Chùa Quế Phương (Hải Hậu, Nam Định)

Chùa Quế Phương (Hải Hậu, Nam Định)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Quế Phương thuộc xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh  Nam Định.

Lược sử

Đền – chùa Quế Phương được xây dựng từ năm Duy Tân thứ 6 (1912), qua hơn 6 năm xây dựng bằng sự đóng góp công sức, tiền của của nhân dân trong vùng do Hòa Thượng Bùi Xuân Quế trực tiếp thiết kế và chỉ đạo thi công đến năm 1918 chùa mới hoàn thành. Đây là quần thể di tích bề thế thể hiện sự tài năng, sức sáng tạo, đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật cổ truyền của dân tộc.

Cùng với thờ Phật, thờ Mẫu, khu di tích Quế Phương còn có đền thờ Đỗ Tông Phát, đây là nơi ghi nhận công lao khai hoang lấn biển tạo dựng làng xã của Dinh điền Chánh sứ Đỗ Tông Phát ở cuối thế kỷ XIX. Tiến sỹ Đỗ Tông Phát là người con sinh ra và lớn lên tại Hải Hậu, cuộc đời làm quan của ông luôn gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển và chăm lo đời sống cho nhân dân. Sự nghiệp khẩn hoang của tiến sỹ Đỗ Tông Phát đã góp phần xây dựng nên một vùng đất mới (tổng Quế Hải) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và tạo dựng mảnh đất Hải Hậu giàu đẹp hôm nay. Việc lập đền thờ ông tại quần thể di tích không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân địa phương mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giá trị văn hóa

Không chỉ là công trình tôn giáo mang ý nghĩa tâm linh, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, di tích đã có những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp cách mạng của địa phương. Di tích là nơi công tác của ông Hoàng Thọ Đan Trưởng ty công an Nam Định trong thời kỳ 1950 – 1951. Nhà chùa còn có hầm bí mật cất giấu tài liệu và nuôi giấu cán bộ của Đảng, nhà nước.

Công trình kiến trúc Đền – Chùa Quế Phương là một quần thể kiến trúc rộng lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Với lối kiến trúc nhiều gian, nhiều phòng, nhiều tòa kết hợp với cảnh quan môi trường thoáng đãng, rộng rãi đã mang lại cho di tích một dáng vẻ bề thế mang đầy đủ yếu tố cổ truyền và hiện đại hiếm thấy ở các di tích trong vùng.

Đặc biệt tại đây còn bảo lưu được nhiều cổ thư quý như: câu đối, đại tự, sắc phong, văn bia góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu về lịch sử mảnh đất, con người nơi đây. Vào dịp lễ hội đầu xuân nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu cho cộng đồng dân cư ven biển Nam Định.

Ngày 12/12/2003, Chùa Quế Phương được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa.

  • Tham khảo theo cuốn “Lịch sử Phật Giáo Nam Định” – NXB Tôn Giáo

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)