Chùa Thiên Sơn (Chùa Cao – Hà Trung, Thanh Hoá)

Chùa Thiên Sơn (Chùa Cao – Hà Trung, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Cao (Thiên Sơn tự) còn được gọi với tên khác là Mành Sơn tự, chùa thuộc thôn 6, xưa là làng Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung. Chùa tọa lạc ở lưng chừng núi Mành Sơn, ngọn núi mà người dân địa phương thường gọi với cái tên Mã Lim, vì trước kia ngọn núi này toàn cây lim.

Vùng đất lịch sử

Xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung là một xã miền núi có truyền thống lịch sử – văn hóa – cách mạng. Làng Tiên Hòa là quê hương của danh sĩ Hoàng Sằn Phu đời Lê sơ làm quan đến chức Đô đài Ngự sử, Hoàng môn thị lang. Trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân xã Hà Lĩnh đã kiên cường trong chiến đấu, dốc sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Toàn xã có 250 liệt sỹ, trên 300 thương binh và 900 người được tặng thưởng giấy khen vì đã có thành tích đóng góp cho cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc. Đặc biệt, trong những năm gần đây đã phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ học cồn Cổ Ngựa đã cho chúng ta biết thêm về vùng đất lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa Đa Bút.

Tìm hiểu về lịch sử làng Tiên Hòa cũ, theo gia phả dòng họ Hoàng thì trước đây làng ở vùng đồng bằng nên hàng năm thường bị lũ lụt tàn phá. Lúc bấy giờ có ông Đàm Lâm tướng công thuộc đời thứ 5 dòng họ Hoàng, giữ chức Đô đài Ngự sử đời vua Cảnh Thống nhận thấy địa thế bất lợi cho cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân ông đã di dân đến chân núi Mãnh Sơn và cho đổi tên thành làng Sơn thôn. Ngày nay ở xã Hà Tiến vẫn còn ngôi làng tên gọi là làng Bãi (Bái), đây chính là địa điểm xưa của làng Tiên Hoà. Cũng theo gia phả của dòng họ Hoàng Sĩ, khi di dời làng về chân núi Mành Sơn dân làng Tiên Hòa cũng đã cử một số ít người ở lại để giữ đất canh tác, bộ phận dân cư đó đến nay phát triển thành làng Bái. Chùa Cao Sơn có lẽ cũng được xây dựng sau khi có sự thay đổi địa bàn cư trú của cư dân là Tiên Hòa.

Di tích lịch sử

Chùa Cao cũ đến nay đã không còn các công trình kiến trúc cũ. Di vật của chùa còn lại một bia rùa đá; một khánh đá; chân tảng đá; 5 bát hương đá; gạch và ngói cũ. Tìm hiểu trong sử sách cũng như các tư liệu tại địa phương hiện tại chưa thấy tư liệu cũ nào ghi chép về ngôi chùa này. Theo trí nhớ của các cụ cao niên trong làng, chùa Cao trước kia gồm quần thể chùa và phủ Mẫu, cũng theo lời kể của các cụ cao niên trong làng chùa Cao cũ là một ngôi chùa nhỏ được kiến trúc theo lối chữ Đinh, gồm Tiền đường 3 gian, Hậu cung 1 gian. Về hệ thống tượng pháp về đại khái được bài trí như sau:

Lớp trên cùng, là 3 pho tượng Tam thế, là tượng các vị Phật đại diện cho ba thời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Tượng tạc trong tư thế ngồi thiền, mắt nhắm hờ, tóc xoắn ốc gọi là “bướu nhục khảo” là biểu tượng cho trí tuệ, miệng khẽ cười biểu thị cho sự viên mãn, thoát tục.

Lớp thứ hai, là tượng Tây phương Tam thánh, gồm tượng Thích Ca Như Lai đứng giữa, hai bên là tượng Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát.

Lớp thứ ba, là pho Phật bà Quan Âm 12 tay 12 mắt.

Lớp thứ tứ, là tượng Phật Thích Ca sơ sinh, mô tả đức Thích Ca sơ sinh đứng trên tòa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất; Tượng có trang phục áo ngắn.

Nhà Tiền đường, bên phải là tượng Phổ Hiền Bồ Tát, tượng trưng cho lý – định – hành, ngài là bậc thượng thủ của hết thảy mọi hàng Bồ Tát, thường giúp đỡ, tuyên dương cho việc giáo hóa của đức Như Lai. Bên trái là tượng Đức Ông, tượng là chân dung vị quan văn, đầu đội mũ cánh chuồn. Đức Ông là Cấp Cô Độc, một vị trưởng giả giàu có thường đem của cải cúng dường chư Phật và giúp đỡ những người cô quả, Ngài nghe Phật giảng đạo mà tự giác ngộ. Được đức Thích Ca tán thán và cho cai quản mọi cảnh chùa của thế gian.

Bên ngoài nhà Tiền đường là tượng Hộ pháp, bên trái là tượng ông Trừng Ác, bên phải là tượng ông Khuyến Thiện.

Phục dựng chùa

Đến khoảng những năm 1972, do những yếu tố khách quan cũng như chủ quan của lịch sử, trong một thời gian dài chùa không có người trông coi, sửa sang nên dần dần bị hư hại hoàn toàn. Đầu năm 1993, nhân dân trong xã cùng với các nhà hảo tâm và khách thập phương gần xa đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng lại phủ Mẫu chùa Cao. Trong quá trình phục dựng đã phát hiện được một số hiện vật quý giá cho phép bước đầu đoán định được niên đại của chùa, các hiện vật bao gồm:

Văn bia, đến nay chữ đã bị mờ không còn đọc được nội dung, chỉ còn lại hoa văn trên trán bia thể hiện chủ đề “lưỡng long chầu nhật”. Trong lần phục dựng này khi đào lại nền móng của chùa đã phát hiện ra khá nhiều gạch, ngói cũ của chùa trước kia. Đặc biệt, gạch và gói đều có 2 loại với kiểu cách và kích thước hoàn toàn khác nhau. Trong đó có một loại gạch có in dòng chữ “La bách tính chỉ” và ngói mũi in cánh sen cách điệu vân mây. Qua những hiện vật còn lại cho phép chúng ta làm sáng tỏ được đôi điều về chùa Cao, có thể vẫn chưa biết được chùa được xây dựng từ bao giờ, nhưng đến nay chùa đã trải qua 2 lần trùng tu tôn tạo lớn.

Lần thứ nhất là vào đầu thời Nguyễn.

Lần thứ hai là vào những năm đầu thế kỷ XX.

Kiến trúc và bài trí

Đến năm 2011, được sự đồng ý của các cấp chính quyền địa phương, chùa Cao và phủ Mẫu được trùng tu tôn tạo lại. Tuy là một công trình kiến trúc nhỏ, đơn sơ nhưng việc bài trí và thờ phụng bước đầu đã theo quy mô, kiến trúc của một công trình tôn giáo tín ngưỡng. Hiện nay chùa Cao được chia làm 2 tòa gồm Phật điện và phủ Mẫu.

Phật điện chùa Cao được xây dựng trên nền chùa cũ, mặt ngoảnh theo hướng Đông – Nam trên sườn núi Mã Lim. Bài trí trong chùa gồm tượng Tam Thế ở trên cùng; ban dưới là tượng Phật Bà thiên thủ thiên nhãn; hai bên tả hữu là tượng Đức Ông và Đức Thánh Hiền; bên ngoài là tượng Hộ Pháp

Phủ mẫu bài trí lớp trên cùng là tượng Tam tòa Thánh mẫu; lớp dưới là ban Công đồng; bên trái là ban Trần Triều, bên phải là Thần linh bản thổ.

Chùa Cao (Tiên Sơn tự) là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, lại nằm trong một không gian văn hóa cổ Đa Bút. Trong những năm gần đây nhân dân làng Tiên Hòa cùng thập phương tín thí đã cùng nhau góp công góp của tôn tạo lại ngôi chùa nhỏ trên khuôn viên chùa cũ để làm nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh – tín ngưỡng. Chùa Cao hôm nay tuy nhỏ, chưa có sư trụ trì nhưng với bề dày về lịch sử, lại nằm trong vùng đất đậm nét văn hóa dân gian cùng với vị trí địa lí vô cùng đẹp đẽ. Hy vọng trong tương lai gần chùa Cao sẽ được phục dựng lại khang trang hơn, to đẹp hơn, chùa sẽ là nơi bảo tồn các di sản văn hóa Phật giáo, bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), ThS. Vũ Ngọc Định
Chấm điểm
Chia sẻ
Eaf8a521bd23787d2132

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)