Lịch sử
Chùa Thái tên chữ là Thái Bình tự, thuộc xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Chùa được nhân dân trong vùng quen gọi là chùa Thái Dương Am, hay chùa Thái Trấn Dương. Tương truyền, chùa Thái do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn đất, cắm hướng.
Chùa Thái nhìn về hướng chính Tây, tọa lạc trên khu đất rộng 12.083 m2. Trước mặt là cánh đồng lúa trải dài tít tắp, bên phải là sông đào Chanh Dương mang dáng dấp của “thúy long”, bên trái là đê cổ Dương Am đồ sộ, chạy dài tựa “địa long”. Theo thuyết phong thủy của người xưa, chùa Thái được xây dựng trên khu đất “đắc địa”.
Kiến trúc
Qua các thời kì lịch sử, chùa Thái đã được trùng tu nhiều lần. Gần đây nhất là vào năm Canh Thìn (1940) và năm Canh Tý (1960). Toàn bộ khu di tích bao gồm gác chuông 3 tầng, 8 mái, giếng mắt rồng, dãy nhà khách, vườn mộ tháp. Ngôi chùa chính thờ Phật, gồm 3 tòa nhà bố cục theo kiểu “tiền nhất hậu đinh” với 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và một gian hậu cung. Phật điện bày trọn trong gian hậu cung: nơi cao và sâu nhất là nơi ngự của bộ tượng Tam Thế; hàng thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn gồm A Di Đà ngồi giữa, tượng Đại Thế Chí và Quán Thế Âm Bồ Tát ngồi hai bên; hàng thứ 3 là tượng Tuyết Sơn ngồi giữa, 2 pho Thiên tướng mặc áo giáp trụ, tay cầm kiếm ngồi hai bên. Bên trái tòa trung đường là ban thờ tượng Đức Ông, bên phải đặt khám thờ tượng Tống Thái hậu đầu đội “thiên quan” với nét mặt nhân từ, phúc hậu, tọa khoanh chân trên bệ gỗ, áo trùm kín chân.
Trong tòa tiền đường chùa hiện còn 2 quả chuông đồng khá lớn, cao khoảng 1,6m, được đúc thời Tây Sơn và còn một số di vật có giá trị như đôi ngựa hồng và một số đồ thờ tự khác. Chùa Thái còn có ban thờ Đức thánh Trần Quốc Tảng (con của Hưng Đạo Vương), người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên . Theo truyền sử, có lần Mạc Mậu Hợp (1562-1592), được Mạc Kính Điển đưa thoát qua cửa Thái Bình ra biển, sau đó năm nhà Mạc thường sai sứ về đây dựng đàn tế tạ ơn. Dẫu tích đàn tế Hải khẩu nay vẫn còn lưu vết ở phía Bắc chùa.
Thái Bình tự không chỉ là cụm Di tích lịch sử – văn hóa mà còn là nơi hoạt động cách mạng. Ngày 9 tháng 01 năm 1926, nhân dân thôn Dương Am đã đoàn kết đánh tên Đào Lạng (tri phủ Vĩnh Bảo). Tại khu vực cổng Tây của chùa, năm 1949 đã diễn ra cuộc chiến đấu oanh liệt du kích Trấn Dương chặn đánh bọn biệt kích gồm cả linh lê dương Pháp, lính ngụy từ nhà thờ Đông Côn, Tiên Lãng sang càn quét.
Năm 1930, các chiến sĩ Quốc dân Đảng yêu nước, khi diệt tri phủ Hoàng Gia Mô, đã rút về chùa ẩn náu lên thuyền vào Nghệ An. Năm 1951, trong trận càn Mêđuy của giặc Pháp, khu vườn tre của chùa là nơi nhà chùa nuôi giấu 12 cán bộ, du kích dưới hầm bí mật. Sau chiến công vang dội của trận tập kích sân bay Cát Bi (7-3-1954), đoàn dũng sĩ Cát Bi đã hành quân về chùa Thái tổ chức lễ báo công, nghe đọc thư khen và đón nhận danh hiệu “Đoàn Dũng sĩ Cát Bi” do Bác Hồ trao tặng.
Chùa Thái là một trong những ngôi cổ tự mang đậm sắc thái văn hóa của cư dân miền biển. Năm 1994, chùa Thái đã vinh dự được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.