Chùa Quy Cốc (Chùa Núi Đọ – Thanh Hoá)

Chùa Quy Cốc (Chùa Núi Đọ – Thanh Hoá)

Quy Cốc tự là tên chữ mà nhân dân dùng để gọi chùa. Theo nghĩa Hán – Việt thì Quy có nghĩa là quy y; Cốchang núi. Như vậy, Quy Cốc có nghĩa là muốn nói về chốn tu hành nơi đồi núi hoang sơ. Ngoài ra, chùa còn có tên gọi là chùa Núi Đọ, do chùa nằm về hướng nam dưới chân núi Đọ, làng Đọ, thôn Phú Ân, xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa, nên nhân dân còn gọi là chùa núi Đọ.

Về lịch sử xây dựng chùa

Đến nay không tìm thấy nguồn tài liệu nào ghi chép cụ thể và chính xác về niên đại dựng chùa. Tuy nhiên, theo các bậc cao niên nơi đây cho biết: chùa được xây dựng từ khá lâu. Đến năm 1954, chùa vẫn còn tồn tại và được sử dụng làm nơi giam giữ tù binh Pháp trong chiến dịch Điện Biên. Năm 1959, bia đá, khánh đá và các cột đá của chùa bị phá huỷ để sử dụng vào mục đích khác Năm 1960, chùa được sử dụng làm nơi học của học sinh của khối 7 cụm Thiệu Hóa gồm (06 xã: Thiệu Châu, Thiệu Tân, Thiệu Giao, Thiệu vân, Thiệu Dương và Thiệu Khánh). Năm 1963, chùa bị tháo dỡ chùa để lấy vật liệu xây các công trình dân sinh.

Về quy mô, kiến trúc

Theo trí nhớ của các bậc cao niên ở làng Đọ, thôn Phú Ân thì chùa Quy Cốc xưa có quy mô khá to lớn với 3 gian Hậu cung, 5 gian Tiền đường, tường được xây bằng gạch, vì kèo bằng gỗ. Ngoài ra còn có nhà Tăng, nhà Tổ, giếng chùa, ruộng chùa… Năm 1995, ông Nguyễn Đức Tương, sau này là sư thầy Thích Đồng Tuệ kêu gọi nhân dân và các bậc cao niên trong làng tôn tạo lại chùa trên nền móng cũ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó chỉ làm được 01 gian thờ, cột bằng tre, mái lợp bằng giấy dầu và xây 01 bệ làm nơi để bát hương thờ Phật. Đến năm 1998, chùa được xây dựng lại như ngày nay.

Trải qua thời gian, cùng với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, kiến trúc cũ của chùa đã bị hủy hoại, nhưng với các hiện vật quý như: chân tảng đá, bát hương, chân lọng còn được lưu giữ đến ngày nay là minh chứng xác thực cho sự tồn tại của ngôi chùa nơi đây từ xưa.

Chùa chính:

Hiện nay chùa Quy Cốc tọa lạc trên một khu đất rộng, cao ráo, thoáng mát thuộc phía nam chân núi Đọ và phía tây bắc làng Đọ, có diện tích tổng thể là 800m2. Các phía bắc, tây, đông đều giáp núi Đọ, phía nam giáp khu vực dân cư của làng Đọ; phía nam (hướng chính của chùa) là tuyến đường liên xã. Từ ngoài vào có các công trình sau:

– Cổng chùa: được xây bằng gạch gồm hai trụ vuông có kích thước 55x55cm với chiều cao mỗi trụ là 2,4m; bên ngoài được trát bởi một lớp vôi vữa.

– Sân chùa: được láng xi măng, có kích thước chiều dài là 20m, rộng 14,4m, với tổng diện tích là 288m2.

– Chùa chính: được cấu trúc theo kiểu chữ Đinh (丁) gồm 2 gian Hậu cung và 3 gian Tiền đường.

+ Hậu cung: là một ngôi nhà được kết cấu theo kiểu vì kèo suốt, gác trếnh, bộ khung được làm theo kiểu bê tông giả gỗ, với ba bộ vì kèo, mái đổ bê tông, phía trên dán ngói mũi, tường xây bằng gạch và vôi vữa có kích thước chiều dài là 5,2m; rộng 3,8m với tổng diện tích là 19,76m2.

+ Tiền đường: là một ngôi nhà 3 gian, 4 bộ vì kèo bằng gỗ, có kích thước chiều dài là 8m, chiều rộng là 4m (bao gồm cả hiên) với tổng diện tích là 32m2.

– Kết cấu kiến trúc bên trong: Vì kèo của ngôi nhà được kết cấu theo kiểu vì kèo suốt gác chếnh, được tạo thành một bố cục liên kết chặt chẽ, chắc chắn và có tính chất đăng đối giữa các bộ vì kèo với nhau. Hệ thống đòn tay, rui, mè đều được làm bằng luồng.

– Ở phía bên ngoài: Bờ nóc của ngôi nhà được đắp bằng gạch và vôi vữa, hai phía của bờ nóc được đắp hai trụ vuông. Ngoài ra, hai bên phía trước của ngôi nhà còn có hai trụ biểu xây bằng gạch có chiều cao là 3,5m. Phía trên mỗi trụ biểu có gắn một con nghê. Bờ dải xây bằng gạch, vôi vữa và cát để thô không trát áo. Mái lợp ngói mũi lót liệt, nền lát gạch men màu vàng có kích cỡ 40x40cm.

– Về bài trí đồ thờ chùa chính:

+ Bài trí thờ ở Hậu cung: Gian giữa là bệ thờ xây bằng gạch, trát vữa xi măng, ngoài ốp gạch men màu đỏ đậm, cấu trúc gồm có 5 lớp:

  • Lớp trên cùng, đặt ba pho Tam Thế Phật bằng gỗ mít ngồi trên đài sen, tượng tạc trong tư thế ngồi kiết già, hai tay kết ấn.
  • Lớp thứ hai, đặt bốn pho tượng trong tư thế đứng trên tòa sen, ở giữa là tượng A Di Đà, bên hữu là tượng Quan Âm Bồ Tát; bên tả là tượng Đại Thế Chí.
  • Lớp thứ ba, đặt tượng Phật A Di Đà ở chính giữa, bên tả là tượng Phổ Hiền Bồ Tát, bên hữu là tượng Văn Thù bồ tát.
  • Lớp thứ tư, đặt tượng Quan Âm chuẩn đề ngồi trên tòa sen trong tư thế chuẩn đề. Chính giữa nhang án đặt một lư hương đồng và một bát hương sứ. Hai bên tả hữu lư đồng và bát hương mỗi bên đặt một hạc đồng. Tiếp theo, mỗi bên đặt lọ hoa và bốn mâm bồng sứ.

+ Bài trí thờ nhà Tiền đường: Gian bên hữu là nơi thờ Đức Ông gồm có tượng tạc ngồi trên bệ gỗ và một bát hương sứ. Gian thờ bên tả là nơi thờ Thánh tăng và Địa Tạng. Tượng Thánh Tăng bên trái trong tư thế đứng trên tòa sen, tay phải cầm cây trượng, tay trái cầm chén ngọc; tượng Đức Ông bên hữu trong tư thế ngồi, tay phải đang bắt quyết, tay trái để úp bàn tay lên gối trái.

Ở hai bên phía cuối của hiên trước nhà Tiền đường mỗi bên còn có tượng Hộ pháp; tượng bên tả mặc áo màu xanh, tay phải cầm đao, tay trái chống hông; tượng bên hữu mặc áo màu đỏ, tay phải cầm kiếm, tay trái chống vào hông.

Ngoài ra, hai bên phía trước nhà Tiền đường còn có hai trụ biểu được xây bằng gạch có kích thước chiều cao là 6,7m, rộng 0,55mx4. Phía trên mỗi trụ biểu được đắp một con nghê. Hai bên trụ biểu mỗi bên có một câu đối nội dung như sau:

Đỗ Xá mảnh vườn xưa kiếp kiếp phát sinh đầy thiên chí

Quê Sơn ngôi chùa cổ đời đời soi chiếu bóng từ quang.

– Nhà Tổ:

Được xây dựng năm 2012, gồm ba gian, kết cấu kiến trúc được làm bằng sắt mô phỏng theo kiểu vì kèo suốt gác trếnh, mái lợp tôn xốp, có kích thước chiều dài là 7,6m, rộng 4,5m. Các gian có kích thước bằng nhau với chiều dài là 2,4m, rộng 4,3m. Gian chính giữa là nơi đặt nhang án, phía trên có tượng Phật tổ ngồi trên bệ sen và tượng Bồ Đề Đạt Ma ngồi trên bệ gỗ,

– Nhà thờ mẫu:

+ Về quy mô cấu trúc: được cấu trúc theo kiểu chữ Nhất (一) gồm có 3 gian, 4 bộ vì kèo bằng sắt, có kích thước chiều dài là 7m, chiều rộng là 5,55m (bao gồm cả hiên) với tổng diện tích là 38,85m2.

+ Về kết cấu kiến trúc: Cũng như nhà Tổ, Nhà thờ mẫu được kết cấu theo kiểu biến thể vì kèo truyền thống kèo suốt gác trếnh được tạo bởi một bố cục liên kết chặt chẽ, chắc chắn và có tính chất đăng đối giữa các bộ vì kèo với nhau. Ở bên ngoài: mái của ngôi nhà được lợp bằng tôn xốp, tường ngoài của hai đốc để thô không trát áo; nền lát gạch men có kích thước 40x40cm.

+ Về bài trí đồ thờ nhà mẫu: Gian giữa là nơi đặt bệ thờ được xây bằng gạch trát vữa xi măng, ngoài ốp gạch men màu đỏ đậm, bài trí làm 4 lớp thờ:

  • Lớp trên cùng, là nơi đặt ba pho tượng Tam tòa Thánh mẫu, có kích thước chiều rộng là 0,55m, dài 2,65m, cao 1,45m.
  • Lớp thứ hai, là nơi đặt tượng nữ quan hầu, có kích thước chiều rộng là 0,55m, dài 2,65m, cao 1,1m.
  • Lớp thứ 3, là nơi đặt tượng Ngũ vị Tôn ông, có kích thước chiều rộng là 0,68m, dài 2,65m, cao 0,83m.
  • Lớp dưới cùng, là hương án gồm có: một lư đồng, một đôi hạc đồng, một bát hương sứ, bốn lọ hoa sứ và hai mâm bồng sứ. Ngoài ra, dưới ban thờ này còn có ban thờ Ngũ hổ, được đặt một bát hương sứ.

Gian thờ bên tả là nơi thờ Đức Thánh Trần (Trần Quốc Tuấn). Lớp trên cùng là nơi đặt tượng Đức Thánh Trần bằng gỗ. Lớp thứ hai là nơi đặt ba pho tượng thờ Hội đồng Thánh cậu, phía trước có một bát hương sứ, một lọ hoa sứ. Gian thờ bên hữu là nơi thờ Bà chúa Sơn Trang và Hội đồng Thánh. Phía trên cùng là tượng bà chúa Sơn Trang mặc áo màu xanh, hai tay để trên gối ngồi trên bệ gỗ; bệ dưới là tượng Hội đồng Thánh cô và bát hương, lọ hoa, mâm bòng sứ.

Ngoài ra, ngay cạnh bên hữu nhà Mẫu và phía trước chùa chính còn có một ngôi nhà có kích thước chiều dài là 4,5m, rộng 3,55m, được xây giáp với nhà Mẫu. Đây là nơi nhà chùa dùng làm nơi sắp lễ và nhà kho. Ở phía ngoài, phía trước chùa và bên tả nhà Tổ còn đặt một pho tượng Quán Âm Bồ Tát đứng trên bệ sen, tay phải bắt quyết, tay trái cầm lọ nước Cam lồ.

Chùa Quy Cốc cũ mặc dù đã bị hủy hoại bởi những biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với sự biến đổi của thời gian nhưng với những hiện vật còn lưu giữ được cho đến ngày nay như: đá lan giai, chân tảng, chân lọng đá…, là minh chứng quan trọng và xác thực về sự tồn tại của ngôi chùa từ rất sớm. Qua đó, đã cho chúng ta biết về sự tồn tại và phát triển của Phật giáo trên mảnh đất này.

Chấm điểm
Chia sẻ
eaf8a521bd23787d2132

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Hình ảnh
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *