Chùa Quan Mạc (Lâm Thao, Phú Thọ)

Chùa Quan Mạc (Lâm Thao, Phú Thọ)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Quan Mạc tên chữ là Quan Mạc tự thuộc xóm Mua, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Xã Tiên Kiên có ranh giới phía Đông giáp xã Hy cương, phía Tây giáp các xã Xuân Lũng, Xuân Huy,  phía Nam giáp xã Thạch Sơn, Hùng Sơn,  phía Bắc giáp thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh).

Quan Mạc tự là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và cổ kính tại xã Tiên Kiên có liên quan đến lịch sử thời kỳ Hùng Vương dựng nước tại Phú Thọ.

Lịch sử và nhân vật

Theo bia đá “Quan Mạc tự bi” là cổ vật còn lưu giữ được tại chùa, bia có hình chữ nhật đặt trên bệ rùa.  Trên bia có khắc niên đại tạo tác vào thời Lê, triều vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa ngũ niên (tức Chính Hòa năm thứ 5 (1684), là cơ sở để xác định niên đại xây dựng chùa Quan Mạc ít nhất cũng vào cuối thế kỷ XVII.

Tương truyền, thời Hùng Vương dựng nước đây là nơi vua Hùng thường đi qua khi du ngoạn và luyện tập binh mã. Chùa Quan Mạc cùng với quần thể di tích: Đình Cả (đình Khuân), miếu Giã, Ao Giang, Giếng Vua In, tất cả đều là nơi ghi dấu ấn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Trải qua thời gian lịch sử, các cuộc chiến tranh đi qua, ngôi chùa bị tàn phá nặng nề, ngôi chùa đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Năm 1998, chùa được trùng tu lại với kiến trúc cổ ba gian Hậu Cung và năm gian Đại Bái bằng vật liệu thô sơ đơn giản, tạo nên nơi thờ phụng. Năm 2007, ngôi chùa một lần nữa được tôn tạo lại những kiến trúc bị hư hỏng.

Đặc biệt vào năm 2014, được sự quan tâm của các cấp Giáo hội, sự chấp thuận và tạo mọi điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền, đầu tháng 3-2014, chùa đã tổ chức khởi công động thổ trùng tu xây dựng. Sau hơn 10 tháng thi công, ngôi Tam Bảo và các hạng mục công trình đã hoàn tất.

Ngày 25 tháng 1 năm 2015, lễ khánh thành chùa Quan Mạc được diễn ra với sự tham gia của các cấp, ban nghành, TT.Thích Minh Nghiêm, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ; TT.Thích Minh Thuận, cùng toàn thể nhân dân Phật tử.

Kiến trúc cảnh quan

Chùa Quan Mạc được xây dựng quay hướng Đông Nam, với thế đất cao, trong một khuôn viên rộng rãi với nhiều cây cổ thụ tạo bóng mát.

Cổng chùa được xây dựng trên nền đất cao hơn mặt đường qua chín bậc thang lên xuống. Kiến trúc cổng theo kiểu Tam Quan, gồm ba lối cổng, tạo nên một không gian rộng mở, không có cửa. Toàn bộ cổng được làm theo kiểu bê tông giả gỗ, mang vẻ đẹp vừa hiện đại vừa truyền thống. Cửa chính nổi bật với thiết kế nhô cao hơn hai cổng phụ bên cạnh. Mái cổng lợp theo hình mũi hài, các góc đầu đao uốn cong như sóng mây, và bờ nóc mái là hình rồng chầu mặt nguyệt.

Bước qua khoảng sân rộng, sẽ đến tòa thờ chính, được thiết kế theo kiểu kiến trúc chữ Đinh (丁) có hệ mái chồng diêm hai tầng, tám mái. Tòa thờ gồm năm gian, gồm Tiền Đường và Hậu Cung.

Ở hiên trước Tiền Đường là sáu cột đá, chạm khắc hoa văn, là cấu trúc chịu lực chính cho phần mái hiên. Các hệ thống đầu dư đều khắc hoạ chữ Thọ, ở lối ra vào đều được lắp hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ. Hai bên đầu hồi không xây kín như các ngôi chùa khác mà ở giữa bức tường lại được trổ cửa sổ chữ Thọ.

Kết cấu hệ vì mái được làm theo hình thức thượng giá chiêng – hạ kẻ, chân tảng kê cột bằng đá xanh. Bên trong các gian bài trí hệ thống tượng thờ, tiêu biểu các pho tượng có giá trị nghệ thuật tạo tác tượng tròn đầu thế kỷ XIX, đó là: Tượng Quan Âm Tống Tử, A Di Đà. Ngoài ra, chùa còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật tinh xảo như các bức tranh tượng gỗ và đá, đình, chuông, trống, cửa, cột, hàng cờ. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng những giá trị tâm linh và văn hóa sâu sắc của dân tộc Việt Nam.

Mái chùa Quan Mạc lợp ngói mũi hài, phía trước có mái đao uốn cong, phần ô thoáng ở giữa hệ mái tầng một và hệ mái tầng hai được gắn theo dạng thân trúc xếp thành hàng tạo thông thoáng vào chùa. Hệ mái trên cùng có kích thước nhỏ hơn, phần nóc mái là hai hình rồng chầu, ở giữa là rồng cõng bánh xe pháp luân.

Nằm bên tay trái là Nhà Mẫu, bên tay phải là dãy nhà ngang, mái lợp tôn, đây là nơi tiếp khách, chuẩn bị đồ lễ khi vào dâng hương.

Ở phía ngoài sân còn được xây dựng một nhà bia, với tiết diện hình vuông, gồm bốn cột chịu lực, mái lợp ngói mũi hài, nóc mái trang trí rồng mây. Bên trong có đặt một tấm bia đá.

Hiện vật

Trải qua các giai đoạn lịch sử Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, mảnh đất thiêng này đã đóng góp rất lớn trong việc dựng nước và giữ nước của các vua Hùng. Hiện nay, Di tích chùa Quan Mạc còn lưu lại được những long vị, văn bia, ống hoa, mâm ấu, đài nước, nến phao, bát đĩa cổ, và áo tắm ngựa cho vua.

Đặc biệt là bia đá “Quan Mạc tự bi”, được khắc bằng chữ Hán, có nội dung ghi lại việc công đức của các trùm trưởng, quan viên hai xã: Lục Giã và Tiên Cương, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao. Mặt sau bia, có nội dung chữ Hán được lược dịch như sau: “Thượng hạ đẳng, trùm trưởng, quan viên hai xã Lục Giã, Tiên Cương, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao.”

Xếp hạng

Chùa Quan Mạc được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2002. 

Tham khảo

  1. Kỷ yếu Di tích lịch sử văn hóa Lễ hội truyền thống tiêu biểu huyện Lâm Thao năm 2019
  2. Trần Huy Bá (1967), Ngọc phả triều Hùng Vương và Hùng Vương Bát Cảnh 
  3. Cổng Thông tin điện tử huyện Lâm Thao. 
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Chua Quan Mac Phu Tho (nguon Gg) (1)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)