Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Sen Hồ, tên chữ là “Vạn Xuân tự” nằm trong cụm di tích Đình – Nghè – Chùa thôn Sen Hồ, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa nằm trên mảnh đất cao ráo, tách biệt khu dân cư.
Lịch sử hình thành
Theo cuốn “Đại vương ngọc phả” do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn ngày 10 tháng 9 năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) còn lưu giữ tại Đình cho biết: chùa Vạn Xuân đã tồn tại từ thời Hùng vương thứ 6 cùng với các vị Thần hoàng làng. Chính thời gian này, một vị long thần được thờ trong chùa đã báo mộng cho Hùng Dược biết việc mình sẽ đầu thai vào phu nhân Đỗ Thị Thục để sinh ra Hùng Hiển. Lúc nhỏ Hùng Hiển thông minh, ham học, văn võ song toàn. Khi cha mất, Hùng Hiển khi này mới 16 tuổi được lên kế vị, tước phong Hùng Bá công. Năm 24 tuổi, người được vua Hùng giao chức bồ chính công, gần gũi nơi triều chính. Sau này, khi giặc Ân sang xâm lược, Hùng Hiển công được phong chức đại tướng quân, mang 5 ngàn quân về xây dựng, đồn lũy ở trang Liên Đường và Kim Đường bên cạnh chùa (Liên Đường sau đổi tên thành Sen Hồ). Giặc tan, nhân dân Sen Hồ lập sinh từ thờ ông để ghi nhớ công lao người anh hùng có công với dân với nước. Như vậy, có thể thấy rằng ngôi chùa đã tồn tại vào trước năm 1572, khi quan Hàn Lâm Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn cuốn Thần phả.
Tìm hiểu di vật lưu giữ tại chùa có thể biết những thông tin liên quan đến việc trùng tu sửa chữa của chùa. Ngày lành cuối đông, năm Bảo Thái thứ 4 (1723) dân làng Liên Đường công đức tiền của dựng cây Thiên đài bằng đá trước chùa. Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) chùa Vạn Xuân được làm một số tượng Phật, Bồ Tát như Tam thế, A Di Đà, Quan Âm Nam Hải, tứ Bồ tát, Kim Đồng, Ngọc Nữ…
Sang thời Nguyễn, chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Đến ngày mồng 3 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), dân làng tổ chức đúc quả chuông đồng Vạn Xuân tự chung. Theo bài minh ghi trên thân chuông, chùa Vạn Xuân vốn là một danh lam cổ tích lớn trong vùng. Trải qua những năm binh hỏa thời Tây Sơn, chuông cũ của chùa không còn nữa, do đó những nhà hằng tâm, hằng sản đã quyên góp tiền của để mua đồng, thuê thợ về đúc chuông, mong cho quả phúc theo với âm thanh, muôn cõi thái bình, mọi người cùng hưởng phúc lớn.
Kiến trúc – Nghệ thuật
Chùa Vạn Xuân hiện nay tọa lạc ngay sát bên phải của Nghè, chùa nằm ngay trước của Đình. Từ cổng đi vào, bên phải là hồ nước nhỏ. Cách đó khoảng 3m là tượng Quan Âm Bồ Tát được thờ ngoài trời. Đối diện tượng dựng cây hương đá thời Lê Trung Hưng.
Chùa chính quay mặt hướng Tây Nam, phía trước là vườn cây ăn quả xanh mát. Chùa có quy mô kiến trúc nhỏ hình chữ đinh, trước tiền đường có một sân gạch vuông nhỏ. Nhà tiền đường được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, đầu của hai tường hồi trước xây trụ biểu cao gần ngang với nóc mái. Trụ có mặt cắt ngang hình vuông, đính đắp cao bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau thành hình trái giành, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ đinh, chính giữa xây mảng tường nhỏ để ghi tên chùa bằng ba chữ Hán cổ “Vạn Xuân Tự”.
Bộ khung đỡ mái của tòa tiền đường gồm bốn bộ vì chính, liên kết các xà là hệ thống xà đai thượng, hạ chạy khắp trên toàn bộ diện tích chùa. Các vì được làm giống nhau, đỡ thượng lương là một trụ ngắn đặt trên chính giữa của câu đầu, hai bên có hai kẻ nhỏ ăn mộng qua đầu trụ chạy xuống đầu cột cái. Các hoành nằm giữa khoảng cột cái và cột quân được nằm trên hệ thống rường nách, bên dưới cột quân lại vươn ra một rường ngắn tương ứng với ba khoảng hoành. Mỗi vì gồm bốn hàng chân, mái phân “thượng tứ hạ ngũ”. Cột có hình đòng đòng, cột cái có chu vi 120cm, cột quân là 80cm. Lòng nhà tiền đường được chia làm ba gian hai dĩ, phía trước mở hệ thống cửa bức bàn, phía sau thông với thượng điện.
Thượng điện là một nếp nhà dọc ba gian, nơi tọa lạc của các vị phật. Bộ vì ngoài cùng giáp tiền đường làm thành những bức cốn để trang trí, vì trong đồng nhất với kiến trúc của nhà ngoài. Trong nhà thượng điện xây bệ gạch cao để đặt tượng thờ.
Trong hệ thống tượng tròn của chùa có tổng số 39 pho cổ trong đó 12 pho có niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII); 27 pho tượng thời Nguyễn. Các pho tượng có niên đại thời Lê Trung Hưng với các nét ở tư thế tự nhiên, thoải mái, khuôn mặt hơi dẹt, ngực nở, eo thót, cung mày lớn, đài sen nở rộng theo thế ngồi, các cánh sen dày mập. Còn nhóm tượng thời Nguyễn có khuôn mặt tròn đầy, mũi cao, tư thế hơi gò bó nên mất đi vẻ thoải mái, tự nhiên. Các họa tiết trang trí trên áo, trên mũ rất phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX. Tiêu biểu là các tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm Nam Hải, tứ Bồ Tát, Kim Đồng, Ngọc Nữ.
Ba pho tượng Tam Thế có kích thước đều nhau (cao m32, rộng vai 37cm, rộng đùi 70 cm), phong cách tạo tác mang đậm nét dân gian, tỷ lệ tượng tuân thủ nguyên tắc tọa tứ độ cao của dính đến đài sen chưa bằng ba lần kích thước của đầu. Đầu tượng được làm theo phong cách cổ, các cụm tóc kết thành hàng ngang có trật tự nhưng lại nở phình ra như chiếc mũ chụp lên. Đài sen được làm giống nhau gồm ba lớp và nở phình theo tư thế ngồi, cánh sen dày và (lược thu gọn về mũi).
Tượng A Di Đà có chiều cao cả bệ là 1m46, rộng vai 31 cm, rộng đùi 70cm. Tượng được làm theo cách thức ngồi tọa thiền, tay kết ấn tam muội để ở lòng dùi. Tượng có nhục kháo nổi vừa phải, đỉnh là một u tròn, các cụm tóc xoáy ốc thành hàng ngang theo các lớp, mặt tượng hơi béo tốt, mắt khép hờ nhìn xuống, miệng mỉm cười cứu độ, mũi dày cân phân. A Di Đà mặc áo cà sa hai lớp, các nếp áo chảy đều, khá quy củ.
Đài sen của tượng không bố trí tròn, phía sau hơi thót, các cánh sen múp phồng, mũi hơi cụp lại, trên đầu mỗi cánh sen đều trang trí hổ phù cách điệu.
Tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ là hai túc vệ trung thành của đức phật, tượng được tạo tác ở tư thế quỳ, mặt hướng vào trong. Hai pho có kích thước nhỏ, chân trái đang quỳ gối xuống đất, chân kia ở tư thế ngồi. Tượng có khuôn mặt tròn, mũi thẳng, lông mày cong, cổ cao ba ngấn, áo tượng mặc hai lớp, cổ kín đoan trang. Hai cánh tay để trần và được chau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Các ngón tay búp măng, dài, cổ tay tròn lẳn đầy sức sống.
Các lớp tượng chùa Vạn Xuân tuân thủ đúng quy chế sắp đặt trong hệ thống tượng thờ người Việt:
- Lớp thứ nhất là ba pho Tam thế thường trụ diệu pháp ngồi trên đài sen.
- Lớp thứ hai là bộ Di Đà Tam tôn gồm A Di Đà, hai bên là Đại Quan Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát đứng thị giả.
- Tiếp đến là Đức phật Thế Tôn, bên dưới có tòa Quan Âm Nam Hải.
- Hai bên của Thế Tôn và Nam Hải có hai vị bồ tát đứng thị giả tạo thành “Tứ Bồ tát”. Lớp thứ năm có tượng Ngọc Hoàng cùng Kim Đồng, Ngọc Nữ.
- Lớp cuối cùng là toà Cửu Long Thích Ca sơ sinh, nhằm tái hiện hình ảnh đức phật Thích Ca mới ra đời và hai vị thần Nam Tào, Bắc Đẩu giữ sinh bạ và tử bạ.
Ngoài lớp tượng phật tại tòa tam bảo, tường hậu của thượng điện có hai bệ gạch thấp để Quan Âm tọa sơn và Quan Âm tống tử. Dọc theo hai dãy tường bao có 10 vị thập điện ngồi trên hai dãy bệ dài. Tại nhà tiền đường có các tượng Đức Ông (Cấp cô độc), Thánh Tăng, Diệu Nhiên, Đại Sĩ và hai vị Thiên Vương bảo vệ pháp giới.
Hiện vật
Cùng với hệ thống tượng phật, chùa Vạn Xuân còn bảo lưu hệ thống các di vật, đây là nguồn tư liệu quý giá, là cơ sở khẳng định sự tồn tại, quá trình hình thành, phát triển của di tích cũng như địa phương với các hiện vật tiêu biểu như:
Một cây hương đá niên hiệu Bảo Thái thứ 4 (1723)
Một quả chuông đồng “Vạn Xuân tự chung” cao 1m13, đường kính miệng là 48cm. Chuông có dáng đẹp, niên hiệu đúc ghi trên chuông là ngày 3 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845).
Chùa Vạn Xuân tọa lạc cùng với di tích đình và nghè tạo thành cụm di tích đẹp của thôn Sen Hồ. Điều quan trọng hơn là sự hòa nhập đan xen giữa một tôn giáo du nhập với tín ngưỡng dân tộc là một điều thú vị, một đặc điểm quan trọng trong sự phát triển của tư tưởng và văn hóa của dân tộc.
Xếp loại
Chùa Vạn Xuân được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao ra quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1992.