Vị trí
Chùa Thiền Lâm hay còn gọi là chùa Thuyền Lâm có tên chữ là 嬋林寺 (Thiền Lâm tự) nằm ở số 150 Đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, thành phố Huế. Chùa cách cửa Ngọ Môn 3,8km về phía Bắc.
Lịch sử
Theo tương truyền cùng tư liệu Hán Nôm khắc trên tháp mộ năm Chính Hòa 27 (1706) với dòng chữ: Sắc tứ động thượng chính tông khai sơn Thiền Lâm viện, Khắc Huyền Lão tổ Hòa thượng chi tháp và long vị đang thờ tại tổ đường chùa Thiền Lâm với dòng chữ: Tào Động chánh tông khai sơn Thiền Lâm tự, húy Như Tư thương Khắc hạ Huyền đại lão Hòa thượng chi giác linh cho biết tổ khai sơn chùa là ngài Như Tư – Khắc Huyền, thuộc phái Tào Động. Tuy nhiên, vấn đề này còn có nhiều nghi vấn bởi dòng chữ trên văn bia tháp mộ không phải dòng chữ khắc gốc mà là dòng chữ khắc lại trên mặt đá đã bị mài dòng chữ cũ. Hơn nữa, trong tác phẩm Hải ngoại ký sự của Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán cho biết chùa Thiền Lâm lúc đó (1695) chỉ là một chùa nhỏ, chật hẹp tối tăm, không được khoan khoái thì làm sao có thể được gọi là Thiền Lâm Viện được.
Cho đến nay, chưa tìm được tài liệu để có thể biết chính xác chùa Thiền Lâm được ra đời vào thời gian nào, chỉ biết chắc rằng chùa Thiền Lâm có từ trước khi Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán đến vùng đất Thuận Hóa theo lời mời của Chúa Nguyễn Phúc Chân (tháng 3 năm 1695) và có ở lại chùa Thiền Lâm.
Kiến trúc
Kiến trúc chùa Thiền Lâm hiện nay bao gồm các công trình kiến trúc: tam quan, chính điện, trai đường, khách đường, tăng xá và nhà trù (nhà bếp).
Tam quan: gồm bốn cột xây bằng gạch chỉ đỏ tạo thành ba ô cửa, cửa chính rộng, cửa nhỏ hai bên. Cửa chính xây theo kiểu hai tầng tám mái lợp ngói đỏ. Chính giữa nóc mái cửa tam quan gắn bánh xe luân hồi được nâng đỡ bởi quầng mây, đầu các góc mái trang trí văn mây uốn cong. Hai cổng nhỏ hai bên cũng được lợp ngói nhưng rất hẹp. Phía trước chùa đặt tấm đá có khắc chữ Thuyền Lâm tự
Chính điện: Kết cấu nhà chính điện làm theo kiểu nhà rường gồm 3 gian hai chái xây theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, hai tầng 8 mái, lợp ngói đỏ. Chính giữa trang trí hình hổ phù đội bánh xe pháp luân, hai đầu góc mái gắn tượng rồng trong thế quay đầu vào mặt hổ phù ở giữa mái. Các đầu guột trang trí hình long, ly, quy phượng. Giữa hai tầng mái có các ô hình chữ nhật trên có đề các câu kinh bằng chữ Hán. Chính giữa gian chính điện ở tầng cao nhất là tượng Tam thế, tiếp đến là tượng Thích Ca hai bên là tượng Địa Tạng bồ tát và Quan Thế Âm bồ tát. Các gian bên đặt tượng Hộ Pháp Vi Đà, Quan Công tam vị, thập bát vị La Hán thập điện Minh Vương và Tiêu Diện đại sĩ.
Phía sau chính điện là khu vực hậu tổ thờ tổ sư Đạt Ma, chư vị tổ sư và các vị hương linh có công với chùa.
Trong không gian phía sau chùa có tháp mộ của trụ trì chùa Thiền Lâm đời thứ 37 là Lâm Tế Chánh tông Tiên Ngộ – Minh Giác hòa thượng. Tháp có dạng hình lục giác gồm 3 tầng, đỉnh tháp gắn hoa sen. Tầng 1 tháp có trổ ô cửa bên trong đặt bài vị, bên ngoài có đôi câu đối và bức hoành phi làm theo kiểu cuốn thư ghi tên tháp bằng chữ Hán 明覺塔 (Minh Giác tháp). Phía dưới hoành phi trang trí hình dơi và hoa văn hoa lá.
Ngoài ra, bên cạnh gian chính điện trong khuôn viên của chùa còn có các gian nhà thờ Mẫu, trai đường, khách đường, tăng xá và nhà trù cũng được thiết kế xây dựng bằng vật liệu gỗ theo lối nhà rường truyền thống của xứ Huế.
Di vật
Trong chùa hiện nay ngoài hệ thống tượng thờ còn có nhiều bức hoành phi câu đối được sơn son thiếp vàng cùng nhiều bức cửa võng gỗ được chạm trổ tinh xảo.