Chùa Trung Hoà (Ngọc Luân Tự – Hậu Lộc, Thanh Hoá)

Chùa Trung Hoà (Ngọc Luân Tự – Hậu Lộc, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Trung Hòa, có tên chữ là Ngọc Luân tự thuộc thôn Minh Thanh, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Lược sử

Xã Minh Lộc, vào đầu thời Nguyễn, có tên là trang An Giáo. Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra”, được biên soạn dưới thời vua Gia Long thì trang An Giáo là một trong 15 xã, thôn trang thuộc tổng Liên Cừ huyện Phong Lộc, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa. Đến cuối thế kỷ XIX, trang An Giáo được đổi thành xã An Giáo thuộc tổng Liên Cừ, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1924, xã An Giáo được chia thành 2 xã là Yên Giáo và Yên Nhân thuộc tổng Liên Cừ. Xã Yên Nhân gồm các làng Lưu Đông ( Minh Thinh), Trung Hòa (Minh Thanh), làng Đông (Minh Hải), làng Tây (Minh Chính), làng Thọ (Minh Thọ). Xã Yên Giáo gồm các làng: Yên Lãnh (Yên Tiến, Hưng Lộc), Phú Nhi (Hưng Lộc), làng Hụ (Minh Hùng), Làng Phú (Minh Phú), Lưu Trung (Minh Thịnh).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, UBND Cách mạng lâm thời với đơn vị hành chính mới được thành lập gọi là xã Tiến Thịnh (gồm 2 xã Yên Nhân và Yên Giáo).

Tháng 6 năm 1947 xã Tiến Thịnh sáp nhập với các xã Đồng Lạc, Cao Thắng lấy tên là xã Toàn Thắng. Sau gần một năm đổi tên là xã Vạn Lộc. Đến tháng 5 năm 1954, xã Vạn Lộc chia làm 4 xã gồm: Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc và Ngư Lộc, khi mới tách ra Minh Lộc gồm 13 xóm: Minh Tiến, Minh Thắng, Minh Phúc, Minh Hòa, phú Thọ, Tiến Thành, Minh Thành, Minh Đức, Minh Hải, Minh Thọ, Minh Thịnh, Minh Thái, Minh Thanh.

Xã Minh Lộc nằm về phía Đông Nam huyện Hậu Lộc, là một trong 5 xã vùng biển. Phía Bắc giáp xã Hưng Lộc, phía Đông Bắc giáp xã Ngư Lộc, phía Nam giáp xã Hải Lộc, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp xã Hoa Lộc và Phú Lộc.

Minh Lộc là vùng đất sa bồi, vừa có phù sa biển bồi đắp lại có dòng sông De ở phía Tây uốn khúc bao quanh, bồi tụ nên những cánh đồng phù sa màu mỡ và tạo ra những dải ruộng trũng lồi lõm ven bờ. Vì thế, đây là vùng đất đai phì nhiêu bằng phẳng, có độ cao trung bình 1m so với mực nước biển. Cư dân ở đây có thể sinh sống bằng các nghề đánh bắt hải sản và sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy mà vùng đất này có sức hấp dẫn, thu hút dân cư về đây sinh cơ lập nghiệp (như họ Đinh, họ Lê, họ Đỗ, họ Hoàng, họ Vũ Huy….) trong suốt tiến trình hình thành làng xã.

Biến cố lịch sử

Từ thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 15km đến ngã tư Quán Dốc rẽ phải theo đường liên huyện khoảng 5km là đến trung tâm huyện Hậu Lộc. Từ đây theo đường Quốc lộ 10 khoảng 7km đến ngã tư xã Minh Lộc, tiếp tục rẽ phải khoảng 200m là đến chùa Ngọc Luân.

Ngày nay chưa tìm thấy một tài liệu nào ghi chép cụ thể về thời gian xây dựng chùa. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, chùa Trung Hòa có từ lâu đời, nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng nhìn về phía Tây. Kiến trúc chùa trước đây được xây dựng gồm nhà Tiền đường 5 gian và 3 gian Hậu cung. Hệ thống cột kèo bằng gỗ lim được làm theo kiểu vì kèo truyền thống của chùa Việt với mái cong chồng diêm hai tầng mái, có đầu đao ở các góc. Ngoài ra, trong khuôn viên của chùa xưa còn có các công trình khác như nhà Tổ, nhà Tăng, nhà thờ Mẫu, cổng Tam quan có gác chuông cao 2 tầng mái….

Tôn tạo chùa

Trải qua thời gian và biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa bị phá huỷ, các tài liệu, hiện vật liên quan phần thì bị huỷ hoại, kiến trúc gỗ thì được đem sử dụng vào những công trình phúc lợi khác. Những năm gần đây, đời sống của nhân dân địa phương ngày càng được phát triển cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Nhu cầu được đáp ứng về mặt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng ngày càng trở nên khẩn thiết. Để tưởng nhớ về chốn linh thiêng, cùng với ước vọng của nhân dân muốn xây dựng một nơi để thờ tự, thầy Thích Minh Lâm là người con của làng đã đứng ra kêu gọi các tín đồ Phật tử xa gần, cũng như được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ngôi chùa đã từng bước được xây dựng lại khang trang như hiện nay. Chùa được tôn tạo lại với một không gian kiến trúc được bố trí như sau:

– Cổng chùa: Cổng được xây dựng bằng hai cột nanh vuông vức, trên đỉnh cột nanh có đắp hình bông sen nở, 4 mặt đều đắp nổi chữ Hán.

– Sân chùa: Sân được lát gạch bát đỏ, ở giữa sân có đặt tượng Quan Thế Âm, một tay cầm bình nước Cam Lồ, một tay kết ấn. Bộ lư hương, chân nến bằng đá được đặt sát với bậc Tam cấp lối dẫn vào nhà Tiền đường, hai bên xây hai lầu nhỏ đặt hai tượng Hộ pháp.

Chính điện, được kiến trúc theo lối chữ Đinh (J), chia làm 2 phần: Tiền đường và Hậu cung.

– Nhà Tiền đường: đi qua bậc tam cấp đến hiên nhà qua hệ thống cửa bức bàn là vào đến Tiền đường. Tiền đường là ngôi nhà 3 gian, có chiều dài 11,5m chiều rộng 7m, được làm bằng chất liệu bê tông giả gỗ, theo lối kiến trúc chùa truyền thống chồng diêm hai tầng mái; bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật trên mặt hổ phù, các kìm nóc đắp hình hoa văn triện, đầu đao được đắp uốn cong hình đầu rồng. Chồng diềm được chia làm 3 ô hình chữ nhật, hai ô bên đắp trang trí hình chim phượng, ô ở giữa đắp nổi 3 chữ Hán “Ngọc Luân tự” (Chùa Ngọc Luân).

Về bài trí đồ thờ tại nhà Tiền đường được bố trí như sau:

Ban thờ bên phải, ở hồi phía Đông là tượng Đức Ông, ngoài cùng là tượng Hộ Pháp (Khuyến thiện).

Ban thờ bên trái, ở tường hồi phía Tây là tượng Thánh Hiền và bộ tượng Thánh Tăng, ngoài cùng là tượng Hộ pháp (Trừng ác).

– Hậu cung: Ngôi nhà 2 gian theo lối kết cấu dọc được nối liền với gian giữa Tiền đường, có chiều rộng 5,3m, chiều dài 7,2m. Về bài trí đồ thờ được chia thành 5 lớp tượng như sau:

Ban thứ nhất: là bộ tượng Tam Thế Phật hay còn gọi với tên khác là Thường trụ Tam Thế diệu pháp thân, gồm các vị: A Di Đà hiện thân của thời quá khứ; Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thân của hiện tại và Phật Di Lặc hiện thân của thời vị lai.

Ban thứ hai: là bộ tượng Thích Ca Mâu Ni.

Ban thứ ba: ở giữa là tượng Niêm Hoa vi tiếu, bên trái là tượng tượng Phật Tổ (sư khổ hạnh) bên phải là tượng Di Lặc.

Ban thứ tư: ở giữa là tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn là vị Bồ tát có sắc tướng ngàn tay, ngàn mắt tượng trưng cho sự sáng suốt tuấn thiện và sự toàn năng của ngài, bên trái là tượng A Nan, bên phải là tượng Ca Diếp.

Ban thứ năm: là tòa Cửu Long với biểu tượng đức Thích Ca sơ sinh tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất cùng 9 con rồng đang phun nước thơm tắm cho ngài. Xung quanh là hình tượng muôn ngàn vị Phật tượng trưng cho Tam thiên Phật, cũng là tượng trưng cho Phật điện thu nhỏ được chạm khắc tinh xảo đẹp mắt.

Ban thứ sáu là bộ tượng Dược sư.

Ban thờ thứ bảy: là nơi dành cho tín đồ Phật tử dâng lễ.

Di vật cũ của chùa như: Chân tảng, đá lan giai, bát hương, mâm bồng… tuy còn lại không nhiều, nhưng cũng hết sức có giá trị trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử ra đời và sự tồn tại của ngôi chùa trong lịch sử. Chùa Ngọc Luân mới tôn tạo lại với các hạng mục chính, vật liệu kiến trúc, hệ thống tượng pháp, pháp khí tuy mới nhưng đảm bảo về mặt thẩm mỹ và có giá trị nghệ thuật đương đại, đảm bảo phục vụ tốt cho tín ngưỡng của nhân dân.

Nằm trong không gian tĩnh lặng cách xa khu dân cư, cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ của vùng quê đang từng bước chuyển mình trên mọi mặt, chùa Ngọc Luân đã phần nào đó đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tinh thần của tín đồ phật tử gần xa.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Mai Thị Vui

 

Chấm điểm
Chia sẻ
Eaf8a521bd23787d2132

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)