Chùa Thiên Vương (Chùa Rú – Hậu Lộc, Thanh Hoá)

Chùa Thiên Vương (Chùa Rú – Hậu Lộc, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Thiên Vương hay còn gọi là chùa Rú thuộc địa phận xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo sách Tên làng xã Thanh Hóa cho biết, Quang Lộc trước kia là xã Tây Sơn thuộc tổng Liên Cừ. Sau khi đổi thành xã Quang Lộc thì gồm có 8 làng: làng Yên Ổn (còn gọi là làng Ún); làng Bạch Đầu (còn gọi là làng Giầu); làng Hiển Vinh (còn gọi là làng Vưng); làng Kim Lũ hoặc Quang Minh (còn gọi là làng Rú); làng Xuân Lôi hoặc Quang Xuân (còn gọi là làng Troi); làng Trường Lộc (còn gọi là làng Ná); làng Liên Khê (còn gọi là làng Yên Khê); làng Tân Vinh (còn gọi là Xóm Bương).

Vị trí

Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa theo tuyến Quốc lộ 1A về phía bắc, đến ga Nghĩa Trang rẽ phải, theo con đường liên huyện khoảng 20km, qua các xã Hoằng Trinh, Hoằng Lương (Hoằng Hóa), Văn Lộc, Mỹ Lộc, thị trấn Hậu Lộc, Hoa Lộc (Hậu Lộc) là đến địa phận xã Quang Lộc. Từ UBND xã Quang Lộc đi theo hướng Tây Nam khoảng 600m là đến chùa Thiên Vương. Mọi phương tiện: xe đạp, xe máy, ô tô… đi đến đều rất thuận tiện.

Quang Lộc là vùng đất có truyền thống từ lâu đời, cảnh quan thiên nhiên ở đây rất phong phú và đa dạng. Con người nơi đây rất cần cù, chịu thương chịu khó. Xét trên nhiều phương diện, Quang Lộc vừa có những nét riêng mang tính địa phương độc đáo, vừa có những đặc điểm chung mang tính chất phổ biến, tiêu biểu cho nhiều xã đồng bằng của huyện Hậu Lộc nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. 

Với vị trí thuận lợi và sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên, người dân xã Quang Lộc đã sớm tạo ra những hoạt động kinh tế phong phú, đa dạng với rất nhiều ngành nghề khác nhau (chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp…). Sự phát triển của nghề nghiệp gắn liền với điều kiện tự nhiên và khả năng khai thác, sử dụng, cải tạo nó để thỏa mãn nhu cầu khác nhau của con người.

Lịch sử

Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã, theo Bản thảo về Lịch sử chùa Thiên VươngQuyết định phê duyệt Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật công trình khôi phục chùa Thiên Vương (chùa Rú), xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa của UBND huyện Hậu Lộc ngày 23 tháng 01 năm 2015 cho biết:

Chùa Thiên Vương được xây dựng từ thế kỷ X. Thời kỳ này đạo Phật phát triển mạnh mẽ và trở thành Quốc giáo. Phật giáo lúc đó được truyền bá rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, nhiều chùa tháp được xây dựng ở kinh thành và khắp nơi trong nước. Lúc đó có cụ Mai Đình Bạch – một vị tướng chỉ huy thủy quân, người từ Phong Châu, Phú Thọ vào sinh sống ở vùng đất này, đã tập hợp nhân dân địa phương xây dựng chùa Thiên Vương. Vị trí đất cất chùa theo thế “Tả Thanh long, hữu Bạch hổ”, tim đất chùa ở chỗ cao hình hoa sen, chùa chính hướng Tây, lấy núi Bần làm tiền án. Trong chùa có rất nhiều tượng: Phật Tam Thế, Phật A Di Đà, Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát…

Đến thời Trần, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, chùa Thiên Vương bị tàn phá rất nặng nề. Cụ Mai Phúc Trường (người đưa các vị bô lão trong vùng ra Thăng Long để dự Hội nghị Diên Hồng, cụ cũng là người tập hợp quân sĩ để huấn luyện chiến đấu với quân Nguyên) đã huy động nhân dân cùng góp của cải, vật chất để xây dựng lại chùa Thiên Vương. Tưởng nhớ đến công lao, đức độ của cụ, nhà Trần phong cụ làm Phúc thần của làng.

Chùa thiên Vương đến thời Hậu Lê bị xuống cấp, khi đó cụ Mai Phúc Kiên (tự Phúc Hương) (sinh năm 1508 – ?) làm quan đại thần giữ chức Thượng thư bộ Lễ Nhập nội hành khiển triều Lê Trung Hưng, đứng ra kêu gọi hưng công tu sửa, tôn tạo lại chùa.

Thời kỳ nhà Nguyễn, cụ Mai Phúc Lộc người được triều Nguyễn phong sắc Bồng Sơn Nguyên soái Vĩ Đại tướng quân bỏ tiền của cùng với nhân dân trùng tu tôn tạo lại chùa. Chùa vẫn giữ được hướng cũ, với Tiền đường 5 gian, Hậu cung 2 gian. Lúc đó chùa Thiên Vương là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cả vùng Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa.

Trong thời kỳ Cần vương chống Pháp, chùa Thiên Vương là nơi cất giữ vũ khí của nghĩa quân Ba Đình. Chùa cũng là nơi hội họp của cán bộ đảng viên xã Liên Cừ trước kia.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ chùa là trụ sở và bệnh viện quân y của bộ đội ta. Chùa cũng là nơi diễn ra nhiều đợt huy động, tiễn đưa các lớp thanh niên trong làng chi viện cho chiến trường đánh Mỹ, cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược.

Hòa bình lập lại, sau khi chia xã, tách làng, chùa Thiên Vương bị hạ giải để lấy vật liệu sử dụng cho các mục đích khác của xã. Vào năm 1994 – 1999, nhân dân trong làng Quang Minh đã phát tâm tạo dựng được một ngôi chùa nhỏ rộng khoảng 30m2 để thờ Phật. Chùa lúc đó có 01 pho tượng A Di Đà; 01 pho tượng Địa Tạng Bồ Tát; 01 pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát; 01 pho tượng Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; 01 pho tượng Phật đản sinh; 01 ngai thờ tượng Chiêu Minh Vương Trần Quan Khải; 01 ngai thờ cụ Phúc thần Mai Phúc Trường.

Giá trị văn hoá

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và những biến thiên của khí hậu, chùa Thiên Vương hiện đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Hiện nay, tất cả các hạng mục công trình của chùa đã bị hủy hoại hết, nhân dân chỉ mới xây dựng được 2 gian nhà tạm để thờ cúng. Ngôi nhà này có chiều rộng 5,8m; chiều dài 3,2m, được làm theo kiểu kiến trúc kèo suốt gách trếnh; mái được lợp bằng ngói mũi lót liệt.

Bài trí thờ tự ở chùa hiện nay gồm có 4 bệ thờ:

  •  Bệ thờ thứ nhất có chiều cao 1,3m; chiều rộng 45cm; dài 1,47m. Bệ thờ này đặt 01 tượng Tam Thế có chiều cao 75cm, rộng 50cm.
  •  Bệ thờ thứ hai có chiều cao 1,05cm; chiều dài 1,47m; chiều rộng 80cm. Bệ thờ này đặt 03 tượng: ở trung tâm đặt tượng Quan Âm Chuẩn Đề (có chiều cao 95cm; rộng 55cm), bên hữu đặt tượng Thánh Tăng (có chiều cao 96cm; chiều rộng 48cm), bên tả đặt tượng Quan Âm Bồ Tát (có chiều cao 90cm; chiều rộng 51cm).
  •  Bệ thờ thứ ba có chiều cao 85cm; chiều rộng 45cm; chiều dài 1,30m. Bệ thờ này đặt 01 tượng Thích Ca Sơ sinh có chiều cao 35cm; chiều rộng 12cm.
  •  Bệ thờ thứ tư có chiều cao 85cm; chiều dài 1,50m; chiều rộng 1,30m. Bệ thờ này đặt 01 bát hương đá cũ.

Bên hữu của chùa có đặt tượng Địa Tạng Bồ Tát có chiều cao 1,45m; chiều rộng 50cm.

Bên tả có đặt tượng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải và tượng Phúc thần Mai Phúc Trường.

Hằng năm chùa Thiên Vương thường tổ chức ngày lễ Phật Đản, Phật thành Đạo lễ Vu Lan vào các ngày Rằm tháng tư, tháng Bảy và tháng Chạp. Ngoài ra vào các ngày Rằm, ngày mồng Một hàng tháng nhân dân cũng đến đây để dâng hương, tụng kinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống no ấm.

Nhận thấy giá trị lịch sử – văn hóa to lớn của chùa Thiên Vương, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành Quyết định số 143/QĐ – UBND, ngày 23 tháng 01 năm 2015 đồng ý phê duyệt “Báo cáo kinh tế kỹ thuật khôi phục chùa Thiên Vương (chùa Rú) xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa” với các nội dung: xây dựng nhà Tam Bảo với diện tích 156,8m2; xây dựng nhà thờ Mẫu với diện tích 113m2; xây dựng nhà thờ Tổ với diện tích 108m2; xây dựng cổng Tam quan…

Mong rằng trong tương lai không xa, chùa Thiên Vương sẽ được xây dựng trùng tu, tôn tạo một cách bề thế, khang trang để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho bà con nhân dân ở địa phương cũng như các vùng lân cận.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Đào Văn Hòa
5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)