Chùa Du Anh (Chùa Thông – Vĩnh Lộc, Thanh Hoá)

Chùa Du Anh (Chùa Thông – Vĩnh Lộc, Thanh Hoá)

Lược sử

Chùa Du Anh nằm trong quần thể danh thắng động Hồ Công ở dưới chân lèn đá phía tây núi Xuân Đài được lập từ thời Lý. Đến thời Trần, vua Trần Nghệ Tông đưa công chúa Du Anh về lễ chùa và dưỡng bệnh. Công chúa được điều trị bằng cây thuốc ở núi Xuân Đài khỏi bệnh. Vua Trần phát tâm công đức cho nâng cấp chùa lên Tam Tòa do công chúa Du Anh trực tiếp đốc công. Từ đó chùa được mang tên là Du Anh. Lâu ngày đổ nát. Đầu niên hiệu Hoằng Định (1601 – 1619), Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc xuất tiền cất dựng lại, từ năm Tân Sửu (1601) đến năm Ất Tỵ (1605) làm xong. Phía trước trông ra núi Trác Phong. Bên hữu có am Công chúa ở lưng chừng lèn đá, bên tả có gác Ngọc Hoàng đổ nát. Cạnh chùa có vài gian tăng phòng. Phong cảnh u tịch, chim kêu hoa rụng, tùng trúc chen nhau. Hai bên vách chùa có hai cái hồ Nhật Hồ và Nguyệt Hồ. Góc núi phía đông nam là động Hồ Công. Trong chùa có bi ký và bài minh do Thượng thư Phùng Khắc Khoan soạn năm Hồng Đức thứ 6 (1605) ca ngợi công đức của Quảng quận công Trịnh Vĩnh Lộc (Ái Châu bi ký chép là đô đốc Trịnh Vĩnh Trinh) quê ở Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, trú quán tại Biện Thượng. Đầu thời Lê trung hưng, thời Bình An Vương Trịnh Tùng, ông được phong Tuyên lực công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri.

Dấu tích

Dấu tích của ngôi chùa thời Trần chỉ còn lại hai hiện vật có giá trị đó là voi đá và sư tử đá.

Voi đá: Được tạo tác bằng đá trắng nguyên khối đã ngả màu (kích thước 1,60m x 0,70m x 0,30m). Voi vóc dáng tròn mập, tai to, mắt nhỏ, ngà nhọn cong nhẹ, vòi dài cuộn tròn ở phía đầu. Voi trong tư thế quỳ phục trên bệ hình hộp, các chân to khoẻ, gập gối xoải song song về phía sau. Cổ đeo hình lục lạc. Thoạt nhìn thìkhông có gì đặc sắc, nhưng ngắm kỹ chúng ta mới thấy từ những nét đơn sơ bật ra nhiều điểm độc đáo.

Voi quỳ ở chùa theo lý giải của Phật pháp, là biểu tượng cho sự sùng Phật cũng như điềm lành khi thế giới xuất hiện đức Phật, do đó voi được tạc ở tư thế rất hiền lành.

Sư tử đá: Được tạo tác bằng đá trắng nguyên khối, trên một bệ đá hình hộp có hoa văn hình sóng nước (kích thước 1,1m x 0,50m x 50m). Vóc dáng sư tử tròn mập, mồm há rộng, răng nhe. Nhìn từ phía trước, hai chân sư tử như đang vận động sức mạnh gồng đỡ, chân bên trái lùi về phía sau, chân bên phải đang giữ cầu. Hai chân sau ở tư thế chồm lên, đầu sư tử ngoảnh ra phía đường. Mình sư tử trang sức cầu kỳ bởi các hoa văn kiểu hoa đào tròn (14 hoa), 2 chân sau 12 hoa, 2 chân trước 10 hoa, ở bụng 10 hoa. Bờm tóc nhiều vằn, lông trải mượt theo sống lưng.

Trong đạo Phật, sư tử biểu trưng linh vật vũ trụ đầy sức mạnh và trí tuệ. Còn nơi chủ yếu thường giữ vị trí canh giữ, trấn yểm ở các cửa lâu đài của vua chúa, đền đài các thần linh. Ở chùa Du Anh, sư tử được đặt ở vị trí cổng chùa. Người dân vùng này còn lưu giữ câu thành ngữ: “Voi quỳ hổ phục hai bên Hồ Công đệ nhất có tên đứng đầu“.

– Bia Trùng tu Xuân Đài sơn Hồ Công động Du Anh tự bi được tạo ngày lành tháng 10 năm Hoằng Định thứ 6 (1605). Bia được tạo vuông từ mỏm đá nguyên khối nằm dưới chân núi Trác Phong đối diện với chùa Du Anh trong quần thể núi Xuân Đài, động Hồ Công. Bia vuông 4 mặt (kích thước 1,90m x 1,60m). Chân bia cao 0,50m, rộng 2m được chạm ba lớp hình hoa sen đỡ lấy thân bia. Mái bia được tạo tác hình mai luyện. Mặt 1 và mặt 4 trán bia chạm khắc “lưỡng long chầu nhật cầu kỳ, khá đẹp so với hai mặt 3 và 2. Mặt 1 và mặt 3 khắc nội dung văn bia và lạc khoản, mặt 3 và 4 khắc tên tuổi các tín thí từ vua, chúa, hoàng hậu, cung phi, quận công, hoàng thân quốc thích và người dân thường. Tên và văn bia khắc kiểu chữ Khải chân, nhiều chữ bị mờ.

Nội dung bia ghi: Đất Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc (nay là xã Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc) ở phía tây nước Việt có núi Xuân Đài, trong núi có động Hồ Công, trong động có pho tượng đá Hồ Công, Phí Trường Phòng dấu tiên từ xa xưa để lại. Cạnh động có chùa Du Anh, sông Lỗi và sông Bưởi như đôi rồng uốn khúc, núi lớn bé tựa bầy phượng ngồi trông. Hoa cỏ xanh tươi, thú chim lượn nhảy, khói mây giăng mắc cửa động, chòm xóm đông đúc tụ họp bên sông gom nhặt thành thế giới một bầu. Thật là danh thắng không hai, thiền thiên đệ nhất của Tây Đô...

Nay có ngài Tuyên lực công thần, Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Nam quân Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri, tước Quảng quận công là Trịnh Vĩnh Lộc quê ở Biện Thượng, xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (nay là xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) vốn là người văn dựa võ oai, tước cao chức đầy… ngài bèn dốc lòng bđề, mở nên phương tiện mới nhân nền móng phúc trước kia khởi công tu sửa lại chùa vào năm Tân Sửu (1601) đến năm Ất Tỵ (1605) thì chùa cất dựng xong, tô tượng Phật thánh. Lâu đài vàng ngọc, lộng lẫy nguy nga, tượng Phật thếp vàng lung linh chễm chệ y như là cõi Tây Thiên lại có vị Phật đản sinh ra đời vậy. Cuối bia có bài minh ca ngợi.

Những dấu tích của chùa Du Anh thời Trần chỉ còn vậy. Hiện nay, chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại gồm có chùa chính, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà sư ở nhưng kiến trúc bằng bê tông, cốt thép đơn giản.

Nhìn chung, chùa Du Anh nằm trong quần thể khu di tích thắng cảnh động Hồ Công gồm núi non, hang động, chùa chiềng… đặc biệt có giá trị. Động Hồ Công ở núi Xuân Đài cùng với núi Trác Phong như hai bức “nhị bình” thiên tạo treo cao trên bầu trời, được điểm xuyết bằng chùa Du Anh nhân tạo, tạo thành một cụm thắng tích danh sơn như một câu thơ của chúa Trịnh Sâm: Phúc địa cổ lai đa thắng tích, Hà lao điểm xuyết “Võng Xuyên đồ. Nghĩa là: Dấu tích nghìn xưa nhiều thắng tích, cần chi tô vẽ bức tranh Tàu.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập I), TS. Phạm Tuấn
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Chua-Thong-Vinh-Loc-Thanh-Hoa

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *