Chùa Tây Thiên Di Đà (chùa Tây Thiên, thành phố Huế – Thừa Thiên Huế)

Chùa Tây Thiên Di Đà (chùa Tây Thiên, thành phố Huế – Thừa Thiên Huế)

Giới thiệu


Chùa Tây Thiên Di Đà còn có tên gọi chùa Tây Thiên, tuy mới được kiến tạo từ năm Nhâm Dần, 1902 nhưng qua quá trình hình thành và phát triển suốt nửa đầu thế kỷ XX thì ngôi chùa mới này cũng đã đóng giữ một vai trò trọng yếu trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung; đã góp phần đánh thức nhiều thế hệ Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam, sau hơn một thế kỷ ngủ vùi trong suy vi, đình đốn, làm cho tất cả đều đứng dậy và vươn lên mạnh mẽ.

Chùa Tây Thiên Di Đà tọa lạc ở phía tây nam núi Ngự Bình, số 21/9 đường Nam Giao, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lịch sử


Chùa Tây Thiên do Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh kiến tạo từ năm Nhâm Dần, 1902. Chùa nằm về hướng Tây Nam núi Ngự Bình, cách đàn Nam Giao khoảng 500 mét về phía Nam.Thời đầu xây dựng, chùa có tên gọi là Thiếu Lâm trượng thất và chỉ là một thảo am để Hòa thượng cùng vài ba đệ tử làm nơi ẩn náu tu hành.

Vào mùa Đông năm Giáp Thìn, 1904, sự sinh hoạt có cơ duyên phát triển nên chùa được xây dựng thêm một ngôi nhà nằm phía hữu của thảo am, rồi đổi tên Thiếu Lâm trượng thất thành Thiếu Lâm tự.

Đến năm Tân Hợi, 1911, Hòa thượng tiếp tục cho xây ngôi chánh điện rộng lớn (nằm ở vị trí ngày nay) còn nền cũ thì sửa lại làm Tăng xá. Trong dịp này, Hòa thượng còn chú tạo một ngôi tượng Phật A-di-đà, rồi lại đổi tên Thiếu Lâm tự thành Tây Thiên Phật cung.

Đây cũng là thời kỳ Phật giáo Việt Nam bắt đầu chuyển mình vươn dậy, sau hơn một thế kỷ lâm vào tình trạng trì trệ, tha hóa.

Ở miền Nam, chư tôn Thiền đức bắt đầu lập các Đạo tràng để chấn chỉnh Tông môn và vận động cho công cuộc chấn hưng. Ở miền Trung, chư Tổ cũng tích cực khởi động phong trào.

Mùa Xuân năm Mậu Thìn, 1928, Tổ Thanh Ninh Tâm Tịnh viên tịch. Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên, trưởng tử của Tổ kế tục trụ trì. Lên làm trụ trì, Hòa thượng Giác Nguyên, cũng không ngừng nỗ lực tiếp nối thực hiện sự nghiệp hoằng hóa đang còn dở dang của Tổ. Ngày 19 tháng 9 năm Ất Hợi (16.10.1935), Hòa thượng trụ trì, cùng chư tôn Hòa thượng trong Hội đồng chứng minh An Nam Phật học hội, quyết định thành lập và khai giảng một Phật học viện rất qui mô tại chùa Tây Thiên. Phật học viện này gồm đủ ba trường Sơ-Trung-Cao đẳng. Sau khi thành lập, thì các lớp Sơ đẳng, Trung đẳng đang được giảng dạy tại các chùa Vạn Phước, Trúc Lâm, Tường Vân, Báo Quốc… đều được chuyển lên sáp nhập vào Phật học viện này.  Một năm sau ngày khai giảng, Phật học viện tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Đệ nhất chu niên. Trong dịp này, Hội quyết định đổi tên trường Cao đẳng thành “XUÂN KINH ĐẠI PHẬT HỌC TRÀNG” . Cơ sở vẫn đặt tại chùa Tây Thiên.

Phật học viện Tây Thiên là một Phật học viện đầu tiên có hệ thống tổ chức rất khoa học, có phương pháp giáo dục tập trung hoàn chỉnh, là một trung tâm đào tạo Tăng tài nổi tiếng nghiêm túc và có chất lượng học tập cao nhất của Phật giáo tại miền Trung lúc bấy giờ.

Phật học viện Tây Thiên đã cung ứng kịp thời một phần rất lớn các vị Tăng tài cho công cuộc chấn hưng, đã duyên khởi cho một Đại Tòng lâm kiểu mẫu ra đời sau đó trên ngọn đồi Kim Sơn hùng vĩ, ở thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, ngoại vi kinh thành Huế. Phật học viện này thực sự đã ghi một dấu son trong dòng lịch sử xây dựng và phát triển của ngôi chùa mới Tây Thiên.

Đến năm Tân Mão, 1951, sau khi tổ chức Gia đình Phật hóa phổ được Hội quyết định đổi tên thành Gia đình Phật tử, thì khuôn viên chùa Tây Thiên đã trở thành “Trại trường” của tổ chức Phật giáo này.

Năm Nhâm Thìn, 1952, chứng kiến nỗi cơ cực, thiếu thốn của đông đảo đồng bào Phật tử trong cơn ly loạn, Hòa thượng trú trì cùng chư Tăng chùa Tây Thiên, đã thành lập trường Sơ cấp Phật giáo để giúp đỡ cho con em trong địa phương có nơi học tập. Rồi lập nên Trạm y tế từ thiện để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào Phật tử nghèo trong suốt một thời gian dài.

Có thể nói, đây là hai mô hình “phụng sự chúng sinh” khá mới mẻ nhưng rất thành công mà ngôi chùa mới Tây Thiên đã xây dựng được. Từ mô hình này, sau đó đã được các chùa, các tự viện tiếp tục triển khai trên nhiều địa phương. Điển hình như Trạm xá tại chùa Từ Đàm (sau nâng lên thành bệnh xá) và Bệnh xá Tây Lộc, do Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên thành lập và hoạt động cho đến sau ngày 30.4.1975 mới chấm dứt.

Năm Đinh Mùi, 1967, Hòa thượng trú trì Trừng Văn Giác Nguyên chứng minh và lập nên “Tịnh nghiệp Đạo tràng Tây Thiên”, để làm nơi tu học cho các giới cư sĩ tại gia. Từ ấy đến nay mà Tịnh nghiệp Đạo tràng vẫn không ngừng sinh hoạt. Điều đáng trân trọng hơn nữa là các vị cư sĩ xuất thân từ Đạo tràng Tây Thiên này là những vị cư sĩ mẫu mực, đã và đang gánh vác trọng trách tại các Khuôn Giáo hội, các Niệm Phật đường…

Ngoài những Phật sự lớn lao mà ngôi chùa mới Tây Thiên đã tích cực đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo trong giai đoạn chấn hưng, chùa còn là nơi xuất hiện Chín bậc Cao Tăng kỳ vĩ, sự nghiệp hoằng hóa của quý Ngài không chỉ rực sáng trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà tài năng, đức độ và hạnh nguyện cao cả của quý Ngài đã thấm nhuần trong đời sống biết bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử.

Kiến trúc


Quang cảnh trang nghiêm, thanh tịnh và đạo phong thanh thoát của các thế hệ chư tăng thường trú ở ngôi chùa mới Tây Thiên cũng đã được các bậc Cao tăng, thạc đức không ngớt lời xưng tán.

Tại cổng tam quan chùa, ở hai trụ chính giữa:

破無明除二執魔外降心

示八相顯六通人天稽首

Âm:

Phá vô minh trừ nhị chấp ma ngoại hàng tâm

Thị bát tướng hiển lục thông nhân thiên khể thủ

(Câu này do Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu cẩn đề)

Trong chánh điện, hai vế ở giữa:

生 生不增滅 滅不減真如萬古常新

前前無始後後無終金性本來如是

Âm:

Sanh sanh bất tăng diệt diệt bất giảm chân như vạn cổ thường tân

Tiền tiền vô thủy hậu hậu vô chung kim tính bản lai như thị

Tại nhà hậu Tổ:

林 泉枯木待人知晤為開花

少室微風拂面問誰能作佛

Âm:

Lâm tuyền khô mộc đãi nhân tri ngộ vị khai hoa

Thiếu thất vi phong phất diện vấn thùy năng tác Phật.

(Câu này do Hòa thượng Tâm Phật Thiện Siêu cẩn đề)

Tham khảo


  • http://dulich24.com.vn/du-lich-thanh-pho-hue/chua-tay-thien-di-da-id-5440
  • https://vuonhoaphatgiao.com/tu-vien/cac-chua-trong-nuoc/cac-chua-o-thua-thien-hue/chua-tay-thien-di-da/
  • http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/danh-lam/8129-Chua-Tay-Thien-Noi-xuat-hien-chin-bac-cao-tang-ky-vi.html
Chấm điểm
Chia sẻ
7. Ngôi Chánh điện chùa Tây Thiên Di Đà (chuaviettoancau.com)

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *