Chùa Thiên Phúc (Yên Định, Thanh Hoá)

Chùa Thiên Phúc (Yên Định, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Thiên Phúc tọa lạc ở làng Nhất, xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Chùa quay về hướng Tây Nam, phía trước có sông Cầu Chày án ngữ làm minh đường, tạo nên thế tụ thủy. Đây là nơi có thiên nhiên khá đẹp, xa xa phía trước có đỉnh Non Biền làm tiền án. Phía sau có cồn Yên Ngựa làm hậu chẩm, hai bên tả hữu có cồn Bút, cồn Nghiên tựa như hai cánh tay ngai.

Từ xưa nhân dân thường gọi chùa với tên chữ duy nhất là chùa Thiên Phúc. Theo nghĩa chữ Hán thì Thiên Phúc có nghĩa là Phúc do trời ban.

Kiến trúc

Chùa Thiên Phúc nằm trong khu vực quần thể di tích họ Ngô, phía trước có sông Cầu Chày án ngữ, phía Nam là Điện Thừa Hoa. Chùa được xây dựng trên một khu đất cao ráo và bằng phẳng có tổng diện tích là 2.640m2. Khuôn viên xung quanh chùa được bài trí hài hòa với cảnh trí tạo cho nơi đây một không gian khá thoáng đãng, đẹp và rộng rãi. Bao quanh khu vực khuôn viên của chùa là các cây cổ thụ, tạo một cảm giác linh thiêng, thanh tịnh và u tịch khi đặt chân đến nơi đây.

Chùa Thiên Phúc hiện được xây dựng theo chiều dọc, gồm ba gian với diện tích 36m2. Hệ thống vì kèo được làm theo kiểu kiến trúc cổ bê tông giả gỗ, mái lợp ngói mũi hài…. Chùa Thiên Phúc bên ngoài bố trí tượng thờ Phật, phía trong là bàn thờ thần, hệ thống bàn thờ tượng gồm nhiều lớp có bố cục thờ cơ bản như ở các chùa Việt khác. 

Lớp trên cùng, là ba pho tượng Phật Tam Thế.

Lớp thứ hai, là tượng A Di Đà tam tôn.

Lớp thứ ba, là tượng Hoa Nghiêm tam thánh.

Lớp thứ tư, là tòa Cửu Long (Thích Ca sơ sinh)

Lớp thứ năm, là tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay

Ngoài ra ở gian trong cùng phía hữu là nơi thờ Thái úy Lý Thường Kiệt. Phía tả là nơi thờ Ngô Rô và bà Trần Thị Hưu.

Tất cả tượng và đồ thờ ở đây đều bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Các tượng Phật sơn màu vàng óng, các vị thần đều sơn thếp màu phấn hồng.

Do nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và sự đắp đổi qua thời gian, chùa Thiên Phúc không giữ được kiến trúc cũ. Các hiện vật, tượng thờ cũng không lưu giữ được. Nhưng với những gì còn lại ở chùa Thiên Phúc vẫn còn in dấu ấn trong tâm thức của người dân nơi đây. Ngày nay ngôi chùa đã được khôi phục lại, do được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bằng tấm lòng hảo tâm của nhân dân địa phương và du khách gần xa, con cháu Định Hoà xa quê. Chùa Thiên Phúc là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông để lại, nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân Đồng Phang, Định Hòa và nhân dân quanh vùng cũng như nhân dân xứ Thanh.

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016

 

5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)