Chùa Thiên Ấn (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)

Chùa Thiên Ấn (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu chung

Tên thường gọi: Chùa Thiên Ấn. Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa nằm phía Bắc sông Trà Khúc, cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 3 km. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Núi Thiên Ấn xưa kia có tên là núi Hó, cao khoảng 105m, đỉnh núi bằng phẳng, rộng độ 10ha. Từ phía Đông nhìn lên, núi trông giống như cái ấn trên sông. Xưa kia, ở núi có nhiều đá son dùng mài mực son chấm quyển chữ Nho. Từ thời Nguyễn, Thiên Ấn đã được liệt vào hàng danh thắng.

Lịch sử

Chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15), đời Lê Huy Tông (chúa Nguyễn Phúc Chu đàng trong). Theo Đại đức Thích Đông Hoàng, đang ở chùa Thiên Ấn, thì chùa khai sơn năm 1627. Năm 1627 được tạc tại cổng chùa Thiên Ấn.

Chùa do Thiền sư Pháp Hóa khai sơn vào khoảng cuối thế kỉ XVII. Ngài tên là Lê Diệt, người Phúc Kiến, hiệu là Minh Hải Phật Bảo, sinh năm 1670, đã trụ trì chùa trong 60 năm. Bên cạnh chùa có một giếng nước sâu 21m, đường kính miệng giếng 2m, nước mát ngọt, là công trình của nhà sư.

Núi cao đá cứng, thiếu dụng cụ, nhưng ngài vẫn kiên trì đào giếng suốt bốn năm ròng. Một hôm, có vị tăng trẻ đến phát nguyện cùng đào giếng với nhà sư. Ba tháng sau, họ mới chuyển được một tảng đá chắn ngang, từ đó, mạch nước mới tuôn ra. Nhưng đó là lúc vị sư trẻ đi biệt tích. Ngài viên tịch vào năm 1754.

Kế thế trụ trì

  1. Thiệt Ý Khánh Vân,
  2. Toàn Chiếu Bảo Ấn,
  3. Chương Khước Giác Tánh,
  4. Ấn Tham Hoằng Phúc,
  5. Chơn Trung Diệu Quang,
  6. Như Lợi Huyền Đạt,
  7. Hạnh Trình.

Kiến Trúc

So với các ngôi chùa cổ trong nam ngoài bắc, kể cả chùa Ông Thu Xà, chùa không nổi bật lắm về kiến trúc nội thất, trừ nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, vốn là bộ khung mua lại của đình làng Phú Nhơn (đình làng này nằm trong thành Phú Nhơn – thành Quảng Ngãi đầu tiên được các chúa Nguyễn xây dựng tại làng Phú Nhơn nay là thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh về sau vua Gia Long đã dời về làng Chánh Mông nay thuộc địa phận thành phố Quảng Ngãi). Bù lại, chùa được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn, một thế đất thiêng trong tâm tưởng người dân Quảng Ngãi.

Thiên Ấn tự gây ấn tượng bởi những họa tiết cầu kỳ hình lưỡng long chầu nguyệt cùng cuốn thư và hệ thống câu đối được trang ngay cổng ra vào. Phía trên cánh cổng – gác tam quan được đặt bức tượng thần Hộ pháp bảo vệ chùa. Bước tiếp vào trong, bạn sẽ trông thấy hai dãy tượng La Hán ở hai bên những bức tượng Phật.

Phía đông ngôi chùa là khu vực Viên mộ với những bảo tháp 5 và 9 tầng. Đây nơi an táng các vị thiền sư trụ trì của ngôi chùa. Gần với đó sẽ nơi bức tượng Đức Thích Ca Mẫu Ni cao hơn 3m bằng đồng nguyên khối tọa lạc ngay dưới tán cây cổ thủ. Bức tượng là nơi chứng kiến hàng ngàn, hàng triệu người đến khấn vái từ khắp mọi miền đất nước.

Về phía Bắc của ngôi chùa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một cái hồ rộng lớn, trong xanh với những đóa sen đua nhau khoe sắc nở rộ. Ngoài ra, nếu đã đến với chùa, bạn cũng nên ghé sang phía Tây Nam của chùa để viếng mộ nhà chí sĩ yêu Huỳnh Thúc Kháng và tỏ lòng biết ơn tới người anh hùng cách mạng.

Không những đông đảo tăng ni phật tử toàn tỉnh tôn xưng ngôi vị tổ đình mà đối với người dân, ngôi chùa này có sự gắn bó bền chặt trong tâm linh, tình cảm, thể hiện qua các giai thoại như Giếng Phật, chuông Thần và nhiều câu ca dao sâu nặng nghĩa tình được truyền miệng từ đời này qua đời khác.

Khu viên mộ, nơi an táng của các vị sư tổ và các thiền sư trụ trì, nằm tiếp phía đông Thiên Ấn tự, những ngôi bảo tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẽ (5,7,9)và tượng hình hoa sen. Bên trong tháp là nơi chôn giữ di hài, phía ngoài là bia ghi công đức, gắn liền với thân tháp. Chính khu viên mộ này là nơi gìn giữ bảo thân của 6 vị thiền sư nổi tiếng, kế tục trụ trì chùa Thiên Ấn, gìn giữ, mở rộng ngôi chùa cũng như mang giáo lý từ bi, hỷ xả các Đức Phật đến đông đảo tín đồ trong tỉnh.

Các sách về lịch sử Phật giáo Việt Nam, khi đề cập đến sự phát triển của dòng thiền Lâm tế ở Đàng Trong từ thế kỷ XVII về sau, đều đánh giá các vị là những bậc chân tu uyên thâm về Phật học và nổi tiếng về đức độ.
Những năm gần đây, với sự ủng hộ về vật chất của các tăng ni, phật tử trong và ngoài nước, chùa Thiên Ấn đã tổ chức trùng tu và xây mới các hạng mục phật giáo như: vườn cây Lâm tỳ ni (vườn thượng uyển), bảo tháp 9 tầng, tượng phật bồ tát…

Hiện vật

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chùa còn giữ được nhiều pho tượng cổ. Đại hồng chung ở chùa nổi tiếng là linh thiêng. Theo tư liệu của nhà chùa, quả chuông này cao 2m, đường kính miêng chuông 0,7m, được dân làng Chí Tượng đúc cho chùa nhưng đánh không kêu. Năm 1845, Thiền sư Bảo Ấn đang tham thiền thì thấy một vị Hộ Pháp tới bảo thỉnh quả chuông ấy về. Trong ngày lễ khai chuông, ngài đã chú nguyện, và sau đó, đánh tiếng chuông ngân nga khắp vùng. Chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn Tự” vào năm 1716.
Năm 1947, chùa bị hỏng hoàn toàn. Ngôi chùa ngày nay được xây dựng từ năm 1959, hoàn thành năm 1961. Chùa được trùng tu vào các năm 1992 – 1993 và năm 2000 – 2001.

Thiên Ấn là ngôi cổ tự danh tiếng của miền Trung. Một trong những bài thơ nổi tiếng viết về chùa là bài Vịnh Thiên Ấn niêm hà của Nguyễn Cư Trinh (1716 – 1767). Bài thơ có đoạn:

Phong cảnh nơi đây thật rất xinh

Niêm hà có ấn của trời sinh

Xem kia dấu tích còn vuông vức

Nhận lại non sông rõ dạng hình.

Ngày lễ và sự kiện

  • Vào ngày 04 tháng 03 năm 1961, tỉnh hội phật giáo làm lễ khánh thành dưới sự chứng minh của Hòa thượng Pháp chủ toàn quốc Thích Tịnh Khiết.
  • Năm 1995, Tổ đình có dựng tượng Quan Thế m Bồ Tát bằng Kaolin (đất sét) trắng do Phật tử Quảng Ngãi từ miền nam về cúng đường.
  • Hằng năm, tổ đình cử hành 2 ngày lễ lớn: 15.7 âm lịch: Lễ Vu Lan, ngày 15.4 âm lịch: Lễ Phật Đản

Những ngày kỵ:

  • Tổ đệ nhất: 17.1 âm lịch
  • Tổ đệ nhị: 1.11 âm lịch
  • Tổ đệ tam: 30.6 âm lịch
  • Tổ đệ tứ: 1.3 âm lịch
  • Tổ đệ ngũ: 18.12 âm lịch
  • Tổ đệ lục: 13.2 âm lịch

Kể từ khi được khai sơn cho đến nay, chùa Thiên Ấn đã trải qua 5 lần trùng tu xây dựng và mở rộng. Đến nay, khuôn viên của ngôi chùa đã tăng đến khoảng 1ha. Trải qua hơn 300 năm hình thành và tồn tại, chùa Thiên Ấn đã có khoảng 15 vị trụ trì, trong đó có đến 6 vị được suy tôn là sư tổ – lục tổ. Với bề dày lịch sử của chùa, Thiên Ấn tự đã được đưa vào danh sách Di tích lịch sử cấp quốc gia của Bộ Văn hóa – Thể thao vào năm 1990.

Tài liệu tham khảo

  • Sách “500 Danh Lam Việt Nam”, Võ Văn Tưởng, NXB Thông Tấn, Hà Nội – 2008
  • Di tích và thắng cảnh Quảng Ngãi, Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Quảng Ngãi xuất bản năm 2001 tái bản 2005
  • Non Nước Xứ Quảng (Quảng Ngãi) tập một, nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2005
  • “Chuông thần, giếng Phật” trong chùa 300 năm, Hữu Khoa – Linh Phạm, https://vnexpress.net/chuong-than-gieng-phat-trong-chua-300-nam-4016850.html
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)