Chùa Thạch Long (có nghĩa là Rồng đá) tọa lạc tại thôn Công Tum, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây được mệnh danh là “Chùa thiêng trong hang đá” với nhiều sự tích, huyền sử đẹp cùng với những dấu ấn lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm.
Lược sử
Sự tích về tên gọi Thạch Long
Chùa Thạch Long trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của miền Bắc bởi lịch sử hình thành vô cùng kỳ lạ của nó. Tương truyền rằng, vào thế kỉ XVIII, người dân ở xã Vi Hương – Bạch Thông đã xuôi theo sông Cầu để rước tượng Phật Thích Ca về thờ ở làng mình là Hoa Sơn, trên đỉnh dãy núi Phja Bjoóc. Do tượng Phật được làm bằng vàng rất nặng nên phải dùng bè mảng để kéo. Đến địa phận xã Cao Kỳ ngày nay thì trời tối, người dân đã nghỉ qua đêm tại đây, nhưng đến sáng hôm sau khi tỉnh dậy thì họ phát hiện tượng Đức Phật đã biến mất. Những người đi rước phải thắp nhang và khấn cầu Đức Phật chỉ đường đến chỗ Ngài đang tọa. Vừa dứt lời thì bó nhang đã bay vút sang bờ sông và luồn vào một hang núi. Người dân đi theo làn khói nhang thì phát hiện ra một hang núi vô cùng rộng lớn, thoáng mát và tượng Đức Phật đã tọa lạc ở vị trí cao nhất. Đó đó, người dân đã lập ngôi chùa tại đây để thể hiện lòng thành kính của mình.
Lịch sử của chùa
Chùa Thạch Long không chỉ nổi tiếng vì có nhiều huyền tích mà còn là một di tích lịch sử đáng tự hào của người dân xã Cao Kỳ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Từ năm 1950 đến năm 1980, chùa Thạch Long được trưng dụng làm kho cất vũ khí. Và cũng trong thời gian này, quân và dân huyện Chợ Mới đã tích cực bảo vệ vững chắc cơ quan, kho, trạm, xưởng quân khí trên địa bàn.
Từ ngày 20 đến 23 tháng 3 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đi kiểm tra công tác sửa chữa đường số 3, đoạn Thái Nguyên đi Cao Bằng. Trong chuyến đi này, Bác đã đến thăm và nghỉ tại Trạm quân khí trong hang Cao Kỳ. Tại đây, Bác đã căn dặn anh em bộ đội: “Kho ở gần trục đường chính, vì vậy phải luôn đề cao cảnh giác, bảo vệ kho cho thật tốt”. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng đối với nhân dân các dân tộc huyện Chợ Mới, đây cũng là lần duy nhất Bác Hồ đến thăm kho quân khí của huyện.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chùa trở thành trạm vận chuyển vũ khí và là kho vũ khí bí mật của quân đội ta.
Năm 1986, chùa Thạch Long được chính quyền và nhân dân địa phương phục hồi và xây dựng một số công trình nhằm phục vụ cho nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân địa phương cũng như của du khách thập phương.
Ngày 02/11/2011, Chùa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử – văn hóa truyền thống cấp tỉnh.
Kiến trúc cảnh quang
Chùa Thạch Long nằm ở độ cao 300m so với mực nước biển, chùa có tên Thạch Long (con rồng đá) là vì hang động nằm trong núi đá, cổng hang có hình miệng con rồng đang há to.
Không gian chùa Thạch Long được chia làm hai phần:
Phần thứ nhất là chùa Thiên, nằm ở trên cao, có bậc đá dẫn từ chân núi lên tới tận cửa hang. Và như sự tích thì gian cao nhất thờ Đức Phật Thích Ca. Ở gian trung, trên bệ cao nhất có ảnh thờ Bác Hồ. Trong lòng chùa Thiên, vách đá tự chia thành từng múi như những chiếc lọng cao và sang trọng che cho các vị Chư Phật ngồi dưới. Nơi này rất linh thiêng, và mang những giá trị văn hóa riêng đối với đời sống tín ngưỡng của dân Việt.
Phần thứ hai là Chùa Âm, ngôi chùa này cũng có kiến trúc khá độc đáo. Muốn đến chùa Âm, phải đi đường vòng, quanh các sườn núi. Cửa vào chùa Âm thì hẹp hơn chùa Thiên, lòng hang cũng không rộng bằng chùa Thiên với chiều cao khoảng 6m và rộng khoảng 6m, có ngách ăn sâu vào bên trong hang đá, rất kì diệu.
Có một cách khác để tham quan chùa là viếng chùa theo kiểu ba tầng, mỗi tầng đều thờ các vị thần, các danh nhân, họ đều là những người đã có công dựng nước và giữ nước. Ngôi chùa mang giá trị văn hóa và lịch sử lớn của dân tộc.
Tầng Thượng thờ: Phật Thích Ca, Phật Mẫu Ma Gia, Phật Quan Âm Bồ Tát và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tầng giữa thờ danh nhân Dương Tự Minh, Đức Quân Thượng, Ngũ tướng thần Xà,…Tầng hạ thờ Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thủy và Tứ Phủ. Tất cả đều tạo nên một vẻ đẹp kì ảo trong lòng hang với nhiều thạch nhũ lung linh, huyền ảo.
Lễ hội
Lễ hội chùa Thạch Long được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, thu hút nhiều du khách thập phương đến để cầu bình an, may mắn cho gia đình và cũng là dịp để chiêm ngưỡng cảnh quang thiên nhiên hùng vĩ.
Bài viết tham khảo
- https://backan.gov.vn/Pages/chua-thach-long—ngoi-chua-trong-hang-da.aspx
- http://backan.tintuc.vn/du-lich/chua-thach-long-noi-duoc-menh-danh-la-chua-thieng-trong-hang-da.html
- https://bietthungoctrai.vn/chua-thach-long-bac-kan/
- https://dulichdongque.com/bac-kan/