Chùa Báo Ân (Chùa Rẫy – Thanh Hoá)

Chùa Báo Ân (Chùa Rẫy – Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Từ xưa đến nay nhân dân địa phương vẫn thường gọi ngôi chùa thờ Phật ở làng Tức Tranh (nay là phố Thành Tráng, xã Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa), với tên Nôm là chùa Rẫy. Tại sao lại gọi là chùa Rẫy, cho đến nay cũng không ai giải thích được. Theo truyền thuyết: Vào đời Lý Thánh Tông, khi nhà vua đi kinh lý qua làng Tức Tranh thấy ở đây có một ngôi miếu nhỏ do nhân dân dựng lên gọi là Miếu cầu tự, nhà vua liền vào cầu tự. Thời gian sau vua sinh được một vị Hoàng tử, vua đã cho sửa ngôi miếu nhỏ thành một ngôi chùa và ban cho một pho tượng Phật Thích Ca và một quả chuông đồng. Với ý nghĩa như vậy nên chùa còn được gọi với cái tên khác là chùa Báo Ân.

Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thành cho biết: Theo tương truyền và dấu tích còn lại, từ thế kỷ X, dòng họ Đỗ đã đến vùng đất này khai khẩn đất đai trồng lúa nước và dựng ấp lập làng. Làng có tên nôm là làng Nhàng. Đầu thế kỷ XIX làng Nhàng có tên chữ là xã Thanh Dương, tổng Lưu Vệ, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa. Thời vua Đồng Khánh (1885 – 1888), là xã Dương Thanh, thuộc tổng Lưu Thanh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Từ ngày 6/1/1946 đến năm 1948, làng Dương Thanh được gọi với một tên mới là làng Tức Tranh thuộc xã Phan Đình Phùng (một trong 39 xã của huyện Quảng Xương thời kỳ này). Tháng 4/1948 – 11/1953 làng Tức Tranh là một trong 10 làng (Tiên Vệ, Thượng Đình, Trung Đình, Bái Trúc, Xích Ngọc, Việt Yên, Chính Hảo, Tức Tranh, Vĩnh Yên và Ngọc Mai) thuộc xã Quảng Định (xã Quảng Định là sát nhập giữa hai xã là Phan Đình Phùng và Đinh Công Tráng). Đến cuối năm 1953 đầu năm 1954, xã Quảng Định được chia thành 3 xã: Quảng Định, Quảng Đông, Quảng Thành. Xã Quảng Thành gồm 3 làng: Tức Tranh, Vĩnh Yên và Ngọc Mai. Năm 1990, theo Quyết định số 787/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, xã Quảng Thành lập thành 9 thôn gồm: Thành Trọng, Thành Tân, Thành Công, Thành Tráng, Thành Bắc, Thành Long, Thành Mai, Thành Yên và Minh Trại.

Ngày 6/12/1995, theo Nghị định số 85/CP của Chính phủ, xã Quảng Thành sát nhập vào thành phố Thanh Hóa. Ngày 20/8/2013, theo Nghị định số 99/NĐ-CP của Chính phủ, thành lập phường Quảng Thành, thôn Thành Tráng được gọi là phố Thành Tráng.

Về lịch sử hình thành chùa Rẫy

Theo truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian cho biết: chùa Rẫy được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông (1054 – 1072). Trải qua gần 1000 năm xây lịch sử, ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý đến nay không còn dấu tích, song trong trí nhớ của lớp người cao tuổi ở làng sự kiện vua Lý Thánh Tông qua làng và xây dựng chùa vẫn còn in đậm trong ký ức của họ.

Khảo sát trên thực địa, cùng với ký ức của lớp người cao tuổi ở làng cho biết: Trước đây chùa Báo Ân có cổng Tam quan, sân chùa, chùa chính (Tam Bảo Phật), nhà thờ Mẫu và miếu Ông (tức Đức Thánh Trần) và ao chùa ở phía trước. Ngôi Tam Bảo Phật có cấu trúc 5 gian mái cong, phía trong đặt các pho tượng Phật; Miếu Bà đặt các pho tượng Mẫu; Miếu Ông đặt tượng Đức Thánh Trần.

Di vật trong di tích 

Qua khảo sát thực địa di vật của chùa Báo Ân hiện nay còn có:

– 01 viên đá lăng giai: kích thước, dài 90cm, rộng 45cm, cao 12cm;

– 01 chân tảng đá: vuông 23cm, mặt gương 17cm, cao 7cm;

– 02 chân tảng: vuông 27cm, mặt gương 22cm, cao 7cm;

– 02 viên đá lăn giai: dài 55cm, rộng 35cm, dày 14cm;

– 02 viên đá lăn giai: dài 71cm, rộng 37cm, dày 11cm;

– 05 viên đá lăn giai: dài 50cm, rộng 34cm, dày 12cm;

– 01 viên đá có hoa văn: vuông 62cm, cao 14cm;

– 01 Chếnh đá: dài 1,6m, vuông 23cm;

Những di vật này cho biết chùa Báo Ân được trùng tu dưới thời Nguyễn.

Kiến trúc chùa

Mặc dù chùa được xây dựng từ thế kỷ XI, nhưng được tu bổ lần cuối vào thế kỷ XIX, Phật điện của ngôi chùa này có đủ các tượng Phật và Bồ tát như các ngôi chùa hiện nay thường thấy. Theo mô tả của những cụ già trong làng thì việc bài trí tượng Phật ở Phật điện được sắp xếp như sau:

Ở tầng cao nhất của bàn thờ giữa Hậu cung, sát vách, có ba pho tượng Tam Thế, tức tượng các vị Phật của ba thời gian Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Ba vị Phật này là đại biểu cho vô lượng vô biên chư Phật mười phương theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa. Ba pho Tam Thế có kích thước vừa phải, tạo tác theo kiểu tọa trên đài sen.

Tầng thứ hai, là ba pho tượng Di Đà tam tôn, gồm tượng Phật A Di Dà ngồi giữa, hai bên là tượng Quan Âm và Đại Thế Chí.

Tầng thứ ba, là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, với tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, ở bên trái và tượng Phổ Hiền đứng trên tòa sen. Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca đang thuyết pháp.

Tầng thứ tư, bài trí tượng Phật Thích Ca sơ sinh đứng trong Cửu Long, hai bên tượng Thích Ca sơ sinh là tượng Đế Thích và tượng Phạm Vương (còn gọi là Phạm Thiên). Tương truyền khi Đức Thích Ca chưa thành đạo họ ở bên cạnh để hộ trì.

Trong Tiền đường có hai tượng Hộ Pháp mặc giáp trụ, cầm vũ khí bảo vệ Phật pháp, tượng được đắp bằng đất, phủ sơn và có kích thước rất lớn, đầu gần chạm mái. Ngoài ra ở Tiền đường còn có bàn thờ Thập điện Diêm vương, tức mười vị vua cai quản mười tầng địa ngục. Bàn thờ mười vị Diêm Vương được đặt sát tường ở hai bên chính điện. Trong nhà Tiền đường còn có một số bàn thờ khác, thờ thần Thổ địa (thần đất), Long vương, hay Đức ông – người bảo vệ tài sản của chùa.

Ở nhà Tổ, ngôi cao nhất thờ Bồ Đề Đạt Ma, tượng có mũi cao, tóc quăn, râu quai nón, phía dưới là tượng thờ các vị sư từng tu tại chùa.

Phủ Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh):

Ở trong khuôn viên chùa có nhà thờ Mẫu, thờ thánh mẫu Liễu Hạnh (nhân dân sở tại thường còn gọi là Miếu Bà), một vị Mẫu có vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam. Bàn thờ Liễu Hạnh được đặt ngay chính giữa Hậu cung.

Điện thờ Đức Ông (Đức Thánh Trần):

Đức thánh Trần, tức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1232 trong một gia đình quý tộc, phụ thân là Khâm Minh đại vương Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh – tức Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của triều Trần). Ông tạ thế ngày 20/8 năm Hưng Long thứ 8 (1300) tại nhà riêng ở Vạn Kiếp. Ông là người có công lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Tương truyền ông vốn là Thanh Tiên đồng tử giáng sinh phò giúp nhân dân diệt trừ tà ma, quỷ ngạ. Sau khi ông qua đời, để tưởng nhớ đến công lao của ông, nhân dân khắp nơi lập đền phụng thờ. Trong thần điện của đạo Mẫu, ông được tôn là Đức Thánh Trần.

Đến nay chùa tuy không còn, nhưng những dấu vết, di vật của chùa còn lại đến ngày hôm nay là một bằng chứng khẳng định sự tồn tại của chùa Rẫy trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Thanh Hóa. Những hiện vật còn lưu giữ được cho thấy đây là một địa điểm di tích có vị thế quan trọng về tâm linh nằm trong quần thể thiên nhiên đặc sắc và thơ mộng ở vùng đất thiêng này. Vì thế chùa Rẫy cần được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh của một vùng đất xứ Thanh.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Nguyễn Thị Khuyến
1/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Eaf8a521bd23787d2132

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)