Chùa Tranh (Chùa La Hán – Sầm Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Tranh (Chùa La Hán – Sầm Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Tranh là ngôi chùa tọa lạc ở trên sườn núi phía tây nam, gần cuối dãy núi Trường Lệ, thuộc phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn; ngoài tên nôm thì chùa còn có tên chữ là La Hán tự. Trường Sơn ngày nay là một trong 5 phường (gồm: Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Cư và Quảng Tiến) thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Địa lý

Mảnh đất Sầm Sơn nói riêng, ven biển Quảng Xương Thanh Hóa nói chung được những cư dân đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp vào khoảng đầu thế kỷ XV. Theo Địa chí huyện Quảng Xương cho biết: Vào đầu thế kỷ XV, mảnh đất thuộc thị xã Sầm Sơn ngày nay thuộc địa phận tổng Dặc Thượng, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hóa, trong đó xã Quảng Vinh được gọi là Du Vịnh sở (đây là sở đồn điền được hình thành từ thời kỳ Hậu Lê, niên hiệu Hồng Đức (năm 1471-1472) thuộc xã Du Vịnh. Đến triều vua Minh Mạng năm thứ 2 (1821), xã Du Vịnh thuộc tổng Kính Thượng, huyện Quảng Xương. Từ thời vua Đồng Khánh (1886-1888) đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, tổng Kính Thượng được đổi thành tổng Cung Thượng và xã Du Vịnh thuộc vào tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng được bãi bỏ, huyện Quảng Xương được thành lập trên cơ sở 39 xã, lấy tên các danh nhân và địa danh lịch sử để đặt tên cho các xã, xã Du Vịnh được lấy tên là xã Bạch Đằng. Đến năm 1947, thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng, các xã nhỏ được sáp nhập thành xã lớn. Ở Quảng Xương 39 xã nhỏ đã sáp nhập lại thành 17 xã lớn và lấy tên bắt đầu bằng chữ Quảng, và Bạch Đằng cùng với hai xã khác thành lập nên xã Quảng Châu.

Sau kháng chiến chống Pháp, xã Quảng Châu được chia thành 3 xã nhỏ (Quảng Châu, Quảng Thọ và Quảng Vinh), thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Từ ngày 18/12/1981, thị xã Sầm Sơn được thành lập, làng Vinh Sơn được tách khỏi xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương và sáp nhập về thị xã Sầm Sơn.

Hiện nay, phố Vinh Sơn thuộc phường Trường Sơn; phường Trường Sơn phía bắc giáp với núi Trường Lệ (qua bên kia dãy núi là khu phố Trung mới); phía nam giáp với biển Đông; phía tây giáp với sông Đơ và phía đông giáp một phần với núi Trường Lệ và biển Đông.

Lịch sử – Văn hoá

Trường Sơn – Sầm Sơn là vùng đất nằm ven dãy núi Trường Lệ, được con người khai phá sớm hơn so với các vùng đất khác trong huyện. Vì đây là khu vực có vị trí địa lý chiến lược về quân sự nên ngay từ thế kỷ XV, nhà Lê đã cho thành lập sở đồn điền gọi là sở Du Vịnh tại đây. Đến cuối thế kỷ XVI – XVII – thời kỳ chiến tranh Trịnh – Mạc, nhà Trịnh đã lập ra một đồn binh ở đây để ngăn chặn quân Mạc nhằm trấn giữ vùng biển Quảng Xương. Sau khi nhà Mạc bỏ chạy, vua Lê Thế Tông trở về Thăng Long thì đồn binh được giải tán. Lưỡng vệ Đại tướng quân Lê Văn Đức, tước Thiếu Bảo Nhân Quận công cho quân lính ở lại khai hoang và chiêu mộ thêm dân nơi khác đến làm ăn sinh sống và lập thành các làng, xã thuộc tổng Giặc Thượng vào đầu thế kỷ XIX.

Dưới thời Nguyễn, vùng biển Sầm Sơn – Quảng Xương vẫn là khu vực chiếm vị trí xung yếu của miền duyên hải xứ Thanh và là một trong những cửa ngõ để vào vùng đất quý hương. Vì vậy, khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định thì triều đình Tự Đức bắt đầu tính kế phòng thủ mặt biển. Viên tri huyện Quảng Xương là Đặng Huy Trứ được triều đình giao nhiệm vụ mở đường giao thông, đắp đồn pháo, đặt súng lớn ở các cửa sông để đề phòng giặc tấn công. Thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, nhân dân Sầm Sơn đã hăng hái tham gia cách mạng, thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và tích cực “sắm sửa vũ khí đuổi thù chung”. Cao trào kháng Nhật, cứu nước ở đây diễn ra sôi sục và Sầm Sơn là một trong những địa phương tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền sớm. Trong kháng chiến chống Pháp, ngay từ thời kỳ đầu, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Đảng, nhân dân Sầm Sơn đã tự tay phá sập nhiều nhà cửa của mình, đào đường, đắp ụ trên các tuyến đường, phá sập cầu cống, đặt chướng ngại vật để cản bước tiến của kẻ thù.

Từ ngày 20/12/1952 đến tháng 8 năm 1953, thực dân Pháp dùng các phương tiện ca nô và tàu chiến tiến vào khu vực biển Cửa Hới, thực hiện các cuộc đổ bộ, càn quét khu vực Sầm Sơn và núi Trường Lệ. Tuy trang bị vũ khí chưa được đầy đủ song với tinh thần anh dũng chiến đấu, bộ đội địa phương và dân quân du kích Trung Sơn – Sầm Sơn cũng đánh cho quân Pháp đại bại, buộc chúng phải rút chạy khỏi mảnh đất này.

Về cảnh quan thiên nhiên

Nếu như mảnh đất Sầm Sơn được con người khai thác muộn hơn một số vùng đất khác trong tỉnh, thì thiên nhiên lại ban tặng cho Sầm Sơn những món quà quý báu mà nơi khác không thể có được. Đó là một vùng biển trải dài khoảng 9km, nước biển trong xanh, nóng ấm quanh năm và chứa nhiều khoáng chất. Nơi đây có nắng gió chan hoà, khí hậu trong lành, mát mẻ. Bãi biển nghiêng đều từ tây sang đông với cát trắng mịn màng, bằng phẳng. Sầm Sơn còn có rừng, có núi Trường Lệ thơ mộng, huyền ảo với thiên tình sử Hòn Trống Mái; có dòng sông Mã và sông Đơ chạy qua, góp phần tạo ra cảnh quan môi trường tươi đẹp, giao thông thuận lợi, nguồn nước ngọt dồi dào. Biển Sầm Sơn còn có nguồn hải sản phong phú, ngon và bổ dưỡng….

Chính vì những thuận lợi mà thiên thiên ban tặng nên có sức hấp dẫn các luồng cư dân về đây sinh cơ lập nghiệp. Trong quá trình lao động, vật lộn với thiên nhiên, giặc giã để sinh tồn, phát triển, vùng đất này đã tạo ra nhiều huyền thoại, huyền tích hóa thân vào cuộc sống con người như huyền thoại về Thần Độc Cước – vị thần một chân, xẻ đôi thân mình để cứu dân cứu nước, bảo vệ, che chở cho dân làng; truyền thuyết về Bà Triều – tổ sư nghề săm súc, dệt vải; truyền thuyết về cô Tiên hái thuốc chữa bệnh cứu người…

Sầm Sơn có những di tích nổi tiếng như: Đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, Hòn Trống Mái, đền Bà Triều, đền Cá Lập, đền Đệ Tam…nằm ẩn mình trong những tán cây cổ thụ xanh mát đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa thắng cảnh tự nhiên và những dấu văn hóa của con người, và chùa Tranh cũng góp thêm vào những giá trị truyền thống cho lịch sử văn hóa của vùng đất này. Đó là thế mạnh để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa trong hiện tại và tương lai. 

Quá trình hình thành chùa

Về lịch sử xây dựng chùa Tranh, theo các cụ cao niên phố Vinh Sơn cho biết: trước kia chùa Tranh nằm ở sát biển. Sau đó vì thiên tai lũ lụt, đất chùa bị sạt lở, bà con ngư dân mang những đồ thờ tự, tượng Phật di dời lên khu vực sườn núi và làm tạm gian nhà bằng tranh tre nứa lá để bảo quản các hiện vật và lấy chỗ thắp hương, vì thế nên sau này người dân mới quen gọi là chùa Tranh. Vào năm Đinh Mão dưới triều vua Bảo Đại (1927), bà con nhân dân trong vùng đã cùng nhau chung tay góp sức xây dựng nên một ngôi chùa trên sườn tây nam (thuộc phía cuối của dãy núi Trường Lệ để tránh lũ lụt), ngoảnh mặt phía tây nam, nhìn ra khoảng không gian bao la, phía trước là biển cả mênh mông rộng lớn. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ Đinh gồm có 5 gian Tiền điện và Hậu cung; tất cả bộ khung vì bằng gỗ, tường xây gạch vữa, mái lợp ngói. Trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng Phật, chuông đồng, khánh đá…Tuy nhiên, cũng giống như số phận của những đình, chùa khác trên đất Thanh Hóa, chùa Tranh (La Hán tự) bị phá vào năm 1957, đồ thờ tự bị thất tán. Dấu tích còn lại đến ngày nay là khu vực nền móng của chùa, khánh đá, chân tảng, đá lan giai, ngạch cửa, bát hương đá và gốm sứ của chùa cũ.

Tôn tạo chùa

Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, do nhu cầu của tín ngưỡng tâm linh, một nhóm Phật tử từ Hà Tây (nay là Hà Nội) đã tìm về đây và cùng với bà con nhân dân khu phố Vinh Sơn chung tay góp sức tôn tạo lại Hậu cung chùa vào năm 2001. Đến năm 2004 thì làm được nhà Tiền điện như ngày nay, đoạn đường từ dưới khu phố lên chùa được đổ bê tông sạch sẽ vào năm 2005. Như vậy, chùa Tranh hiện nay được tôn tạo lại trên nền móng của chùa cũ, kích thước và hướng chùa cũng như xưa.        

Nhà Tiền điện có tổng chiều dài 13,9m, chiều rộng 5m, với hai hàng chân cột được làm bằng bê tông cốt thép; toàn bộ vì kèo, đòn tay, rui mè bằng gỗ; được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái liệt bên trong và lợp ngói mũi bên ngoài; các mảng chạm khắc hoa văn trên vì kèo theo cụm đề tài tứ quý. Nhà Tiền điện được trổ 3 cửa ra vào, cánh cửa được làm bằng gỗ theo kiểu thượng song hạ bản, sơn màu đen. Nền nhà được lát bằng gạch bát đỏ theo kiểu chữ Công, một số chân tảng và đá lan giai cũ cũng được bà con mang lát vào gian giữa của nhà Tiền điện.

Hậu cung: được xây thành hai gian theo kiểu kết cấu dọc, tất cả bằng chất liệu bê tông cốt thép, cuốn vòm. Bên trong Hậu cung đặt 4 hương án theo thứ tự từ cao xuống thấp (tính từ vách nhà Hậu cung). Hai bên có cửa ra vào và lối đi để vào thắp hương tại các ban thờ.

Hệ thống thờ tự: Vì mới được tôn tạo lại nên hệ thống thờ tự tại chùa Tranh còn khá đơn sơ. Trong cùng là một khám thờ do bà con Phật tử cung tiến, tiếp theo là các ban thờ với các bát hương cả cũ và mới. Trong đó thờ Tam Thiên Tam thế Phật, Phật A Di Đà, Bà Chúa Ba và Thần Linh núi Trường Lệ. Tại gian giữa nhà Tiền điện bài trí một hương án thờ, bên trên có bát hương, mâm bồng và ống hương.

Sân chùa cũng được lát gạch bát đỏ theo kiểu chữ Công, trên sân xây một ban thờ lộ thiên và hai trụ cột bê tông treo khánh đá của chùa cũ.

Ngoài ra, chếch về phía đông của chùa chính có một gian nhà kho và cũng là nơi sinh hoạt của người trông coi chùa.

Chùa Tranh là ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm tồn tại. Đây là nơi gửi gắm niềm vui, nỗi buồn, những ước mơ và khát vọng của bà con dân biển, mong muốn được đức Phật phù hộ độ trì cho những chuyến ra khơi được bình an trở về, nó trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống của bà con trong vùng. Chính vì vậy mà sau khi bị tàn phá, bà con nhân dân vẫn lui tới để hương nhang vào những ngày sóc vọng, họ trăn trở về sự hoang tàn của chùa. Đến những năm gần đây thì phần nào những trăn trở ấy đã được giải tỏa, ngôi chùa đã được tôn tạo lại nhờ lòng hảo tâm công đức từ những Phật tử từ xa xôi tìm đến. Tuy nhiên, với hệ thống thờ tự như hiện nay thì ngôi chùa còn quá đơn sơ và thiếu toàn bộ hệ thống tượng Phật. Chùa Tranh cần có sự chung tay góp sức của Phật tử gần xa trong việc tô tượng, đúc chuông để ngôi chùa Tranh có thể trở về với vị trí của nó như trong lịch sử.

Hiện nay, chùa Tranh đang được bà con nhân dân trong khối phố quản lý, và hội người cao tuổi đã cử ra một cụ có tư cách đạo đức tốt trông coi, quét dọn chùa sạch sẽ và những ngày sóc, vọng hay những dịp lễ tết thì bà con du khách xa gần vẫn thường xuyên về chùa Tranh tham quan lễ Phật.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Trương Thị Tuyết
Chấm điểm
Chia sẻ
eaf8a521bd23787d2132

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Hình ảnh
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *