Chùa Tăng Quang ( Chùa Áo Vàng, thành phố Huế – Thừa Thiên Huế)

Chùa Tăng Quang ( Chùa Áo Vàng, thành phố Huế – Thừa Thiên Huế)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu


Phật Giáo Nam Tông ở Huế bắt đầu bằng việc thành lập chùa Tăng Quang vào năm 1954 do Hoà thượng Hộ Tông và Hoà thượng Giới Nghiêm ( trực tiếp là Hoà thượng Giới Nghiêm ) chủ trương xây dựng. Chùa Tăng Quang, tên tiếng Pàli: Sangharànsyaràma; dân địa phương thường gọi là “chùa Áo Vàng”, địa chỉ hiện nay là 1/1 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp, Thành phố Huế. 

Lịch sử


Ngày xưa vùng này có một địa điểm gọi là Hồ Ông Mười (tức ông Hoàng Mười) mà ngày nay được cải tạo thành trường phổ thông trung học Gia Hội. Lúc bấy giờ, ở Huế có Tăng mà không có Tự, nên ông Nguyễn Thiện Đông và bà Nguyễn Thị Cúc – một trong những thiện nam tín nữ đầu tiên hộ trì Tam Bảo của Phật Giáo Nguyên Thuỷ ở Huế đã xin phép Đức Giới Nghiêm cho thành lập một ngôi chùa Phật Giáo Nguyên Thuỷ ở Huế để chư Tăng có nơi tu hành và phật tử có nơi cúng dường. Được sự đồng ý của Đức Giới Nghiêm, hai ông bà ra sức vận động và quyên góp tài chính để mua căn nhà số 1/1 đường Võ Tánh – Thành phố Huế và lập nên ngôi chùa, tức Tăng Quang Tự ngày nay. Chính nhờ thiện nam Nguyễn Thiện Đông và tín nữ Nguyễn Thị Cúc cùng các quý ông bà là những Phật tử có đức tin kiên cố đã thường xuyên hỗ trợ mà chùa Tăng Quang được kiến tạo nên. Cũng chính nhờ cơ sở này mà Phật Giáo Nguyên Thuỷ có nơi bám trụ và phát triển cho đến ngày hôm nay tại thành phố Huế.

Chùa được xây dựng năm 1954 với hình thức cải gia vi tự – tức là mua lại căn nhà cũ, sửa chữa đôi chút cho phù hợp để làm thành chùa. Chùa Tăng Quang thời kì này không có gì đặc biệt vì đó chỉ là một ngôi nhà lá đơn sơ với vài ba liêu thất để chư Tăng hành đạo.

Năm 1958, chùa được xây dựng lại với mô hình kiến trúc tân kỳ, không giống hình thức lúc ban đầu – chỉ là hình thức cải gia vi tự, tạm thời có địa điểm để chư Tăng cư ngụ hành đạo và hành pháp. Thời kỳ này chùa Tăng Quang tiến hành trùng tu chánh điện và xây dựng bảo tháp. Ngày khánh thành có sự chứng minh của Hoà Thượng Hộ Tông, Hoà thượng Bửu Chơn, Hoà thượng Thiện Luật cùng với hơn 60 vị từ kheo từ miền Nam ra tham dự. Cũng trong năm này, chùa được xây dựng và kết giới sìmà theo truyền thống của Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Năm 1963, chùa Tăng Quang tiến hành trùng tu và xây dựng lại, các công trình xây dựng thời kỳ này gần như tồn tại cho đến ngày nay.

Như vậy ta thấy rằng, từ khi được xây dựng cho đến nay chùa đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, nhờ oai lực của Tam Bảo, nhờ đạo hạnh của các vị tu sĩ, nhờ đức tin kiên cố và sự hỗ trợ không ngừng của những thiện nam tín nữ, nhìn chung trong lịch sử chùa Tăng Quang liên tục được tu bổ. Tuy vậy, trong quá trình từ khi thành lập đến nay, chùa cũng có những giai đoạn phát triển và cũng có những khúc quanh cùng với lịch sử đấu tranh Cách mạng của đất nước ta.

Kiến trúc


 Chùa Tăng Quang là ngôi chùa của Phật Giáo Nam Tông, đến với chùa Tăng Quang, chúng ta dễ nhận thấy sự khác biệt so với những ngôi chùa khác: Không tôn- nghiêm- cao-khiết như chùa Tịnh Độ Tông, không huyền – bí- thâm- u như chùa Mật Tông, cũng không hồn nhiên, dung dị như chùa Thiền Tông. Chùa Tăng Quang với kiến trúc đơn giản cho ta cảm nhận nét giản dị, thực tế, trong sáng, trầm ổn và thanh thoát, hay cụ thể hơn là sáng sủa, thông khoát, cao nhã, thanh nhu và mạnh mẽ..

Kiến trúc chùa Tăng Quang hiện nay được mở đầu bằng cổng Tam quan, có ba lối vào, lối giữa rộng và lớn hơn so với hai lối hai bên. Trên mỗi cánh cổng của chùa Tăng Quang đều có trang trí. Cánh cổng giữa trang trí bánh xe tượng trưng cho Thập nhị nhân duyên, hai cánh cổng hai bên là bánh xe tượng trưng cho Bát chánh đạo, mặt tiền cánh cổng đắp dòng chữ “Tăng Quang Tự”.

Từ cổng Tam Quan vào trong chùa ở giữa đặt một cái chung đỉnh và một hồ sen bán nguyệt tự tạo, mặc dù kích thước nhỏ bé nhưng chung đỉnh làm cho ngôi chùa thêm phần oai nghiêm và hồ sen trắng làm cho cảnh chùa thêm thanh khiết, nhẹ nhàng. Đi hết cái sân nhỏ là đến ngôi Chánh điện và toà Bảo tháp tôn trí Xá-lợi Đức Phật. Chánh điện và Bảo tháp được kiến tạo chung một không gian. Chánh điện ở tầng trệt, Bảo tháp được xây ở trên và nằm về phía mặt tiền của Chánh điện, trước thềm Chánh điện là bậc tam cấp, bên tả và bên hữu đều có trang trí tượng rồng đá chầu.

Ngoài ra còn có hai cây Sàlà Long thọ trồng mỗi bên. Loài cây này tương truyền là nơi Đức Phật Đản sanh và Nhập diệt. Từ bên ngoài nhìn vào Chánh điện sẽ nhận ra vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh và trầm hùng – phần nào là nhờ dáng dấp uy nghi vời vợi của ngôi Bảo tháp. Năm 1995 Hòa thượng Định Lực có làm bài thơ như sau:

                                                                       THÁP CHÙA TĂNG QUANG

Bảo tháp Tăng Quang ngự Huế thành
Tôn thờ Xá-lợi Đấng Cha lành
Sàlà Long thọ hầu hiên trước
Bảo tọa từ tôn độ chúng sanh
Đông uyển ngạt ngào lai dạ lý
Tây viên hòe thọ ướt tàng xanh
Liễu đào soi bóng liên trì nguyệt
Phạm hạnh tu hành dứt trọc thanh.

Bảo tháp hình vuông, cao khoảng 25m, có 6 tầng mái. Nổi bật trên nền trời với biểu tượng toà sen xoè cánh trên đỉnh. Mặt tiền của tầng tháp đắp nổi dòng chữ Sangharànsyaràma ( Tăng Quang Tự) theo hình bán nguyệt, phía dưới dòng chữ là phù điêu Đức Phật ngồi thiền định, bên trái khỉ chúa dâng quả, bên phải bạch tượng quỳ hầu, mảng phù điêu này thể hiện câu chuyện Đức Phật khuyên dạy các thầy Tỳ kheo ở thành Kosambi không được nên Ngài lặng lẽ vào rừng nhập hạ mà không có một Tỳ kheo nào theo hầu cả, trong thời gian nhập hạ ở núi rừng chỉ có khỉ và voi là thị giả ngài mà thôi. Dưới hình Đức Phật có dòng chữ “Theravàda” (Phật Giáo Nguyên Thuỷ) nằm ngay chánh môn của Phật điện.
Ở ngoài Chánh điện, phía trái là Tăng xá hai tầng mới được xây lại vào năm 2000 – 2001, khi dãy nhà cũ dùng làm Tăng xá bị hư hỏng nghiêm trọng sau trận lũ 1999. Sau lưng Tăng xá là nhà khách, trai đường ở sau Chánh điện. Chùa Tăng Quang – ngôi chùa thuộc hệ phái Nam Tông lại có nét khác biệt, trong Chánh điện chỉ tôn thờ duy nhất Phật Thích Ca.
Ngoài ra, hiện nay trong Chánh điện của chùa Tăng Quang phía dưới bệ thờ Phật Thích ca còn có bàn thờ các vị sư có công đức với việc truyền bá. Bên phải là bàn thờ Hoà thượng Hộ Tông – người khai sáng Phật Giáo Nguyên Thuỷ ở Việt Nam. Bên trái, là bàn thờ Hoà thượng Giới Nghiêm – người có công đầu trong việc du nhập và truyền bá Phật Giáo Nguyên Thuỷ vào Huế. Phía dưới khu vực bệ thờ, nơi chư Tăng và Phật tử hành lễ hàng ngày, bên phải là bàn thờ Hoà thượng Định Lực – một trong những vị trụ trì chùa Tăng Quang đã viên tịch năm 2005.
Từ khi thành lập cho đến nay chùa Tăng Quang trải qua những đời trụ trì : Hoà thượng Giới Nghiêm; Hoà thượng Ẩn Lâm; Hoà thượng Hộ Nhẫn; Đại đức Giới Hỷ; Hoà thượng Định Lực; Đại đức Tánh Hiền.

Như vậy Chùa Tăng Quang là ngôi cổ tự đầu tiên của Phật Giáo Nam Tông xứ Huế. Chùa là minh chứng cho sự thành công trên con đường truyền nhập đạo pháp của các vị tiền sư, đặc biệt là đại đức Giới Nghiêm. Hiện nay, trủ trì Chùa là Đại đức Tánh Hiền, chùa hiện có 6 vị. Ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, về cơ bản chùa Tăng Quang đã được xây dựng khá hoàn chỉnh và vững chãi. 

“Tăng Quang – ánh sáng Tăng già
Thong dong y bát ngàn nhà gieo duyên
Giọt mưa, hạt nắng, bạn hiền
Ong vàng nhẹ cánh khắp miền nở hoa”

Đến với Cố đô thanh bình và thơ mộng du khách không chỉ được hưởng thụ vẻ đẹp của sông Hương núi Ngự hiền hoà, vẻ đẹp cổ kính của đền đài lăng tẩm, mà còn đến với chùa để tâm hồn thanh thản, tìm lại sự tĩnh lặng cần thiết trong cuộc sống hiện đại ồn ào. Chính vì vậy, nếu ta biết bảo vệ và phát huy điểm mạnh của những ngôi chùa Huế trong đó có chùa Tăng Quang, đồng thời quan tâm hơn nữa trong công việc xây dựng nâng cấp chùa thì những ngôi chùa sẽ góp phần vào việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ nếp sống tâm linh cùng chung với Phật giáo xứ Huế – thì quả là tốt đẹp biết bao nhiêu!

Tham khảo


  • https://huyenkhongsonthuong.com/chua-tang-quang.html
  • http://www.phathoc.net/PrintView.aspx?Language=vi&ID=7AC052
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)