Chùa Trà Dương có tên chữ là Long Khánh Tự. Chùa được xây dựng tại trung tâm thôn Trà Dương, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Kiến trúc
Theo truyền ngôn, chùa được dựng từ thời Trần, trải qua quá trình lịch sử, các cấu kiện kiến trúc của chùa hiện nay mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Chùa có kết cấu kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm ba gian Tiền đường và ba gian Tam bảo.
Cổ vật
Ngoài tượng thờ, đồ tế tự, tại chùa còn lưu giữ một bệ đá hoa sen có niên đại tạo dựng năm Quang Thái thứ 7 (1394). Đây là bệ đá quý giá và được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là tiêu biểu cho dòng nghệ thuật dân gian làng xã dưới thời Trần.
Bệ đá tạo dáng khối hộp chữ nhật nằm giữa tòa Tam bảo, cấu tạo gồm nhiều khối đá xanh xếp khít nhau tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh, toàn bộ bệ có kích thước: dài 2,26m, rộng 1,18m, cao 1,07m và chia làm bốn phần chính là mặt, thân, chân, đế bệ. Nhìn bệ như cách điệu một đóa hoa sen đang nở bởi các lớp cánh sen úp và lớp cánh sen mở ở mặt bệ. Phần thân bệ được làm nhỏ thót lại so với mặt và chân đế bệ tạo sự hài hòa cân đối, trên các phần của bệ đều được trang trí khác nhau: cánh sen, hình rồng, sư tử, chim thần Garuda, hoa leo tay mướp, uốn lượn hình sin. Phía sau thân bệ khắc bài minh văn năm Giáp Tuất niên hiệu Quang Thái thứ 7 (1394). Như vậy chắc chắn chùa được dựng từ rất sớm, ít nhất là dưới thời Trần.
Điêu khắc
Bệ đá hoa sen chùa Trà Dương cho thấy: vào cuối thế kỷ XIV, Phật giáo vẫn là tôn giáo mang tư cách là hệ tư tưởng chính của người Việt, do đó điêu khắc vẫn còn tiếp tục phục vụ nhu cầu của Phật giáo. Một trong những sản phẩm của thời kỳ này là các bệ đá hoa sen trong các ngôi chùa làng. Trong lúc chính quyền Trung ương không còn đủ sức với tới những vùng quê xa kinh thành Thăng Long, nghệ thuật phục vụ cung đình ngày càng xa dần truyền thông thì dòng nghệ thuật dân gian đã thoát ly dần những ràng buộc quy phạm của cung đình để tiếp cận với cuộc sống dân dã, hồn nhiên và thoải mái. Các nghệ nhân đương thời đã tự do biểu hiện tài năng khéo léo của mình bằng những đường nét chau chuốt, mượt mà và thanh thoát. Nhưng truyền thống nghệ thuật Lý và đầu thời Trần vẫn được bảo lưu qua những nét chạm ở bệ đá chùa Trà Dương. Với những đề tài trang trí đa dạng, bệ đá chùa Trà Dương góp phần làm phong phú thêm cho dòng điêu khắc cuối thời Trần.
Bệ cũng là một minh chứng cho sự quần tụ đông đúc của dân cư vùng sông Luộc (một vùng đất được cho là hình thành muộn). Đây cũng là bệ đá có niên đại sớm nhất trong số gần chục bệ đá đã phát hiện ở Hưng Yên.
Di tích lịch sử
Chùa Trà Dương đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo quyết định số 734, ngày 11 tháng 6 năm 1992.
Tham khảo
- Trích “Phật giáo Hưng Yên xưa và nay”, tác giả Nguyễn Đại Đồng, Nxb Văn học, 2012, tr. 224-225.