Chùa Quần Nham (Triệu Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Quần Nham (Triệu Sơn, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Quần Nham là tên gọi chính, ngoài ra chùa còn có tên gọi chùa cây Trôi hoặc chùa Hang, tên gọi chùa Quần Nham vẫn được nhân dân địa phương dùng nhiều hơn cả. Ngày nay, chùa Quần Nham thuộc làng Quần Nham, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Địa lý

Làng Quần Nham đầu thế kỷ XIX, thời vua Gia Long (1802 – 1819) là thôn Quần Nham, tồng Đồng Xá, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa. Thời vua Đồng Khánh (1885 – 1888) thôn Quần Nham thuộc xã Cam Lộ, tổng Đồng Xá, huyện Nông Cống phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Quần Nham thuộc tổng Đồng Xá. Từ 6 tháng 1 năm 1946, đến năm 1953, Quần Nham thuộc xã Đồng Tiến. Năm 1954 chia xã Đồng Tiến thành 3 xã: Đồng Tiến, Đồng Lợi, Đồng Thắng, Quần Nham thuộc xã Đồng Lợi, huyện Nông Cống. Năm 1965 làng Quần Nham thuộc xã Đồng Lợi huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Chùa Quần Nham nằm trong khu vưc có rất nhiều di tích và thắng cảnh như Phủ Nưa, Am Tiên, chùa Hoài Cảm xã Tân Ninh, chùa Lễ Động xã Thái Hòa,… là khu vực rộng lớn có nhiều di tích và danh thắng là địa chỉ thăm quan nghiên cứu của du khách gần xa.

Từ thành phố Thanh Hóa, theo đường Quốc lộ 47 đến ngã tư cầu Trầu rẽ trái theo đường tỉnh lộ 517 khoảng 13km đến xã Đồng Lợi, rẽ phải theo đường làng 1km là đến chùa.

Lịch sử dựng chùa

Về lịch sử xây dựng chùa, hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào viết về quá trình hình thành và phát triển chùa ở đây. Căn cứ vào các hiện vật đá còn lại trong khuôn viên của chùa và qua lời kể của các cụ cao tuổi trong làng cho biết: chùa cũ và đình làng nằm trên cùng một khuôn viên rộng lớn. Đình và chùa làng được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ X, sau này đình và chùa đều bị hủy hoại hoàn toàn. Vật liệu của chùa như: gỗ, gạch, ngói được chuyển đi sử dụng cho các mục đích khác.

Chùa Quần Nham mới được khôi phục lại năm 2000 trên khuôn viên của đất chùa xưa. Kinh phí xây dựng do lòng hảo tâm đóng góp của các tín đồ Phật tử và nhân dân địa phương. Chùa tuy còn đơn sơ nhưng phần nào đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và du khách.

Kiến trúc và bài trí

Cảnh quan kiến trúc chùa từ ngoài vào trong gồm các hạng mục công trình sau:

Cổng chùa được làm bằng sắt, qua cổng có giếng chùa đường kính giếng 10m có đường đi xung quanh; cạnh chùa có một cây Trôi đường kính gốc 6m, chiều cao khoảng 25m tán rộng, cây xanh tốt theo trí nhớ của các cụ cao tuổi trong làng truyền lại thì cây có độ tuổi cùng với sự hình thành của chùa cách nay khoảng hơn 600 năm, về mùa hè cây thường cho quả ngọt, dân làng vẫn thường ngồi mát dưới gốc cây mỗi khi đi làm đồng về, màu xanh của cây rủ bóng mát một vùng. Đi qua bóng mát của cây là lên chùa chính. Chùa được kết cấu hình chữ Đinh (J) bao gồm: chùa chính gồm có 3 gian được trổ 3 cửa, cửa giữ cao 2,2m rộng 1,25m, hai cửa bên có chiều cao 2,2m, chiều rộng 1,17m, qua cửa vào trong chùa gồ 3 gian 2 bộ vì kèo kết cấu đơn giản kèo suốt gác trếnh, mái lợp ngói máy. Chùa có kích thước chiều dài 6m, chiều rộng 4m, Hai bên đầu hồi xây gạch, tường hồi bít đốc, hoành tải rui mè đều làm bằng luồng.

Trong khuôn viên sân chùa có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng thạch cao trắng tượng đứng trên tòa sen, quay mặt về hướng Tây, tay trái tượng cầm cành dương liễu, tay trái cầm bình nước Cam Lộ.

Nhà Bái đường gồm có:

  • Bên tả là tượng Hộ pháp (Khuyến Thiện), tượng dáng đứng đầu đội mũ trụ có vền đỏ quanh mũ phía trước che trán, dáng tượng khoan thai nho nhã, kích thước tượng cao 0,8m, rộng 0,3m, tòa sen cao 0,1m.
  • Bên hữu là tượng Hộ pháp (Trừng Ác), tượng dáng đứng khuôn mặt nghiêm khắc lạnh lùng râu đen kích thước tương xứng với tượng quan văn.

Phía tường đốc có bệ thờ được đặt trong tủ kính 3 pho tượng Mẫu, chính giữa là mẫu Thượng Thiên mặc yếm mầu đỏ, bên tả là tượng mẫu Thượng Ngàn mặc yếm mầu xanh, bên hữu là Mẫu Thoải mặc yếm màu trắng. Cả ba pho tượng này đều có áo choàng và mũ màu vàng, các pho tượng này đều có thần thái hiền từ khoan dung độ lượng bao bọc cho chúng sinh.

Hậu cung bài trí bệ thờ gồm 3 cấp: Cấp trên cùng (sát tường) đặt tượng đức Phật Thích Ca, tượng ngồi chấp bằng theo thế Cát tường tọa  tương truyền đây là thế ngồi khi Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới gốc Bồ đề.

Cấp thứ hai là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, tượng đứng trên tòa sen. Tay phải cầm nhành dương liễu, tay trái cầm một bình nước Cam lộ để cứu chúng sinh.

Cấp thứ ba là pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn, tượng ngồi trên tòa sen có các cánh tay vươn ra để bảo vệ chúng sinh. Thiên Thủ Thiên Nhãn thường được hiểu là: có nghìn mắt, nghìn tay để nhìn thấu hết nỗi khổ của chúng sinh và ra tay cứu giúp họ.

Chùa Quần Nham, với cảnh quan thiên nhiên và sự huyền bí linh thiêng. Hy vọng rằng trong tương lai không xa chùa sẽ được mở mang và quy mô hơn để đáp ứng mọi nhu cầu tín ngưỡng nhân dân làng Quần Nham và du khách thập phương.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), CN. Nguyễn Đăng Đạt 
3.2/5 (4 bình chọn)
Chia sẻ
Eaf8a521bd23787d2132

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)