Chùa Thanh Am (Chùa Lương Trung – Sầm Sơn, Thanh Hóa)

Chùa Thanh Am (Chùa Lương Trung – Sầm Sơn, Thanh Hóa)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Thanh Am còn có tên gọi khác là chùa Lương Trung là tên gọi do nhân dân địa phương quen gọi ngôi chùa nằm trên vùng đất cổ xưa của làng Trung. Chùa Thanh Am nằm trên địa bàn phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Chùa Thanh Am nằm trong một quần thể di tích danh thắng ở Sầm Sơn, như: đền Bà Triệu, đền Đông Hải Đại vương, đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Đề Lĩnh, Hòn Trống Mái, bãi biển Sầm Sơn v.v… liên tưởng đến nhiều huyện thoại, về lịch sử trong công cuộc xây dựng, đấu tranh đầy thử thách của cư dân biển, đồng thời cũng rất có ý nghĩa trong việc hình thành và vun đắp đời sống tinh thần, trong cộng đồng dân cư đã trụ vững lâu đời ở đây. Chùa Thanh Am là một ngôi chùa cổ trong hệ thống các chùa ở Sầm Sơn như: Chùa Khải Minh (phường Bắc Sơn), chùa Lồi (phường Trung Sơn), chùa Sỉ (chùa Khải Nam) ở Quảng Tiến…

Kiến trúc

Chùa Thanh Am nằm quay mặt về hướng chính Tây. Phía trước là cánh đồng lúa của làng nên chùa rất thoáng mát. Khuôn viên chùa nằm trên một khu đất cao hơn so với vùng xung quanh. Đẹp bởi bố cục hài hòa. Trên con đường vào chùa là cổng Tam Quan uy nghi, bề thế với cấu trúc của 3 vòm cửa, được xây bằng gạch với khẩu độ cao thoáng cùng với các mái cong thanh thoát. Tam quan của chùa được thiết kế theo lối 3 gian với 2 tầng 8 mái, tầng trên cùng là gác chuông. 

Bước qua Tam quan là bức bình phong. Một điều đáng tiếc khi xây bức bình phong này người ta đã sử dụng chiếc khánh đá cổ đặt xây vào đây. Bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá trắng nguyên khối đặt trước sân chùa dấu ấn còn mới. 

Sau bức bình phong là sân chùa. Sân chùa có chiều dài bằng nhà Bái đường tương đối rộng, được lát bằng gạch đỏ. Toàn bộ điện thờ được cấu tạo thành 3 tòa nối bằng nhau. Nhà Bái đường và Trung đường song song liền mái theo kiểu chữ Nhị (=). Nhà Trung đường có kích thước nhỏ hơn, nối với Hậu cung theo kiểu chuôi vồ.

Hệ thống thờ tự

Nhà Hậu cung được cấu tạo chạy dọc chiều dài 7,5m, rộng 3,5m được xây theo lối cuốn vòm. Phía ngoài được xây tường hồi bít đốc, lợp ngói mũi. Toàn bộ không gian phía trong hậu điện được bố trí thành các bệ xây giật cấp cao dần. Đây là nơi đặt thờ các tượng Phật.

Từ bậc cao nhất phía trong trở ra của nhà Hậu điện là hệ thống tượng Phật của chùa được sắp xếp như sau:

  • Lớp thứ nhất, đặt ba pho tượng Phật Tam Thế.
  • Lớp thứ hai, là tượng Di Đà tam tôn đứng bên trái là tượng Quan Thế Âm và đứng bên phải là tượng Đại Thế Chí.
  • Lớp thứ ba, là tượng Thích Ca Mâu Ni, đứng cạnh hai bên là tượng Văn ThùPhổ Hiền.
  • Bậc thứ tư, là tượng Cửu Long và tượng Đế Thích, tượng Phạm Vương đứng hai bên. 

Chùa Thanh Am có thể có từ rất sớm. Căn cứ vào di vật còn lại đặc biệt là tấm bia đá có tên gọi “Thanh Am tự bi ký: cho chúng ta biết chắc chắn chùa đã có từ thế kỷ XIX. 

Chùa Thanh Am là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc tôn giáo rất quý trên địa bàn Sầm Sơn. Đây là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển. Chùa không chỉ là nơi bồi dưỡng lòng từ bi bác ái, tính nhân văn của đạo Phật mà còn là nơi giáo dục ý thức công dân đối với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chùa Thanh Am đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Chùa đang là nơi thu hút nhiều du khách khắp nơi đến tham quan, vãn cảnh. 

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)