Chùa Tiên Sơn (Thanh Hoá)

Chùa Tiên Sơn (Thanh Hoá)

Phía đông nam núi Vọng Phu, bên sườn núi Khế có chùa Tiên Sơn, tên chữ là Tiên Sơn tự, ngoài ra còn có tên gọi khác là chùa Quan Thánh hay chùa Quan Lão.

Lược sử đôi nét về chùa

Chùa được xây dựng trong động đá, ở độ cao 15 – 20 m so với nền đường. Theo như văn bia khắc trên vách đá, chùa được trùng tu vào đời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 (1756), đây là tấm bia có niên đại sớm nhất. Văn bia Nôm có niên đại Cảnh Hưng thứ 46 (1785), khẳng định Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa đã bỏ tiền cùng nhân dân trùng tu to đẹp và quy định thể lệ vào hầu chùa. Con trai đến 56 tuổi là được “Đăng cai”, nếu được “Đăng cai” thì được chia ruộng để sắm lễ. Lễ tổ chức vào các ngày kỳ tiết, sóc vọng hàng tháng (ngày 1 và 15 hàng tháng), việc lễ lại phân chia theo các làng, gồm 3 làng như sau:

            Tháng Giêng: làng Sau sắm lễ.

            Tháng Hai: làng Nạy sắm lễ

            Tháng Ba, tháng Tư: làng Tu sắm lễ

            Tháng Năm: làng Sau sắm lễ.

            Tháng Sáu: làng Nạy sắm lễ

            Tháng Bảy, tháng Tám: làng Tu sắm lễ

             Tháng Chín: làng Sau sắm lễ.

            Tháng Mười: làng Nạy sắm lễ

            Tháng Mười một, tháng Chạp: làng Tu sắm lễ.

Tục lệ trên qua các năm dần thành lệ và có câu ca rằng:

            Giêng Sau, hai Nạy, ba, tư Tu.

            Năm Sau, sáu Nạy, bảy, tám Tu.

            Chín Sau, mười Nạy, một chạp Tu.

Sách Đại Nam nhất thống chí tập II chép: “Chùa Tiên Sơn ở trong động đá tại núi Khế thuộc Nhuệ thôn, xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, chùa cao chỉ độ 4 thước, rộng không đầy một trượng, trong có tượng Phật. Phía bắc chùa ở sườn núi có một cái hang đá, có hai lỗ tả, hữu rộng 5, 6 thước, dài chừng hai trượng, xây làm cửa, vách đá khắc tượng Quan Đế, bên cạnh khắc tượng Chu Xương, cùng vời các tượng tả hữu tất cả năm pho; trên đầu khắc hai chữ Nghiễm Nhiên lối chữ Triện, hai bên vách đá có tượng người đá, voi đá, ngựa đá, phía trên vách đá khắc chìm bốn chữ Thiên cổ vĩ nhân và khắc nổi một chữ Thầnlớn hơn một thước, ở vách núi bên tả phía dưới lỗ hang có xâu dây sắt để treo chuông. Chùa do Lê Đình Truyền, người sở tại dựng từ năm Lê Hoằng Định thứ 10 (1610). Cuối đời Cảnh Hưng, trấn thủ Thanh Hoa là Lê Trung Nghĩa tu bổ và có làm bài minh khắc vào vách núi nay vẫn còn.

Cảnh sắc chùa Tiên Sơn

Trên vách đá cao độ 6m được chạm bốn chữ Hán “Thiên cổ vĩ nhân” (dài 2,5m, cao 0,7m) nghĩa là Vĩ nhân muôn thuở; lệch sang phía đông bắc ở vách đá ngoài cửa hang có treo một chuông đồng cổ (cao 0,8m, đường kính 0,35m); lệch sang phía đông bắc có tấm bia đá khắc trực tiếp vào vách núi (rộng 1,2m, cao 1m) niên hiệu Minh Mạng, phía dưới có hai tượng quan hầu và một tượng phổng chầu, tượng người hầu (phỗng) trong tư thế quỳ sát đầu gối, bụng phệ, trên đầu có hai búi tóc hình xoắn ốc, hai tay khoanh trước ngực, y phục bình dân, nét mặt tươi tỉnh.

Trong không gian hang động chùa Tiên Sơn chính giữa của vách đá là bức đại tự “Nghiễm Nhiên” (cao 0,4m, dài 0,8m), bên dưới là bức tranh phù điêu chạm gồm Quan Vân Trường, Châu Sương, Trương Phi, dưới góc phải là tượng Mãn quận công Lê Trung Nghĩa (theo lời các cụ truyền lại bức đại tự có kích thước cao 2m, dài 2,8m). Tiếp dưới là bàn hương án thờ, hai bên bức tranh có hai câu đối chữ Hán, phía bên trái là nơi thờ thần núi hiện nay vẫn còn bức chạm nổi “Sơn thần vị”, bài vị khắc trực tiếp vào vách đá, phía dưới có bộ thờ và bát nhang đá. Phía bên hữu còn một hương án (sập chân quỳ) và một số đồ thờ.

Cửa phía nam, được đục chạm kiểu khung học, bên dưới có ngõng cửa để lắp cánh, vách núi chắn trước hai nách cửa là một khối đá có chiều dài 15m, dày 4m, cao 10m, tiếp giáp với vách trong tạo thành vòm hang. Mặt trong của vách núi có 6 bức chạm khắc thô, trên vách núi có rất nhiều bức ký của các thi nhân đã đến đây, các bức ký đề niên đại từ niên hiệu Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái. Mặt ngoài vách núi ở cánh tả có tượng võ sĩ, tượng voi, tượng Châu Sương. Bên hữu có tượng võ sĩ, tượng ngựa, tượng Triệu Tử Long, bia kí (khắc niên hiệu Cảnh Hưng 46). Riêng tượng Triệu Tử Long cùng tấm bia đã bị sạt lở xuống chân núi năm 1989 (do sạt đá trong cơn bão số 6). Chữ “Thần” phía trên cửa chùa (to, cao 1,5m). Các pho tượng ở chùa Tiên Sơn không lớn lắm nhưng đã được thể hiện rất sống động, mang đậm nét phong cách nghệ thuật dân gian ở thế kỷ XVII- XVIII.

Trước Cách mạng tháng Tám, chùa Tiên Sơn là nơi tổ chức Hội nghị bầu Ban Chấp hành Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội vào tháng 4 năm 1928. Đồng chí Lê Hữu Lập, Bí thư Tỉnh bộ lâm thời, được bầu làm Bí thư chính thức Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tỉnh Thanh Hóa.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập I), CN. Nguyễn Đăng Ngân 
Chấm điểm
Chia sẻ
chua-chon-thieng-thanh-hoa

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Hình ảnh
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *