Chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương)

Chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu chung

Chùa Thanh Mai là một danh lam thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Chùa được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào thời nhà Trần, đây là vị tổ thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm. 

Lược sử

Thanh Mai là một trong những ngôi chùa cổ gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Được xây dựng vào thời Trần và được mở rộng dưới thời Thiền sư Pháp Loa ( 1284-1330) và được sư Huyền Quang (1254-1334) kế nhiệm. Trong cuốn Chùa Việt Nam chép: “ Pháp Loa, tính đến năm 1329, đã xây dựng mở mang hai khu chùa lớn là Báo Ân (Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh) và Quỳnh Lâm (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Riêng chùa Báo Ân, năm 1314, ông đã cho xây 33 cơ sở, gồm điện Phật, gác chứa kinh và tăng đường, ông còn xây dựng các am như Hồ Thiên, Chân Lạc, Yên Mã, Vĩnh Khê, Hạc Lai và mở rộng các khu chùa Thanh Mai và Côn Sơn”(1) Cho thấy vào thời Trần, dưới sự trị vì của sư tổ Pháp Loa và Huyền Quang, phật giáo đã được lan rộng và phát triển mạnh mẽ, rất nhiều ngôi chùa được mở rộng với quy mô lớn, khang trang trong đó có chùa Thanh Mai. 

Tuy nhiên, trải qua những biến cố lịch sử, sự biến thiên của thời gian, thiên nhiên tàn phá, chiến tranh tàn phá, ngôi chùa cổ đã bị hư hỏng năng, rất nhiều các cổ vật bị thất lạc hoặc hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế và bị lãng quên. 

Năm 1980, ngôi cổ tự này đã được các cấp chính quyền, cùng nhân dân địa phương hưng công tu sửa lại chùa theo từng hạng mục. 

Đến năm 1992, chùa được sở văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, ngôi cổ tự này vẫn bị lãng quên do vị trí địa lý nằm cách xa trung tâm, tọa lạc tại nơi hẻo lánh nên khó có thể tiếp cận. 

Năm 1994, thầy Thích Chí Trung được mời về chùa trụ trì. Trăn trở trước sự biến mất của ngôi cổ tự hoang tàn đổ nát, thầy đã phát nguyện hưng công trùng tu lại chùa. Từ năm 1994-2000, được sự hỗ trợ của Sở Giao thông – Vận tải và Công ty Điện lực Hải Dương, tuyến đường lên chùa đã được mở rộng lên tới 2km, bên cạnh đó là hệ thống chiếu sáng cũng được mắc, điều này rất thuận lợi cho cho du khách thập phương đến chiêm bái chùa. 

Kiến trúc

Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh, với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Kết cấu khung chùa bằng gỗ lim với 12 cột cái đường kính 5o0cm, cao 7,2m và 16 cột quân đường kính 42cm, cao 3,5m được nối theo kiểu “chồng rường bát đấu” là kiểu kiến trúc thời Trần. Mái chùa gồm 8 mái, 8 đầu đao, lợp ngói mũi hài, trên nóc đắp bờ, chính giữa đắp nổi bốn chữ “Thanh Mai thiền tự”. Chùa khởi công và hoàn thành năm 2005. Hệ thống thờ tự hiện nay không còn giữ được pho tượng cổ nào, các tượng hoàn toàn được làm mới trong khi trùng tu. Cách bài trí, phối thờ tượng trong chùa theo dòng Lâm Tế tông với 6 bệ thờ.

Hiện nay chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334; tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703), cùng 5 ngôi tháp khác. Trong chùa cũng còn lưu giữ được 6 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó Thanh Mai Viên Thông tháp bi được công nhận là bảo vật quốc gia. Bia được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) nói về thân thế và sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc lâm. Tấm bia cũng cho thấy tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

Di vật 

Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi

Sau hơn 30 năm, Ngài đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch, chúng đệ tử đã tiến hành dựng tháp và bia thờ Ngài. Đây là tấm bia có niên đại lâu đời, đem lại giá trị to lớn trong quá trình nghiên cứu Phật giáo đặc biệt là giai đoạn  Lý Trần. 

Nội dung: bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi được dựng năm 1362, ghi lại rõ nét nhất về thân thế sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa phản ánh rõ nét nhất những sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. 

Hiện trạng

Năm 1994, chứng kiến tấm bia nằm ngổn ngang cùng với những hiện vật khác. Thầy Thích Chí Trung đã mang tấm bia này gắn lên lưng rùa đá rồi đặt trong nhà bia có mái che phía trước Chính điện. Bia được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, cao 131 cm (không tín bệ rùa đá), rộng 82cm, dày 14 cm. Bia đặt trên lưng một con rùa đá còn nguyên vẹn, đủ đầu, mai, đuôi, bốn chân đều có 5 móng.

Chính giữa mặt trước trán bia đề 6 chữ “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” chia làm hai hàng, chữ khắc theo kiểu Triện thư cách điệu (triện ngạch). Thân bia khắc bài minh được viết theo kiểu Lệ thư, chữ viết mềm mại, thần thái sống động.

Trán bia trang trí đôi rồng có mào thời Trần chầu hai bên, hướng vào triện ngach. Viền ngoài bia trang trí hoa văn dây cuốn cách điệu. Chân bia trang trí hoa văn sóng nước hình núi đặc trưng thời Lý – Trần (hoa văn như ý). Mặt sau không có hoa văn, triện ngạch dù có đủ đường viền hoa văn xung quanh và phần cách chia của triện, nghĩa là nội dung khung hình của mặt trước và mặt sau là đồng bộ.

Nhiều chữ trên bia đã mờ do hư hại của thời gian, bên cạnh đó là công tác bảo quản không tốt nên hiện nay vẫn chưa có bản dịch đầy đủ và chính xác của toàn bộ văn bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”. Các nhà nghiên cứu dịch văn bia dựa trên bản gốc chữ Hán và một số văn bản khác cũng nói đến cuộc đời Đệ nhị tổ Pháp Loa như:

Phần “Đệ nhị tổ niên phả thực lục” trong sách Tam tổ thực lục (kí hiệu A.786 tại Viện nghiên cứu Hán Nôm)

“Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích kí” (thác bản N°13506-13510 tại Viện nghiên cứu Hán Nôm) khắc năm Tự Đức thứ 9 (1866) dựa trên văn bia năm Chính Hòa thứ 5 (1684) tại chùa Hương Hải (xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh)

Bản dịch bia Thanh Mai năm 2002 của nhà nghiên cứu Cảnh Tuệ Linh (Đại học Trung Chính, Đài Loan)

Lễ hội 

Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa tôn giả, diễn ra từ ngày mồng 1 đến 9 ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Bao gồm các nội dung:

 Rước lễ phẩm

Diễn ra vào ngày mồng 1 tháng 3 âm lịch. Đoàn rước của nhân dân xã Hoàng Hoa Thám và tăng ni, phật tử tập trung tại sân hạ, rước lễ phẩm lên chùa Thanh Mai theo nghi thức truyền thống.

Lễ dâng hương khai hội

Diễn ra vào sáng ngày mồng 1 tháng 3 (âm lịch), lễ dâng hương khai hội tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa tôn giả diễn ra trong không khí thành kính, trang nghiêm. Sau phần nghệ thuật chào mừng, Ban tổ chức lễ hội cung tuyên thân thế, sự nghiệp của Tổ Pháp Loa trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và xây dựng thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần.

Lễ giỗ Trúc Lâm Đệ nhị Tổ Pháp Loa tôn giả

Lễ giỗ tổ Pháp Loa diễn ra vào sáng ngày mồng 3 tháng 3. Mở đầu là tuần cúng Phật đại khoa, sau đó là nghi thức cúng Lịch đại tổ sư, dâng lục cúng (hương, hoa, đăng, trà, quả, thực) tại nhà Tổ. Kết thúc là nghi thức dâng hương tại Viên Thông bảo tháp – nơi đặt xá lỵ của tổ Pháp Loa.

Lễ Mông Sơn thí thực

Diễn ra vào tối ngày mồng 3 tháng 3 tại sân chùa Thanh Mai. Lễ đàn Mông Sơn thí thực là nét đẹp văn hóa tâm linh tiêu biểu trong lễ hội chùa Thanh Mai, góp phần khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong kho tàng văn hóa vật thể ở di tích, tạo nên một lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc.

Chú thích

(1) Hà Văn Tấn – Phạm Ngọc Long – Nguyễn Văn Kự (2013), Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, tr. 25.

Tài liệu tham khảo

  1. Theo bản giới thiệu đặt tại chùa
  2. Chùa Việt Nam, Hà Văn Tấn-Phạm Ngọc Long-Nguyễn Văn Kự, Nxb Thế giới. 2008
  3. Phạm Văn Tuấn, Khảo về Thanh Mai Viên Thông Tháp Bi, Thư viện số nội sinh Đại học Quốc gia
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)