Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Tổ (Phúc Nghiêm tự) thuộc thôn Mãn Xá (làng Mèn), tổng Khương Tự, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Mãn Xá, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Lịch sử và nhân vật
Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ II sau Tây lịch, trên nền nhà cũ của ông bà Tu Định – thân phụ và Ưu Di – thân mẫu của Man Nương (tại làng Mãn Xá Đông hiện có nhà thờ họ Man, trong gia phả và các tài liệu thư tịch mà dòng họ Man hiện còn lưu giữ cũng có ghi chép về gia đình ông bà Tu Định và A Man/Man Nương). Khi ông bà Tu Định hiển Thánh thì ngôi nhà trở thành chùa (bán gia vi tự).
Chùa thờ Man Nương – Phật Mẫu, là mẹ của Phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Lĩnh Nam chích quái do danh sĩ Trần Thế Pháp thời Trần chép đã lưu lại khá rõ thông tin về Man Nương – Phật Mẫu: “Thời Hiến Đế nhà Hán, quan Thái thú tên là Sĩ Nhiếp đắp thành ở phía Nam sông Bình Giang (nay là thành phía Nam sông Thiên Đức). Ở phương Nam có một ngôi chùa gọi là chùa Phúc Nham, có một nhà sư từ phương Tây đến, hiệu là Già La Đồ Lê, trụ trì ở chùa ấy, hay làm phép đứng một chân; trai gái, già trẻ tín mộ, kính phụng tôn hiệu làm Tôn sư, ai nấy đều cầu học đạo Phật.
Lúc bấy giờ có một người con gái tên là Man Nương, cha mẹ đều đã mất, nhà nghèo khổ nhưng cũng dốc lòng cầu đạo, chỉ vì nói ngọng khó tụng kinh chung với mọi người nên thường ở sau bếp giã gạo nhặt rau, lo việc nấu thổi để cung dưỡng các sư trong chùa và học giả bốn phương đến học đạo.
Khoảng trời tháng năm, đêm lại ngắn ngủi, Man Nương vội vã lo thổi nấu cho xong. Nàng nấu đã xong xuôi, nhưng các sư còn tụng kinh chưa nghỉ để ăn cháo; Man Nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa không ngờ quên lửng nằm ngủ say. Đến khi Tăng đồ tụng niệm xong, ai về phòng nấy thì Man Nương còn nằm ở cửa; nhà sư Đồ Lê bước ngang trên mình nàng, Man Nương hỗn nhiên tâm động, từ đó thụ thai. Trong khoảng được ba bốn tháng, Man Nương lấy làm xấu hổ bỏ đi, nhà sư Đồ Lê cũng tránh đi đến chùa ngã ba đầu sông mà ở.
Mãn nguyệt, Man Nương sinh được một đứa con gái và tìm nhà sư để giao lại. Đêm khuya, nhà sư Đồ Lê đến dưới cây đa ở ngã ba đầu sông mà đặt đứa con gái và nói:
- Ta gửi Phật tử này cho mày, mày giữ lấy, sau được thành Phật đạo.
Sư Đồ Lê và Man Nương từ biệt nhau mà đi. Đồ Lê cho nàng một chiếc gậy và bảo rằng:
- Ta cho em cái gậy nầy đem về, hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẩy vẩy dưới đất tự nhiên có nước chảy ra để cứu người ta.
Man Nương cầm gậy trở về, lại ở chùa như trước; gặp năm trời hạn, nàng lấy gậy vẩy trên đất, tự nhiên có suối nước chảy ra ào ào, dân chúng được nhờ vả rất nhiều.
Khi Man Nương đã hơn tám mươi tuổi thì bất đồ cây đa bị lật đổ trôi đến trước bến chùa, quanh quẩn ở đó không trôi đi; người ở đó đua nhau bửa củi thì búa rìu đều bị gãy mẻ hết; làng xóm rủ nhau ba trăm người đến kéo cũng không chuyển động. Gặp khi Man Nương xuống bến rửa tay, nàng khẽ lấy tay kéo thử, cây lập tức chuyển động trôi vào, ai nấy kinh dị, vội bảo Man Nương kéo thẳng lên bờ, khiến thợ mộc trổ làm bốn pho tượng Phật; kịp lúc đẽo đến giữa cây, chỗ giấu người con gái thì chỗ ấy đã hoá thành một phiến đá rất cứng; người thợ đẽo đúng vào chỗ đó thì rìu búa mẻ hết, mới lấy phiến đá ném xuống giữa sông; phiến đá phóng xuất hoả quang, giờ lâu mới chìm xuống nước; các người thợ đều chết hết. Mọi người đều xin nhờ Man Nương van vái mướn người kẻ chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào điện Phật, lấy vàng tô lên mà phụng thờ.
Sư Đồ Lê mới đặt tên cho bốn pho tượng Phật là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Già trẻ trai gái bốn phương thường nhóm họp ở chùa này chơi đùa ca múa, gọi là hội tắm Phật, đến nay đang còn vậy.”[1]
Theo tài liệu Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục được cho là biên soạn trước Lĩnh Nam chích quái chép về Man Nương có nhiều thông tin khác so với Lĩnh Nam chích quái, trong đó rõ nhất là danh tính của vị Hoà thượng người Ấn và thân thế của Man Nương, cha bà vốn là người sùng đạo Phật chứ không phải mất từ sớm: “Vào khoảng cuối Hán Linh Đế (189 sdl)có nhà sư Kỳ Vực và sư Khâu Đà La, chống gậy vân du đến thành Luy Lâu là trị sở của Sĩ Vương. Bấy giờ trong thành có Ưu bà tắc Tu Định thấy hai sư thỉnh ở lại… Tu Định có một người con gái, năm ấy mới 12 tuổi, thường thờ sư, thắp đèn hái rau, cung kính có lễ phép. Sư lấy làm lạ, đặt tên là A Man.”[2] Ngày nay, trước chùa Thiền Định có một ngôi mộ. Người đời gọi đó là mộ của A Man, cũng gọi là mộ của Phật mẫu. Mỗi năm vào ngày 17 tháng Giêng là ngày kỵ của An Man. Thường dùng cỗ chay để cúng.”[3]
Tấm bia Phúc Nghiêm tự sự tích bi được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 12 tại chùa Phúc Nghiêm, đến năm Tự Đức 26 (1873) được khắc lại, nội dung cho biết sự tích của Phật mẫu Man Nương và hệ thống Tứ Pháp, nội dung có thể tóm tắt như sau:
“Xưa, sư Khâu Đà La người nước Thiên Trúc hành đạo Bà La Môn. Từng ở trên núi cao, không cần tu viện lớn mà chu du khắp bốn biển. Bấy giờ, vào thời Hán đã đến thành Luy Lâu nước ta. Bên cạnh thành Luy Lâu có ông bà Tu Định người làng Mãn Xá rất kính mộ phép thuật của nhà sư. Khâu Đà La thường ngồi tĩnh tọa không ăn uống. Trong lòng Tu Định biết là Phật xuất thế nên rất kính cẩn mến mộ. Tu Định có một người con gái xinh đẹp nết na, đã cho theo thày học đạo. Nhà sư nói với Tu Định rằng: “Ông nhập Phật Pháp của ta là sớm có duyên, Man Nương có đạo ngày kia sẽ thành Đại pháp khí” và còn giúp Tu Định phép thuật lấy nước cứu hạn giúp dân, rồi nói lời từ biệt vào trong núi tu hành. Một hôm, Man Nương đến bỗng có rồng mây cuốn quanh mình rồi cảm động mà mang thai. Man Nương sợ hãi nói rõ sự việc với cha mẹ. Ông bà Tu Định kinh ngạc vào núi để nói rõ sự tình với Đà La. Nhà sư bảo rằng: “Man Nương có thai là do nhân thiên hợp khí”. Man Nương có mang được 14 tháng, đến ngày 8 tháng 4 sinh được một bé gái, trong phòng hương thơm khác lạ lan tỏa đầy nhà. Man Nương liền bế con vào nơi núi non tìm thày, trời âm u không thấy rõ ràng, chỉ nghe thấy tiếng tụng niệm, bèn quay lại nói với cây dung thụ rằng: “Nếu có thiêng hãy ôm lấy hài nhi này”. Cây bèn mở thân, bèn đặt đứa bé vào đó, cây khép lại…
Sau đó, trời mưa to gió lớn giật đổ cây dung thụ trôi đến cửa bến thành Luy Lâu, trong cây như có tiếng nhạc, ánh sáng chiếu rọi, mùi hương thơm phức, mọi người đều thấy. Sĩ Vương trong thành thấy lạ, bèn lệnh cho quan quân xem xét, quả nhiên như vậy, đến đêm mộng thấy một vị Thần nói rằng: “Cây này là thần mây, mưa, sấm, chớp”. Vương bèn ban bố với quần thần trong triều tạc tượng Phật để thờ và lệnh cho thợ cắt cây làm bốn đoạn tạc thành bốn tượng. Khi tượng tạc xong đã lệnh cho nhân dân sáng lập các chùa: Thiền Định – Diên Ứng (Dâu), Thành Đạo (Đậu), Phi Tướng tự và chùa Phương Quan (Dàn) Trí Quả để thờ phụng. Lúc khánh thành khi còn chưa đón vào chùa thì gặp đại hạn. Vương bèn cầu khấn, bỗng nhiên mưa to. Vì thế nhớ mộng trước bèn đặt tên là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đến khi rước vào chùa, ba tượng xe chở rất nhẹ, còn tượng Pháp Vân nặng không thể được. Vương cho thợ tạc tượng đến hỏi, thợ tâu trong cây có hòn đá đã vứt xuống sông, lại lệnh cho ngư dân đi mò tìm vì biết cây đó chứa con của Man Nương và tạc thành tượng Thạch Quang để thờ. Vương lại lệnh cho nhân dân tạc tượng Tam tổ sáng lập chùa Phúc Nghiêm.”[4]
Kiến trúc cảnh quan
Chùa Tổ vốn được khởi dựng từ lâu đời và được nhiều triều đại trùng tu, đến nay chỉ còn Thượng Điện là công trình kiến trúc của thời Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn. Đó là nơi thờ Phật Mẫu Man Nương. Tượng Phật Mẫu Man Nương được tạo tác trong tư thế tọa thiền trên tòa sen, cao gần 1,7m, giống với các tượng Tứ Pháp, khuôn mặt từ bi thánh thiện, toàn thân phủ một lớp sơn màu mận chín đầy vẻ huyền bí linh thiêng.
Phía trên cao là tượng ông bà Tu Định là thân phụ và thân mẫu của Man Nương, toàn thân sơn màu nâu sẫm, áo cà sa khoác ngoài trùm kín đùi. Góc bên phải của Thượng Điện là tượng sư Tổ Khâu Đà La, đầu trọc để trần, khuôn mặt từ bi, ngồi thiền trên tòa sen, áo cà sa khoác ngoài.
Hiện vật
Hiện nay, chùa Tổ còn bảo lưu nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: tượng thờ, bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối,… Trong đó, có sắc phong của triều vua Cảnh Hưng thứ 14 (1786) phong cho sư Tổ Khâu Đà La và một sắc phong triều vua Khải Định thứ 8 (1923) phong cho Phật Mẫu Man Nương. Các tài liệu cổ vật quý giá đó đã minh chứng sự có mặt của Khâu Đà La và Man Nương là có thật và họ chính là những người đã tạo nên Sơn môn Dâu cùng hệ thống Tứ Pháp.
Đặc biệt, chùa Tổ còn bảo lưu được một tấm bia đá tên Phúc Nghiêm tự sự tích bi, dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 12 còn khá nguyên vẹn. Trán bia chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, diềm chạm hoa lá, vân mây cách điệu. Đến năm Tự Đức 26 (1873), bia được khắc lại, nội dung cho biết sự tích của Phật mẫu Man Nương và hệ thống Tứ Pháp.
Xếp hạng
Chùa Tổ và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu huyện Thuận Thành là sự dung hoà giữa tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp) và Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta, nhằm tạo nên một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo mang đậm sắc thái dân tộc. Từ trung tâm Dâu, Phật giáo đã lan tỏa đi khắp các vùng miền của cả nước. Vì vậy, chùa Tổ và hệ thống của Tứ Pháp đã trở thành dấu tích quan trọng của quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam. Với giá trị đặc biệt về lịch sử văn hoá và tôn giáo, năm 2001 chùa Tổ – Phúc Nghiêm tự, đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích cấp Quốc Gia.
Chú thích
[1] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Lê Hữu Mục (dịch), Nhà sách Khai Trí, 1960, tr. 75 – 76.
[2] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2003, tr. 145.
[3] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Sđd, tr. 149.
[4] Nho Thuận, “Chùa Tổ – Phúc Nghiêm tự huyền thoại và lịch sử Tứ pháp vùng Dâu – Luy Lâu”, Cổng thông tin điện tử thị xã Thuận Thành, ngày 9/3/2017.
Tham khảo
- “Chùa Tổ”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, ngày 7/6/2021
- Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Lê Hữu Mục (dịch), Nhà sách Khai Trí, 1960, tr. 75 – 76.
- Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2003, tr. 145.
- Nho Thuận, “Chùa Tổ – Phúc Nghiêm tự huyền thoại và lịch sử Tứ pháp vùng Dâu – Luy Lâu”, Cổng thông tin điện tử thị xã Thuận Thành, ngày 9/3/2017.