Chùa Thiên Niên (Chùa Thanh Đớn – Hà Trung, Thanh Hoá)

Chùa Thiên Niên (Chùa Thanh Đớn – Hà Trung, Thanh Hoá)

Thiên Niên tự tên thường gọi là chùa Thanh Đớn, chùa nằm ở trung tâm làng Thanh Đớn, xã Hà Thanh, huyện Hà Trung. Chùa đã bị tháo dỡ vào những năm 70 của thế kỷ XX, các vật liệu kiến trúc cũ của ngôi chùa đã bị lấy đi phục vụ các công việc khác. Những pho tượng Phật cổ kính đã bị thất lạc cùng với sự hủy hoại của ngôi chùa. Riêng số ruộng đất của nhà chùa gồm 3,2 mẫu đất chùa và 3 sào vườn được địa phương sử dụng làm chợ, hiện tại chợ đã chuyển đi nơi khác, đất cũ của chùa trả lại cho địa phương sử dụng trong lĩnh vực văn hóa truyền thống. Bản đồ địa chính xã lập năm 2005 xác nhận khu vực này là đất của chùa (đất tôn giáo).

Chùa Thanh Đớn xưa vốn là ngôi chùa cổ kính, có quy mô lớn, vì chùa mới bị phá trong những năm 70 của thế kỷ XX nên hầu hết cư dân địa phương đều biết: Theo các cụ cao niên kể lại: Chùa được kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc: Phần Phật điện, quy mô 5 gian ngoài và 2 gian phần chuôi vồ để thờ Phật; trước Phật điện là 2 dãy nhà, dãy bên Đông thờ Tổ, phía Tây là nhà giảng Pháp. Trước cổng là Nghi môn lớn. Theo sách Lịch sử xã Hà Thanh của Ban Chấp hành Đảng bộ và UBND xã Hà Thanh xuất bản tháng 8 năm 2000, thì Nghi môn chùa Thanh Đớn từng là hương trường có 2 lớp học đồng ấu của địa phương từ năm 1943 trở về sau. Như vậy cũng đủ khẳng định Nghi môn và quy mô kiến trúc Thiên Niên Tự rộng lớn có bề thế biết chừng nào.

Phế tích

Khảo sát khu đất chùa vẫn còn những phế tích kiến trúc cũ như gạch, ngói, chất kết dính cổ. Trước cửa chùa vẫn còn nguyên vẹn chiếc giếng cổ, nhân dân địa phương vẫn gọi là giếng chùa. Giếng chùa hình tròn, đường kính miệng giếng là 4,4m, thành giếng được kè đá, bên trên được lát gạch bìa xung quanh, những viên gạch bìa có tiêu bản với gạch của những kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ XVII. Trước cửa chùa còn lại 1 phần đế bia bằng đá khối tạc hình rùa, phần đế bia còn lại có kích thước 70 x 56 cm, dày 38 cm.

Lịch sử

Về lịch sử ngôi chùa, tìm hiểu qua lịch sử địa phương thì xưa kia làng Thanh Đớn đã có ngôi chùa Quan Sơn trên núi Quan. Trải qua chiến cuộc Lê – Mạc, chùa Quan Sơn đã bị xuống cấp trầm trọng, vả lại chùa nằm trên vùng đồi núi, rậm rạp khó đi, nên các hương thân, bà con địa phương và nhà chùa đã phát tâm xây dựng chùa Thiên Niên tại giữa trung tâm khu cư dân để tiện việc cầu Phật, cũng là tiện lợi cho việc bảo vệ, ước muốn Thiên Niên tự trường tồn với thời gian cùng trời đất.

Tìm hiểu qua lịch sử, đối chiếu những tiêu bản phế tích còn lại trong nội tự chùa Thiên Niên chúng ta có thể kết luận: Chùa Thiên Niên là ngôi chùa cổ, được xây dựng vào thế kỷ XVII, chùa có quy mô lớn, là trung tâm sinh hoạt Phật giáo của cư dân hương Thanh Đớn từ thế kỷ XVII cho đến thập niên 70 của thế kỷ XX.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân xã Hà Thanh, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc xã Hà Thanh đã có văn bản trình lên cấp trên và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đề nghị được phục hồi ngôi chùa Thiên Niên trên vùng đất chùa cũ.

Với sự quyết tâm đồng lòng, đồng sức, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Thiên Niên tự sẽ được phục dựng bề thế, trường tồn đúng với ý nghĩa chùa nghìn năm.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), CN. Vũ Duy Trịnh
Chấm điểm
Chia sẻ
eaf8a521bd23787d2132

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Hình ảnh
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *