Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Quy Mông có tên chữ là 古 鶴 寺 (Cổ Hạc tự) nằm ở vị trí 3WWJ+7J4 thuộc thôn Quy Mông, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa cách Bưu điện Hà Nội 12,5km về phía Đông Bắc.
Lịch sử
Theo truyền thuyết và các cụ cao niên trong làng kể lại chùa có từ thời Lý. Tương truyền vua Lý Công Uẩn trong buổi đầu gây dựng thế lực để thay thế Lê Ngọa triều. Tuy nhiên, sự việc bị phát giác, Lê Long Đĩnh đã cho quan quân truy sát Lý Công Uẩn. Quan quân triều đình trên đường đuổi theo Lý Công Uẩn khi qua bản thôn thì thấy đôi chim hạc đang chọi nhau nên dừng lại xem nhờ đó mà có cơ hội chốn thoát. Vì lẽ đó, sau khi lên làm vua, Lý Công Uẩn cho lập chùa ở nơi đây và đặt tên chúa chữ của chùa là Cổ Hạc tự để ghi nhớ câu chuyện cũ.
Kiến trúc
Tam quan được xây dựng theo kiểu cửa vòm, cửa chính rộng ở giữa, hai cửa nhỏ hai bên. Cửa chính gồm 2 tầng, tầng trên thiết kế kiểu hai tầng 8 mái, lợp ngói đỏ, tàu mái uốn cong trang trí hoa dây cách điệu. Chính giữa nóc mái là mặt hổ phù đang nâng quầng lửa, 2 bên là hai con Kìm đầu hóa rồng, đuôi uốn cong. Tầng dưới trổ cửa mái vòm bên trên gắn bức đại tự chữ Hán 古 鶴 禪 寺 (Cổ Hạc Thiền tự)
Kiến trúc chùa chín trước kia đã bị bom Mỹ phá hủy, năm 1994 chùa được xây dựng lại trên nền đất cũ. Phía trước chùa là ao rộng, chùa quay hướng Bắc, có bố cục mặt bằng hình chữ đinh (丁) gồm tiền đường và hậu cung. Tiền đường gồm 5 gian làm theo kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, phía trước chùa gắn cửa bức bàn. Hậu cung gồm 3 gian nối liền với tiền đường. Chính giữa hậu cung xây bệ gạch giật cấp để đặt hệ thống tượng thờ.
Di vật
Ngoài hệ thống hoành phi, câu đối, trong chùa hiện còn lưu giữ một số pho tượng trong đó đặc biệt là pho tượng Phật mang dáng vẻ tạc vị vua mà theo các cụ trong làng thường gọi là pho Lý Phật Tổ, tức là vua Lý Thái Tổ.
Tài liệu tham khảo
Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, tài liệu lưu hành nội bộ.