Chùa Thanh Mai là địa danh mang vẻ đẹp của rừng phong đỏ mang khung cảnh cổ kính thanh tịnh tọa lạc tại xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1329 gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa tôn giả – người xây dựng chùa. Ông là vị tổ thứ 2 của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.
Lược sử hình thành
Chùa Thanh Mai được xây dựng ở triều đại nhà Trần. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Thiền sư Pháp Loa, vào năm 1329 đã xây dựng 2 khu chùa lớn là chùa Báo Ân (phủ Siêu Loại, thuộc Tỉnh Bắc Ninh nay thuộc xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội); và chùa thứ 2 là chùa Quỳnh Lâm ( thuộc Đông Triều, Quảng Ninh).Như vậy, các khu chùa Thanh Mai và chùa Côn Sơn được xây dựng mở rộng phát triển thành một chốn Tổ của phái Trúc Lâm.
Trải qua nhiều sự kiện trong lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, sự tàn khốc của chiến tranh ngôi chùa cổ đã bị sụp đổ các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế và bị lãng quên.
Năm 1980, chùa Thanh Mai được kiến tạo , đầu thi khôi phục dần dần theo từng hạng mục. Vào năm 1992, chùa được Bộ văn hóa thông tin và thể thao công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1994, sư thầy Thích Chí Trung được cử về trụ trì chùa.Khi đó thực trạng ngôi chùa rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Trăn trở trước nguy cơ biến mất của di tích, sư thầy đã vận động đóng góp công đức trùng tu, khôi phục lại chùa.
Từ năm 1994-2000, được sự hỗ trợ của sở giao thông vận tải và công ty Điện lực Hải Dương thì 2 km đường lên chùa được mở, 1 km đường điện được chiếu sáng, tháp Viên Thông được phục dựng.
Đệ nhị tổ Pháp Loa mất vào ngày 3/3 (âm lịch) được chọn là ngày lễ hội của chùa để ghi nhớ công ơn của người. Hội chùa Thanh Mai diễn ra vào ngày mùng một đến mùng ba tháng Ba âm lịch hằng năm. Lễ hội được nhân dân địa phương và các tăng ni phật tử tổ chức trọng thể với nhiều nghi lễ như giảng kinh, chay đàn, mộc dục.
Kiến Trúc và cảnh quan
Năm 2002,sư thầy Thích Chí Trung vận động các phật tử quyên góp xây dựng 10 gian nhà Tổ theo kiểu chữ “nhị” rộng 130 m² trị giá 300 triệu đồng. Năm 2010 xây toàn bộ khu nhà bếp, công trình phụ cho nhà chùa trị giá 400 triệu đồng.
Năm 2005, ngôi chùa được Nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 10 gian chính điện, diện tích 180m² với kiến trúc kiểu chữ đinh, tiền đường chồng diêm 8 mái. Năm 2007, chùa tiếp tục được đầu tư 10 tỷ đồng hoàn thiện các hạng mục như tam quan, 2 gian nhà bia, 7 gian nhà khách, 7 gian nhà tăng.
Chính điện chùa được xây mới hoàn toàn, theo kiểu kiến trúc chữ Đinh, với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Kết cấu khung chùa bằng gỗ lim với 12 cột cái đường kính 50 cm, cao 7,2m và 16 cột quân đường kính 42 cm, cao 3,5m được nối theo kiểu “chồng rường bát đấu” là kiểu kiến trúc thời Trần. Mái chùa gồm 8 mái, 8 đầu đao, lợp ngói mũi hài, trên nóc đắp bờ, chính giữa đắp nổi bốn chữ Thanh Mai thiền tự. Hệ thống thờ tự hiện nay không còn giữ được pho tượng cổ nào, các tượng hoàn toàn được làm mới trong khi trùng tu. Đáng chú ý là các pho tượng đều được thếp vàng và 2 pho tượng hộ pháp uy nghi cao 3m được tạc hoàn toàn bằng gỗ mít. Cách bài trí, phối thờ tượng trong chùa theo dòng Lâm Tế tông với 6 bệ thờ.
Vết tích của chùa cổ chỉ còn lại gạch, nền chân tảng và một số hiện vật cổ được lưu giữ tại chùa bao gồm:
- Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334 trên có bia đá
- Năm Chính Hoà thứ 23 (1702) xây dựng Tháp Phổ Quang
- Năm Chính Hoà thứ 24 (1703) xây dựng Tháp Linh Quang.
- 5 ngôi tháp mộ khác chưa xác định niên đại.
- Trong chùa cũng còn 4 tấm bia: trong đó có hai bia đá bốn mặt thời Lê, một bia thời Mạc, và một bia thời Trần là Thanh Mai Viên Thông tháp bia đã được công nhận Bảo vật quốc gia đợt 5.
Bao quanh chùa Thanh Mai là một khu rừng phong tạo nên cảnh quan đặc trưng riêng biệt của chùa. Vào mùa đông – xuân, khi rừng phong chuyển màu lá sẽ tạo ra con đường dẫn lên chùa rải lá phong nhiều màu: đỏ, cam, vàng, nâu. Nếu con đường lên chùa chỉ rải rác lá phong đỏ thì từ chùa đi lên phía trên núi lá phong càng dày đặc. Vào sâu trong rừng, có những cây phong cổ thụ vươn mình cao lớn, những cây phong con lớp nọ, lớp kia đỏ vàng đặc biệt.
Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bia có niên đại tuyệt đối, có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Bia được xây dựng vào năm 1362, hơn 30 năm sau ngày Pháp Loa viên tịch (Viên Thông tháp là nơi táng xá lị Pháp Loa phía sau chùa), đã ghi lại thân thế sự nghiệp của ông, đồng thời là một biên niên sử Phật giáo và những sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.
Năm 1994, Sư thầy Thích Chí Trung về trụ trì chùa Thanh Mai thì tấm bia nằm ngổn ngang lẫn với những tấm bia khác, rùa đá và các hiện vật khác. Nhà chùa đã mang tấm bia này gắn lên lưng rùa đá rồi cho đặt tại vị trí như hiện nay. Chính vì bị vất ngổn ngang ngoài trời, mưa nắng nên tấm bia này đã bị bào mòn, nhiều chữ trên bia mờ hẳn.
Bia được tạo tác bằng nguyên khối đá xanh đặt trên lưng rùa đá . Chính giữa mặt trước trán bia đề 6 chữ “Thanh Mai Viên Thông tháp bia” chia làm hai hàng, chữ khắc theo kiểu Triện thư cách điệu (triện ngạch). Thân bia khắc bài minh được viết theo kiểu Lệ thư, chữ viết mềm mại, thần thái sống động
Trán bia trang trí đôi rồng có mào thời Trần chầu hai bên, hướng vào triện ngach. Viền ngoài bia trang trí hoa văn dây cuốn cách điệu. Chân bia trang trí hoa văn sóng nước hình núi đặc trưng thời Lý – Trần (hoa văn như ý). Mặt sau không có hoa văn, triện ngạch dù có đủ đường viền hoa văn xung quanh và phần cách chia của triện, nghĩa là nội dung khung hình của mặt trước và mặt sau là đồng bộ.
Hai mặt bia khắc hơn 5000 chữ Hán. Nội dung chữ đã mờ nhiều, có chỗ đọc rõ hoặc đoán được. Mặt trước gồm 39 dòng, mỗi dòng 68 chữ. Mặt sau gồm 42 dòng, đa phần là mỗi dòng 68 chữ, cuối bia có vài dòng rất ít chữ.
Tham khảo
- https://ximgo.com/tin-tuc/chua-thanh-mai-hai-duong-ngam-bao-vat-quoc-gia-1630
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Thanh_Mai