Vị trí
Chùa Thanh Vân tự ở phía Nam xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thời vua Hùng, nơi đây là trang Mỹ Quan, vậy nên còn có tên là chùa Mỹ Quan. Chùa cổ đặt dưới chân quả đồi thấp, đồi ấy có tên là Đồi Chùa.
Lược sử
Đến chùa Mỹ Quan, qua lời kể của đồng bào mộ Phật thì xưa kia là ngôi chùa cổ kính có khuôn viên rộng tới 4 ha đất, đáp ứng nhu cầu du khách thập phương và vua chúa, quan lại qua đường Thượng Đạo vào kính lễ. Chứng tích ngày xưa chỉ còn lại là những cây cổ thụ quanh vườn chùa, đá tảng kê cột với kích cỡ (40x40cm). Tấm bia Hậu, chữ đã mờ bị thực dân Pháp đập phá nay được chắp dựng lại.
Theo các cụ cao tuổi đã từng đi lễ Phật thuở còn rất bé kể lại và dựa vào chữ còn lại trên tấm bia Hậu, cho biết chùa Mỹ Quan có sự tích từ thời Lý, gắn với sự tích vua Lý Thái Tổ đánh dẹp được giặc tại cửa biển Thần Phù. Ngôi chùa đẹp được xây dựng, lấy sông Càn làm Long mạch (đoạn cuối của sông Hoạt chảy qua xưa gọi là sông Càn), dãy núi Thần Phù – Chính Đại làm tiền án. Nhớ đám mây trời đã che chở, vua Lý đặt tên cho chùa là Thanh Vân tự. Các cụ trưởng lão còn cho biết, xưa ở chùa, nơi ban Tổ còn có tượng của Giác Hải Giới Hạnh Khổng Minh Không.
Qua tấm bia hậu được biết ngôi chùa này còn được trùng tu vào ngày 15 tháng 2 năm Ất Hợi do bà Đông Cung Vương Nguyễn Thị Ngọc Dương cùng các vị như: Trịnh Thị Ngọc Sáng, Trịnh Thị Ngọc Hà, Phúc Nghĩa hầu Nguyễn Trị, Nguyễn Thị Ngọc Đức cung tiến cả bè lim và tiền của để trùng tu xây dựng lại ngôi chùa chính nguy nga bề thế và cả phủ thờ Mẫu, cổng Tam Quan. Việc làm chùa cũng để tôn công tích Chúa Trịnh, cầu Trời Phật độ trì.
Năm 1952, thực dân Pháp và bọn Việt gian kéo quân từ Phát Diệm (Ninh Bình), Điền Hộ, Eo Bún sang phá chùa cổ, đốt tượng Phật, cướp chuông lớn, đồ thờ và dỡ gạch đá để xây lô cốt.
Ngôi chùa quê hương gắn liền với đời sống tâm linh, chùa mất đất còn đồng bào mộ Phật vẫn dâng hương kính lễ. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Đảng bộ, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hà Vinh chủ trương cho xây dựng lại chùa. Được các vị hằng tâm hằng sản và bà con trong vùng phát tâm công đức góp của, góp công dựng ba gian nhà thờ trên nền chùa cũ. Năm 1995, chùa Mỹ Quan được sửa chữa lại, cho dân vào kính lễ. Sư chùa Tiên (Ngọc An) sang tôn lại bát nhang, Phật tử làng Chính Đại cung tiến hai pho tượng. Dòng họ Trương và họ Vũ trong xã phân công nhau trông coi chùa, hương lễ trong các ngày lễ trọng, đón khách thập phương.
Chính điện ba gian thờ, gian giữa chính điện có pho tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn, gian Tả là ban thờ tượng Đức Ông, gian Hữu thờ Bà Chúa, người đã có công trùng tu lại ngôi chùa (tượng nhỏ đặt trong lồng kính).
Chùa Thanh Vân (chùa Mỹ Quan) đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016