Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Trung Tự tên chữ là Phúc Long tọa lạc tại số 46, phố Đê La Thành, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, nằm cạnh lối rẽ vào cuối ngõ chợ Khâm Thiên. Chùa ở gần đình Trung Tự, đình Kim Liên.
Lịch sử và nhân vật
“Chùa Trung Tự do con gái chúa Trịnh lập ra và giao cho dân làng Trung Tự trông coi. Tấm bia (gỗ?) còn giữ được ở chùa hiện nay khắc vào năm Tân Dậu, Cảnh Hưng thứ hai (1741) đời vua Lê Hiển Tông ghi rõ việc xây dựng chùa và nói đến nội thị cung tần Trịnh Thị Thuần.” [1] Nội dung bia cho biết:
“Thôn Trung Tự – phường Đông Tác – huyện Thọ Xương – phủ Phụng Thiên.
Quan viên, hương lão, sắc mục phường trưởng thôn cùng các bậc cao thấp trong làng lập bia để lại đời sau. Từng nghe: Lý nhờ thờ phụng mà sáng rõ; đạo chẳng phải vật mà hữu hình.
Cho nên người xưa đã khắc đá để bày tỏ đức quy y; làm cầu đường nhằm ngợi ca công tế độ… Có bà Trịnh Thị Thuần cung tần nội chính phủ, cúng 6 mẫu 5 sào ruộng màu mỡ, 100 quan tiền cổ vào công đức bản ấp.
Lập bia khắc bài minh để mọi người cùng biết, đời sau ghi nhớ Đất này ở Hoàng Thành. Sông Tô uốn quanh bên phải, thuộc đất Đông tác. Bà Trịnh còn đưa cả 1 khu mộ phần giao phó cho phường Đông Tác thôn Trung Tự và con nuôi làm khế ước… Con cháu sau này không được nhận bừa đất này và không được rời mộ phần đi. “Nếu kẻ nào làm trái sẽ bị Đại Vương tru diệt…”
Chùa Trung Tự được trùng tu nhiều lần vào các năm 1892, 1894, 1925 nên mang đậm dấu ấn của phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đến năm 1947 chùa bị quân Pháp phá. Năm 1951, sư trụ trì Thích Đàm Châm cho xây lại chùa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là cơ sở cách mạng, nơi che dấu cho cán bộ cách mạng về hoạt động ở nội thành. Sư trụ trì Thích Đàm Châm đã tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, nhiều năm là Uỷ viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và rất tích cực trong công tác xã hội.
Vào cuối tháng 12 năm 1972, khi máy bay Mỹ ném bom hủy diệt khu phố Khâm Thiên, chùa Trung Tự là một trong những nơi lánh nạn của nhiều gia đình mất nhà cửa. Vì vậy, chùa đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.
Kiến trúc cảnh quan
Chùa quay về hướng Tây Nam, cổng chùa giáp mặt con phố Đê La Thành chạy song song với phố Xã Đàn. Tổng thể kiến trúc của chùa gồm Tam Bảo, Nhà Tổ, Nhà Bia, Vườn Tháp,…
Toà Tam Bảo xây theo kiểu hai tầng 8 mái gồm Tiền Đường 3 gian 2 chái và Phật Điện 3 gian, kết cấu theo kiểu chữ “Đinh”. Các chạm trổ trong chùa theo chủ đề cỏ cây hoa lá và các đường triện. Tượng tại Phật Điện được bố trí thành nhiều lớp.
Nhà Tổ là nếp nhà 3 gian 2 dĩ, gian bên phải thờ sư Tổ, gian bên trái thờ Quận chúa Trịnh Thị Thuần. Tượng Quận chúa cao 40cm, hai bên đặt tượng thị nữ theo hầu. Trước cửa điện có một quả chuông đề “Phúc Long tự chung” đúc năm 1902 (niên hiệu Thành Thái 14).
Phía đầu hồi bên phải Nhà Tổ có gắn 3 tấm bia đá: Bia thứ nhất ghi công đức bà Lê Thị Hương, thôn Trung Tự, phường Đông Tác, đã cúng 3 sào ruộng được 20 nguyên tiền gửi hậu cho chùa vào năm Khải Định nguyên niên năm (1916). Bia thứ hai được dựng vào năm Khải Định thứ 10 (1925), do Chánh Lãnh binh Nguyễn Văn Đắc cung soạn. Bia thứ ba cũng lập năm 1925 ghi tên những người gửi hậu vào chùa. Phía đầu hồi bên trái có 4 tấm bia cũng của những người gửi hậu, tấm thứ nhất dựng năm Tân Tỵ 1941, tấm thứ hai dựng năm 1894; bia thứ ba chỉ có dòng chữ “Thành Thái Giáp Thìn niên, mạnh hạ nguyệt cát nhật” tức ngày lành tháng tư âm lịch mùa hè năm 1904; bia thứ tư ghi ngày lập vào năm 1894, trên bia ghi rõ người cúng tiến 60 quan tiền và 3 sào tư điền,…
Góc sân giữa Tam Bảo và Nhà Tổ là nhà bia và một ban Sơn Trang nhỏ.
Ngoài ra, còn có một tấm bia cổ dựng cạnh cửa vào góc sân giữa, sau bia là bệ thờ lộ thiên cao 1,7m với dòng chữ Hán “Duy nhạc giáng thần”. Văn bia ghi rõ lý do dựng chùa và bài văn ước về ruộng và các tiết cúng lễ của làng Trung Tự, soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741). Mặt trước bia nhắc đến công lao của Quận chúa Trịnh Thị Thuần, bên phải là bài ước của bà, bên trái là bài ước của dân làng ghi năm 1836 (Minh Mệnh 17).
Trong Vườn Tháp có 3 tháp mộ, tháp thấp nhất 2m, tháp cao nhất 3,5m.
Hiện vật
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Trung Tự vẫn bảo lưu được hệ thống di vật quý, hiếm, có giá trị lịch sử – văn hóa, mỹ thuật. Những pho tượng có giá trị nghệ thuật cao như: bộ tượng Tam Thế, tượng Thích Ca, tượng A Di Đà, tượng Quận chúa Trịnh Thị Thuần… được tạo tác đẹp, trau chuốt mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX. Bên cạnh hệ thống tượng tròn, chùa còn lưu giữ 9 bia đá, 2 quả chuông đồng cùng nhiều hoành phi, câu đối, cửa võng, cuốn thư, hương án,…
Xếp hạng
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992.
Chú thích
[1] Lưu Minh Trị (Chủ biên), Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 2, Nxb Hà Nội, 2010.
Tham khảo
- “Chùa Trung Tự (Phúc Long tự)”, website Đống Đa 360, truy cập ngày 31/10/2024
- “Chùa Trung Tự”, website Di tích lịch sử văn hoá Hà Nội, ngày 5/10/2017
- Đổng Thắng, bài viết “Chùa Trung Tự xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật” tại chuyên mục Di sản, chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, ngày 6/12/2018.
- Lưu Minh Trị (Chủ biên), 2010, Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 2, Nxb Hà Nội.