Vị trí
Chùa Thánh Duyên có tên chữ là 聖 緣 寺 (Thánh Duyên tự) nằm ở núi Thúy Vân, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa cách cửa Ngọ Môn 46km về phía Tây.
Lịch sử
Tương truyền, vào năm 1648 chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) đến vùng cửa biển Tam Giang tìm thấy một thảo am nhỏ, Chúa lập một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu phúc cho người dân địa phương. Vào năm 1692 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu tiến hành trùng tu một ngôi chùa nhỏ gọi là Mỹ Am tự bởi khi đó núi có tên là Mỹ Am Sơn. Trải qua biến cố của chiến tranh và thời gian chùa bị phá hủy và rơi vào tình trạng hoang phế.
Năm 1825, vua Minh Mạng cho xây dựng lại chùa trên nền chùa cũ và đặt tên là Thúy Hoa tự và đặt tên núi là Thúy Hoa Sơn. Đến năm 1836, nhà vua cho trùng tu và xây dựng thêm Đại Từ Các, tháp Điều Ngự và đặt tên chùa là Thánh Duyên tự, một năm sau (tháng 3 -1937) chùa được khánh thành nhân mừng thọ thất tuần Quốc mẫu là bà Thuận Thiên Cao Hoàng Thái hậu.
Năm 1841, vì kỵ húy tên Thái hậu Hồ Thị Hoa nên vua Thiệu Trị đổi tên núi Thúy Hoa thành núi Thúy Vân (người dân đọc chệch đi thành Túy Vân) và coi đây là cảnh sắc thứ 9 trong 20 cảnh đẹp của đất kinh kỳ qua bài thơ “Vân Sơn thắng tích”.
Kiến trúc
Quần thể chùa Thánh Duyên qua các lần tu sửa, xây mới hiện nay theo thứ tự từ dưới lên trên gồm các công trình kiến trúc sau: tam quan, chính điện, Đại Từ các, tháp Điều Ngự và đình Tiến Sảng.
Tam quan: chùa Thánh Duyên quay về hướng Đông Nam, cổng thiết kế gồm 3 ô cửa vòm, bên trên lợp mái. Hai cửa nhỏ hai bên, cửa chính ở giữa to được thiết kế hai tầng lầu, giữa nóc mái tam quan trang trí văn mây nâng quầng lửa. Các góc mái trang trí hoa văn dây lá cách điệu, trên lầu có đặt pho tượng trong tư thế đứng mặt hướng về chính điện.
Chính điện: được thiết kế theo kiểu nhà rường Huế truyền thống gồm ba gian hai chái. Kiến trúc gồm hai tầng mái lợp ngói hoàng lưu ly, chính giữa nóc mái trang trí hình đám mây nâng quầng lửa, các góc mái trang trí hình rồng trong thế hồi long chầu vào quầng lửa. Ba gian chính được che chắn bởi hệ thống cửa thượng song hạ bản, 2 gian bên xây tường gạch trổ cửa sổ theo hoa văn chữ Thọ. Gian chính giữa đặt tượng Tam thế, phía dưới là tượng Quan âm chuẩn đề. Bên dưới ban thờ Phật là bàn thờ đặt long vị bằng đồng đúc dòng chữ “Đương kim Minh Mạng Hoàng đế vạn thọ vô cương”. Hai bên là hệ thống tượng Thập điện Diêm Vương và Thập bát La Hán bằng đồng.
Phía sau chính điện là khu vực nhà hậu tổ nơi đặt bài vị, ảnh thờ của các vị trụ trì chùa trong lịch sử, ngoài ra còn có ban thờ đặt di ảnh người thân của các gia đình gửi giỗ lên chùa.
Đại Từ Các: Từ chính điện, đi lùi về phía sau theo con đường gồm nhiều bậc đá men theo triền núi để dẫn lên Đại Từ Các. Cũng giống như tòa chính điện, Đại Từ Các được thiết kế theo kiến trúc nhà rường gồm hai tầng, lợp ngói hoàng lưu lý. Kiến trúc gồm 3 gian hai chái, gian chính thờ phật trong thế tọa thiền, gian bên phải thờ Quan Âm bồ tát, bên trái đặt tượng Đại Thế Chí. Gác trên thờ Quan Âm chuẩn đề đặt trong khám gỗ, bên dưới là tượng Quan Âm nhỏ bằng đá cẩm thạch trắng.
Tháp Điều Ngự: Từ Đại Từ Các tiếp tục lên các bậc đá phía trên đỉnh núi là tháp Điều Ngự. Tháp có bình diện hình vuông, cao 13m, gồm 3 tầng xây theo lối càng lên cao càng thu nhỏ lại. Mỗi tầng tháp đều trổ cửa vòm ở bốn mặt, mặt hướng về phía chùa có gắn tấm biển đá xanh chạm chữ Hán 調 御 塔 (Điều Ngự tháp). Xưa kia, mỗi tầng đều đặt tượng thờ, trên đỉnh tháp có dựng pháp luân bằng đồng có mắc nhiều linh nhỏ xung quanh.
Đình Tiến Sảng: Phía sau tháp Điều Ngự là Đình Tiến Sảng được thiết kế theo dạng phương đình, phía trước là bức bình phong trang trí hình long mã. Tương truyền xưa kia vào tháng 4 đến tháng 7 các vua Nguyễn thường về đây để tĩnh tâm.
Di vật
Ngoài hệ thống tượng, hoành phi câu đối sơn sơn thiếp vàng do nhà vua ngự chế, chùa còn lưu giữ chuông đồng Thánh Duyên tự chung vào năm Minh Mạng 17 (1836), bia đá từ thời Minh Mạng và Thiệu Trị có khắc bài “Vân Sơn thắng tích” và 4 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp núi Thúy Vân và sự uy nghiêm của chùa Thánh Duyên.