa nước và trồng hoa màu trên đồi núi đất. Hệ thống sông Hoạt vừa cung cấp nguồn nước tưới tiêu, đánh bắt thủy sản đồng thời xưa kia là hệ thống giao thông đường thủy quan trọng.

Chính vì những thuận lợi trên mà từ xa xưa vùng đất này đã có sức hấp dẫn, thu hút các luồng cư dân về đây sinh cơ lập nghiệp, các dòng họ: Tô, Lại, Mai, Lý, Phạm, Trịnh, Vũ, Nguyễn, Đỗ, Đặng, Lưu, Hoàng, Trương,… hình thành nên làng xóm dân cư đông đúc. Ngày nay làng Quan Chiêm có tổng diện tích đất đai 1,2km2 đã có trên 1470 nhân khẩu sinh sống.

Văn hoá

Quá trình làm ăn, sinh cơ lập nghiệp của nhân dân nơi đây đã tạo dựng nên một vùng văn hóa đa sắc màu, mang đặc trưng của vùng văn hóa lúa nước – đồng chiêm trũng với những ngày hội mùa, hội làng náo nức. Để có được những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gửi gắm tâm hồn lúc buồn vui… bà con nơi đây đã cùng nhau xây dựng nên các công trình kiến trúc văn hóa như: đình Quan Chiêm, đền thờ Lại Thế Khanh… và chùa Quan Chiêm.

Đạo Phật thực sự ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống, văn hóa, tư tưởng, hòa nhập với hầu hết các hình thức tín ngưỡng, tập tục sơ khai của người dân Việt nói chung và làng Quan Chiêm nói riêng. Chính vì thế mà chùa Quan Chiêm ngoài việc thờ Phật, người ta còn thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần.

Có thể nói, ở nước ta Phật giáo đã trở thành cốt tuỷ, hòa nhập với nền văn hóa dân tộc và văn hóa bản địa. Do đó, đạo Phật hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân Việt Nam khao khát hòa bình, yêu độc lập, tự do. Mỗi khi đất nước bước vào cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, đạo Phật trí tuệ tập hợp những tâm hồn yêu nước, thương dân, đoàn kết nhân tâm với ông Bụt từ bi, với Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn và giáo lý thực tiễn không tách rời cuộc sống đã làm nên một sức mạnh vô song chống lại mọi kẻ thù bán nước và cướp nước. Chính vì thế mà trong những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám, chùa Quan Chiêm cũng là một trong những nơi các cán bộ cách mạng thường lui tới hoạt động:

Sách Lịch sử Đảng Bộ huyện Hà Trung cho biết: “… tháng 2 năm 1942, đồng chí Nguyễn Văn Huệ – một chiến sĩ cộng sản từ nhà tù Buôn Ma Thuột đã trở về địa phương để tiếp tục hoạt động. …..Từ sau hội nghị, tổ chức Thanh niên ái quốc đã dần dần được mở rộng và đi vào hoạt động ở các làng như: Quan Chiêm, Đà Sơn, Trạng Sơn…Trong tháng 7 năm 1945, nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự liên tiếp được mở ra ở rú Phạm làng Quan Chiêm”.

Sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Giang cũng chép về nội dung trên như sau: “Chùa Quan Chiêm được xây dựng từ thời Lê….. Đây là nơi cán bộ Việt Minh và du kích hoạt động trong những năm 1941-1945”

Quá trình hình thành

Về lịch sử xây dựng chùa thì sách Lịch sử Đảng bộ xã Hà Giang cho biết, chùa Quan Chiêm được xây dựng vào thời Hậu Lê nhưng không cho biết năm xây dựng cụ thể. Qua các tài liệu và hiện vật cũ còn lưu giữ ở chùa, chúng ta biết được: Chùa Quan Chiêm có lịch sử xây dựng cách ngày nay hàng trăm năm, chùa tọa lạc trên triền đồi đất thấp và nhìn về hướng bắc – phía trước là khoảng không gian rộng lớn; phía đông nam là xóm làng cư trú; xa xa là dòng Hoạt Giang hiền hòa uốn lượn; phía tây là triền đồi thấp vòng quanh.

Theo bản lược lịch sử chùa Quan Chiêm, cho biết: trước kia chùa được xây dựng theo kiểu chữ Nhị (二), mang đặc điểm kiến trúc truyền thống của người Việt với 3 gian Hậu cung và 3 gian Tiền đường quay mặt về hướng bắc. Chùa được xây dựng bằng tường gạch, bộ khung bằng gỗ, mái ngoài lợp ngói mũi, bên trong liệt. Phía sau chùa có một tháp chuông cao khoảng 5m, bên trong treo chiếc chuông đồng cao 80cm, đường kính đáy rộng 30cm. Trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng thờ, có các quyển sách kinh Phật bằng chữ Hán, ngoài ra còn có các đồ tế khí khác….

Trải qua thiên tai, địch họa và những biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa cũ bị hủy hoại vào năm 1962, gạch ngói và bộ khung gỗ của chùa bị mang đi sử dụng vào mục đích khác, đồ thờ tự bị thất tán, chỉ còn lại nền móng chùa, 1 quyển kinhh, 1 bia đá bị mờ và một cái thạp đựng nước bằng chất liệu gốm sứ cũ, hoa văn men rạn màu xanh có viết chữ Hán màu trắng trên bề mặt.

Những năm gần đây, do nhu cầu về tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương, xuất phát từ giáo lý “từ bi hỉ xả” của đạo Phật, để giáo dục đạo đức cho con cháu biết sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, bà con nơi đây đã chung tay đóng góp công sức và tiền của xây dựng lại chùa vào năm 2006 để làm nơi thờ tự Phật thánh.

Công trình kiến trúc

Ngày nay, đến thăm quan chùa Phương Tích Sơn, từ ngoài vào có các công trình: Sân vườn, nhà Tam Bảo, tháp chùa, nhà Mẫu và nhà Tứ Ân.

Sân vườn: Sân chùa kiểu bậc thang, bậc thứ nhất để nền đất và trồng hoa cây cảnh; bậc thứ hai lát gạch, trên phần sân này có dựng một tấm bia đá cũ màu trắng, thân bia khắc chữ Hán nhưng đã bị mờ hết, còn lại 5 trong số 6 chữ Hán khắc tên bia có nội dung: Tư văn Tống quan bi. Bậc sân thứ 3 cũng được lát gạch vữa.

Nhà Tam Bảo: từ sân lên nhà Tam Bảo là bậc tam cấp, lát bằng đá lan giai của chùa cũ. Nhà Tam Bảo được cấu trúc hình chữ Nhị (二) gồm Tiền đường và Hậu cung.

Tiền đường: là ngôi nhà 3 gian, được cấu trúc bởi 2 vì khung gỗ bào trơn đóng bén, gác chếnh lên tường long cốt, phía sau có hai cột đỡ, các xà gác lên tường hồi, nhà xây theo kiểu tường hồi bít đốc; Tiền đường có kích thước chiều dài 6,7m; chiều dài gian 1 và gian 3 gian bằng nhau, mỗi gian dài 2,1m. Gian giữa có kích thước lớn hơn và có kích thước là 2,5m; Chiều rộng lòng nhà 3,6m, từ chân cột đến tường long cốt là 3m. Chiều cao từ nền nhà đến thượng lương có kích thước 3,7m, nền nhà lát gạch bát đỏ. Hiên chùa rộng 1,23m, hàng cột hiên được đắp bằng xi măng cốt thép.

Nhà Tiền đường mở ba cửa ra vào tạo cho ngôi nhà sáng, thoáng mát và thuận tiện trong dịp cúng tế. Cửa làm bằng gỗ theo kiểu panô, mái lợp ngói hòa. Bờ nóc được trang trí bởi lưỡng long chầu nhật với các đao lửa. Rồng đắp tạo vẩy trên thân, bờm và đuôi rồng hình đao lửa thể hiện sự mạnh mẽ của quyền năng.

Từ nhà Tiền đường vào Hậu cung được trổ 1 cửa kiểu cuốn vòm, cửa có kích thước chiều cao 1,87m và chiều rộng 1,51m, cửa để trống, không có cánh. Qua cửa bước theo bậc ngũ cấp là lên nhà Hậu Cung.

Nhà Hậu cung: gồm 1 gian, không có vì kèo, cũng xây theo kiểu tường hồi bít đốc, toàn bộ đòn tay, rui mè bằng luồng, mái lợp ngói.

Tháp chuông: Phía sau nhà Hậu cung là tháp chuông mới được xây lại. Tháp được xây bằng gạch trên nền tháp cũ (nền là một tảng đá có mặt phẳng), có kích thước chiều cao 1,9m, chiều rộng đế vuông 4m, chóp vuông 0,35m.

Bài trí đồ thờ

Hậu Cung: Ban thờ được bố trí thành 3 lớp thờ như sau:

Lớp bàn thờ cao nhất, là nơi đặt ba pho tượng, gồm tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Mâu Ni và tượng Di Lặc. Đây là ba vị Phật đại biểu của Tam Thiên Tam Thế Phật, nghĩa là ba nghìn vị Phật ở ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.

Lớp thờ thứ 2, là nơi đặt tượng Phật Quan Thế Âm và tượng thị giả giúp việc cứu thế.

Lớp bàn thứ ba, là nơi đặt tượng Thích Ca lúc mới sinh. Theo truyền thuyết nhà Phật thì khi Thích Ca Mâu Ni mới giáng sinh, có 9 con rồng xuống phun nước để tắm cho Ngài. Tắm xong Ngài tự đi 7 bước trên 7 bông hoa sen về phía trước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới trời chỉ có Phật tính trong ta ta là tôn quý). Phía trước là Bát hương bằng sứ mới.

Tiền Đường: được bài trí hai bàn thờ tại hai gian thứ nhất và gian thứ 3.

Bàn thờ tại gian thứ nhất, là nơi thờ Đức ông. Tượng Đức ông có kích thước chiều cao 80cm, chiều rộng 42cm; Phía trước đặt bát hương sứ mới.

Bàn thờ gian thứ 3, là nơi thờ Thánh Tăng. Tượng Thánh Tăng có kích thước chiều cao 1,03m, vai rộng 0,28m. Phía trước đặt bát hương sứ mới.

Nhà mẫu: là ngôi nhà ba gian và một hậu cung, có kích thước chiều dài 7m; chiều rộng 3m; Hậu cung rộng 1,6m dài 1,79m. Mái lợp ngói, nền nhà được lát gạch.

– Bài trí đồ thờ: tại nhà Mẫu bài trí một bệ thờ ở Hậu cung với 3 lớp thờ.

Lớp thứ nhất: là nơi đặt bát hương thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Lớp thứ hai: là nơi đặt bát hương thờ Đức thánh Trần.

Lớp thứ ba: là nơi đặt bát hương công đồng. Phía dưới bệ thờ là nơi đặt bát hương thờ quan Ngũ hổ.

Chùa Quan Chiêm là ngôi chùa thờ Phật, thờ Mẫu. Đây là một ngôi chùa mang những nét đặc trưng của ngôi chùa Bắc Bộ, các dòng tín ngưỡng đan xen với nhau, bổ trợ cho nhau, trong đó Phật được thờ chủ đạo.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), ThS. Vũ Thị Hường
Chấm điểm
Chia sẻ
Eaf8a521bd23787d2132

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)