Chùa Quảng Phúc (Thọ Xuân, Thanh Hoá)

Chùa Quảng Phúc (Thọ Xuân, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Quảng Phúc là tên chữ để gọi chùa, theo nghĩa chữ Hán thì Quảng Phúc có nghĩa là phúc rộng. Chùa Quảng Phúc còn có tên gọi khác phổ biến hơn là chùa Đầm. Sở dĩ chùa được mang tên như vậy là vì nơi đây có dòng sông Chu (Lương Giang) chảy qua, uốn lượn theo hình cánh cung luôn bị đổi dòng theo thiên nhiên và thời gian, để lại các ao, hồ, đầm nên chùa và vùng đất nhiều ao đầm này được gọi là chùa Đầm.

Công trình tôn giáo

Chùa Đầm nay thuộc thôn Quảng Phúc, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thời dựng nước, nơi đây thuộc vùng đất của bộ Cửu Chân trong đất cổ của các vua Hùng. Đến đầu Công nguyên, Xuân Thiên thuộc huyện Vô Biên. Thời kỳ này cư dân quanh vùng đã xuất hiện những đơn vị cư trú tiền thân của làng xã, đó là những kẻ, những chiềng, những chợ: Kẻ Căng (nay thuộc xã Thọ Nguyên), Kẻ Mía (nay thuộc xã Thọ Diên), Kẻ Cham (xã Xuân Lam), Kẻ Đầm tức phố Đầm ngày nay.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, từ thời Trần trở về trước Xuân Thiên thuộc huyện Cổ Lôi, trấn Thanh Đô. Thời thuộc Minh, xã Xuân Thiên thuộc huyện Lôi Dương, phủ Thanh Hoa. Thời vua Lê Thánh Tông, xã Xuân Thiên thuộc huyện Thụy Nguyên.

Thời triều Nguyễn, xã Xuân Thiên thuộc tổng Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên. Năm 1900 phần đất miền núi của tổng Quảng Thi và tổng An Trường được tách ra để thành lập huyện Ngọc Lặc. Đất còn lại của hai tổng này được sáp nhập lại thành tổng Quảng Yên thuộc huyện Lôi Dương, sau đó đổi thành huyện Thọ Xuân. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Xuân Thiên thuộc xã Thuận Thiên và ngày nay là xã Xuân Thiên.

Như vậy, Xuân Thiên là vùng đất được hình thành khá sớm. Cư dân vùng đất này từ bao đời sống chủ yếu bên lưu vực sông Chu để sản xuất nông nghiệp.

Chùa Đầm được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIV). Trước đây là nơi chùa làng. Sang thế kỷ XV, Phật giáo dần dần mất đi vai trò quốc giáo, thay vào đó là sự hưng thịnh của Nho giáo đã tạo nên bức tranh “tam giáo đồng nguyên”, một biểu hiện phối thờ phổ biến trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác trong cả nước, chùa Đầm cũng trở thành một trung tâm tín ngưỡng. Ngoài việc thờ Phật, chùa Đầm còn thờ Thành hoàng làng, một phong tục mang đậm sắc thái văn hóa làng quê Việt Nam.

Nghệ thuật kiến trúc

Chùa Quảng Phúc (chùa Đầm) nằm ngay trục đường liên xã, cách khu di tích lịch sử Lam Kinh chừng 3km về phía đông. Chùa được xây dựng trên một khu đất cao và bằng phẳng với tổng diện tích là 1145m2. Bao quanh là những cây đại thụ, tổng thể được bố trí hài hòa. Tam quan và gác chuông đã bị phá nhưng đến nay đã được xây dựng lại. Dấu vết nền móng cho ta thấy di tích trước kia rất đồ sộ và là chốn tôn nghiêm u tịch.

Chùa Đầm được xây dựng theo kiểu hình chữ Đinh gồm có Tiền đườngHậu cung. Tiền đường là một ngôi nhà gồm 5 gian 2 vỉ bít đốc, có diện tích 140m2. Hệ thống vì kèo được kết cấu theo kiểu cột trụ câu đầu trốn cột cái. Khoảng cách từ xà thượng xuống xà hạ là 0,7m. Liên kết giữa các cột con và cột hiên là các kẻ bẩy. Toàn bộ kiến trúc được lắp ghép qua các hệ thống cột, xà và kẻ bẩy. Cột hiên được xây bằng gạch, có bẩy đỡ ra hiên, xà trụ câu đầu xoi vuông chém cạnh. Kèo được bố trí theo kiểu đón lá dong, mái lợp ngói vẩy. Phần chắn của Tiền đường kết cấu đơn giản bằng các lớp tường xây. Liền kế Tiền đường có một cửa nách đi vào Hậu cung. Tiền đường được xây nối liền với nhà Hậu cung. Hậu cung là một ngôi nhà gồm 5 gian, được xây dựng theo chiều dọc của thân đất, sau này được nối thêm một vì và xây lại đốc. Tổng cộng đầy đủ của Hậu cung sau này là 7 gian với diện tích là 111m2. Đã qua nhiều lần sửa chữa nên các vì kèo ở đây cũng mang dáng dấp mỹ thuật điêu khắc khác nhau. Vì kèo của gian đầu hồi giáp Tiền đường được kết cấu theo kiểu kẻ chuyền giá chiêng. Các cột cái, cột hiên, con ngang trốn cột quân.

Nhìn chung, chùa đã qua nhiều lần trùng tu vào cuối thế kỷ XIX nên hầu hết các mảng kiến trúc trên vì kèo, các bức cuốn lá dong đều mang đậm phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Tiền đường điêu khắc đơn giản hơn Hậu cung được làm cầu kỳ, mang phong cách mỹ thuật nhiều thời kỳ, nhưng chủ yếu vẫn là phong cách điêu khắc mỹ thuật thời Nguyễn.

Hệ thống tượng thờ

Chùa Đầm áp dụng hình thức thờ tiền Phật, hậu Thần. Bàn thờ được chia ra làm hai phía. Bên tả đặt 3 hương án, tất cả các tượng đều đặt trong long ngai. Bên hữu đặt thần vị của: Lê triều Thụy Hoa Công chúa, Trần triều Mỹ Hoa Công chúa, Nguyệt Thiền Thái Chưởng Phu nhân và Bùi Tôn Thần Phu nhân họ Lê. Các thần vị được sơn son thếp vàng và được trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt, có kích cỡ như nhau. Ngai cao 0,75m, thần vị cao 0,65m, rộng 0,2m.

Hệ thống tượng thờ được bố trí nhiều tầng, lớp:

– Lớp cao nhất là 3 pho tượng Tam Thế cao 0,68m, rộng 0,48m.

– Lớp thứ hai đặt tượng A Di Đà tam tôn với 4 pho tượng đều có chiều cao là 1m, rộng 0,4m.

– Lớp thứ ba đặt tượng Phật Bà cao 1,15m, rộng 0,35m.

– Lớp thứ là pho tượng Thích Ca sơ sinh hay còn gọi là Thích Ca Cửu Long cao 1,5m, rộng 0,5m.

– Lớp thứ năm đặt tượng Nam Tào và Bắc Đẩu cao 0,68m, rộng 0,52m.

– Lớp thứ sáu đặt 3 pho tượng Tổ. Bên tả là tượng Đức Ông, bên hữu là tượng Địa Tạng cao 0,63m, rộng 0,52m; pho tượng ở giữa cao 0,70m, rộng 0,52m.

Điều đáng chú ý ở đây là các pho tượng Phật đều được tạo tác theo kiểu dáng tượng Nam tông. Thân tượng hình ống mặc áo cà sa, vai trái để hở, ống tay thụng, thân thắt đai ngang hông, áo là một tấm vải choàng như áo của người Ấn Độ. Phong cách điêu khắc mỹ thuật này thường thấy trong các ngôi chùa của người Chăm.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và sự thay đổi của thời gian, đến nay chùa không còn giữ được nguyên vẹn như xưa, các pho tượng không còn được đầy đủ và mang nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Tuy vậy với những gì còn lại, chùa Đầm vẫn là nơi lưu giữ được những giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người xưa để lại.

Nguồn: Chùa Xứ Thanh (Tập I), CN. Lê Huy Lạng

____________________________

Tiếng Anh (English)

The Quang Phuc Pagoda, also known as Đam Pagoda, is located in Quang Phuc hamlet, Xuan Thien commune, Tho Xuan district, Thanh Hoa province. The name “Quang Phuc” in Chinese means “broad fortune”, and it is also known as Đam Pagoda due to its proximity to the Chu River (Luong Giang), where there are many ponds, lakes, and natural lakes. The pagoda was built during the Tran dynasty (14th century), initially as a Buddhist place of worship, later also worshiping deities and becoming a center of religious worship. The architecture of the pagoda reflects the Nguyen dynasty’s artistic style, with a system of altars arranged in multiple tiers and layers, demonstrating richness and diversity. Despite experiencing many historical upheavals and changes over time, Đầm Pagoda remains a place preserving the cultural and spiritual values of the past.

Tiếng Trung (Chinese)

广福寺,又称为潭寺,位于清化省托春区春天乡广福村。 “广福”这个名字在汉语中意味着”广泛的幸福”,也因其靠近潮河(Luong Giang)而闻名,那里有许多池塘、湖泊和自然湖。 这座寺庙建于陈朝时期(14世纪),最初是作为佛教的礼拜场所,后来也供奉神灵,并成为宗教信仰的中心。 寺庙的建筑反映了阮朝的艺术风格,祭坛系统按照多层次、多层次的方式布置,展现了丰富和多样性。 尽管经历了许多历史动荡和时代变迁,潭寺仍然是保存过去文化和精神价值的地方。

Tiếng Pháp (French)

Le temple Quang Phuc, également connu sous le nom de temple Dam, est situé dans le hameau de Quang Phuc, dans la commune de Xuân Thiên, le district de Thọ Xuân, dans la province de Thanh Hoa. Le nom “Quảng Phúc” en chinois signifie “fortune étendue”, et il est également connu sous le nom de temple Đầm en raison de sa proximité avec la rivière Chu (Lương Giang), où il y a de nombreux étangs, lacs et lacs naturels. Le temple a été construit pendant la dynastie Tran (XIVe siècle), initialement comme lieu de culte bouddhiste, puis également comme lieu de culte des divinités et devenant un centre de culte religieux. L’architecture du temple reflète le style artistique de la dynastie Nguyen, avec un système d’autels disposés en plusieurs niveaux et couches, démontrant la richesse et la diversité. Malgré avoir connu de nombreux bouleversements historiques et des changements au fil du temps, le temple Đầm reste un lieu préservant les valeurs culturelles et spirituelles du passé.

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)