Chùa Thanh Quang (chùa Cự Trữ – Trực Ninh, Nam Định)

Chùa Thanh Quang (chùa Cự Trữ – Trực Ninh, Nam Định)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Cự Trữ có tên chữ là Thanh Quang tự nằm trên địa bàn thôn Cự Trữ, xã Phương Định huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Lược sử

Theo truyền thuyết nhân dân địa phương, vào niên hiệu Mạc Vĩnh Định thứ 11 (1556) có ông Bùi Bá Tỵ làm quan dưới triều Mạc đã về đây hưng công xây dựng chùa, lấy tên là Thanh Quang tự. Sang thế kỷ XVII – XVIII ngôi chùa Thanh Quang được chuyển về vị trí ngày nay. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã được tu sửa nhiều lần. Chính vì vậy, các hạng mục kiến trúc ngôi chùa có sự kết hợp đan xen của các giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ thời Hậu Lê, thế kỷ XVII -XVIII cho đến thời Nguyễn, thế kỷ XIX.

Kiến trúc

Tam quan chùa Cự Trữ được xây theo kiểu phương đình, kích thước mặt tiền rộng 7,3 m; cao 4m. Mặt trước, mặt sau thông phong, không tạo cửa, hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam. Tam quan gồm 3 gian với 4 bộ vì gỗ lim được làm theo kết cấu vì ba hàng chân, kèo cầu, bẩy tiền, bẩy hậu. Tại tam quan còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn các lớp hoa văn họa tiết mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XVIII. Trên các trụ, kèo, xà dọc, câu đầu vẫn là các đề tài quen thuộc như rồng chầu, lá hỏa, tiên nữ cưỡi rồng xen lẫn cảnh dân gian, mang dáng dấp của một cuộc sống thôn dã bình dị như hình tượng người mẹ vừa cho con bú vừa cho lợn ăn, người nông dân chăn trâu, cò bắt mồi, cua ẩn mình dưới lá… Những đề tài chạm khắc này không chỉ bổ trợ, tôn thêm vẻ đẹp cho công trình mà còn thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng và ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Tổng thể chùa Cự Trữ được xây theo bình đồ kiến trúc hình chữ sơn. Giữa là ngôi chùa với kích thước sâu và rộng nhất, hai bên là đền thờ Đức Ông và phủ Mẫu.

Tiền đường chùa Cự Trữ được xây cao 8,6 m theo kiểu tam sơn, chồng diêm hai tầng. Tiền đường gồm có 4 gian xây dọc, tạo 3 cửa ra vào cuốn vành mai. Toàn bộ công trình này được làm bằng gạch vữa, xây cuốn vòm, đổ trụ vuông.

Tam bảo chùa được làm nối liền tiền đường, ngăn cách bởi một máng nước. Tam bảo gồm 6 gian xây dọc với 8 bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ mỗi bộ vì là 4 cây cột gỗ lim, đường kính cột cái là 0,4m; đường kính cột quân là 0,3m. Tất cả các cột lim đều được đặt trên chân tảng đá thắt cổ bồng cao 0,3m. Đề tài chạm khắc tại các cấu kiện gỗ ở đây là rồng, hoa lá, mặt hổ phù mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII – XVIII.

Ngôi đền thờ Đức Ông và phủ Mẫu được làm với kiểu dáng giống nhau, kích thước thấp nhỏ hơn chùa tạo thế đăng đối. Cả hai công trình này đều được làm bằng vật liệu gạch vữa, xây cuốn vòm, lợp ngói nam.

Giá trị văn hóa

Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Cự Trữ được Bộ Văn hóa xếp hạng ngà 9.1.1990.

Hàng năm, cứ đến ngày 13 – 15/3 (Âm lịch), hội chùa Cự Trữ lại được tổ chức tưng bừng với rất nhiều trò chơi dân gian như: lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ tướng, đua tải trên dòng sông uốn lượn quanh chùa…. được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan và trẩy hội.

Trong tâm thức người dân Cự Trữ, ngôi chùa là nơi bảo tồn, lưu giữ những thuần phong mỹ tục, những đường nét kiến trúc mang đậm phong cách cổ truyền. Trải qua thời gian, toàn bộ khu di tích vẫn được nhân dân quan tâm, thường xuyên tôn tạo nên vẫn giữ được sự bền vững cùng tính nguyên bản của các sắc thái hoa văn. Tất cả thể hiện lòng thành kính, giữ gìn di sản văn hóa cha ông đồng thời góp phần hun đúc, bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho các thế hệ người dân.

  • Tham khảo theo cuốn “Lịch sử Phật Giáo Nam Định” – NXB Tôn Giáo

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)