Chùa Từ Đàm (chùa Ấn Tôn, thành phố Huế – Thừa Thiên Huế)

Chùa Từ Đàm (chùa Ấn Tôn, thành phố Huế – Thừa Thiên Huế)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu


Chùa Từ Đàm cách trung tâm thành phố Huế chỉ 3km, là một trong những ngôi chùa danh tiếng. Chùa tọa lạc tại số 1, đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế. Xung quanh chùa là ngọn núi Kim Phụng cùng rất nhiều ngôi chùa và nhà thờ nổi tiếng khác.

Chùa Từ Đàm ban đầu có tên là Ấn Tôn, tính theo năm (1695) hoàn tất và đưa vào sử dụng cho đến nay đã hơn 300 tuổi. Tên gọi Từ Đàm có được từ thời Thiệu Trị, năm 1841 khi đó chùa được trùng tu và đổi tên. 

Từ Đàm mang theo ý nghĩa tốt đẹp đó là mây lành. Ý nghĩa lớn hơn đó là Đức Phật như mây lành mang bóng mây che chở cho nhân gian. Chắc có lẽ trong ý niệm của người đầu tiên chọn đất để dựng chùa đã nghĩ đến ý nghĩa và triết lý từ Phật mang đến cho thế gian, phổ độ chúng sinh, khai sáng tâm hồn và mang an lành đến cho nhân gian.

Lịch sử


Chùa Từ Đàm do Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn vào khoảng cuối thế kỉ XVII, và sau đó được đặt tên là chùa Ấn Tôn (印宗寺, hay Tông), với ý nghĩa là “lấy sự truyền tâm làm tông chỉ”. Năm 1702, nhà sư Liễu Quán (về sau cũng là một cao tăng) đến chùa, xin tham học với Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung. Năm 1703, Thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung cho trùng tu chùa. Cũng trong năm này, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển Sắc Tứ Ấn Tôn Tự. Sau khi Sư viên tịch, theo lời phó chúc, học trò của Sư là Thiền sư Thiệt Vinh – Bửu Hạnh làm Trụ trì chùa.

Năm 1802, nhà Tây Sơn bị đánh đổ. Khi ấy, vì thời gian và vì chiến tranh, chùa Ấn Tôn bị hư hại nặng như nhiều ngôi chùa khác trong vùng. Tuy nhiên, mãi đến năm Gia Long thứ 12 (1813), Thiền sư Đạo Trung – Trọng Nghĩa mới có thể tổ chức trùng tu chùa. Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên chùa Ấn Tôn thành Từ Đàm (do kỵ húy tên vua là Miên Tông), với ý nghĩa là “đám mây lành của Phật pháp”. 

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), nhà vua cho mở đường lên đàn Nam Giao. Vì đường này đi xuyên qua khuôn viên chùa Từ Đàm, nên vua ban lệnh cho Trụ trì là Thiền sư Thanh Hiệp – Tường Vân dời 5 bảo tháp chứa di cốt của chư Tổ sang khuôn viên chùa Báo Quốc ở gần đó. Có lẽ nhân dịp này, vị Trụ trì ấy lại cho trùng tu chùa.

Từ những năm 1920 trở về sau, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được phát triển ở cả ba miền. Trong quãng thời gian ấy, chùa Từ Đàmtrung tâm của phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Kỳ.

Năm 1932, An Nam Phật học hội (sau đổi lại là Hội Phật học Trung Việt) thành lập tại Huế…Đến năm 1936, chư sơn môn phái Lâm Tế đồng thuận giao chùa Từ Đàm cho hội ấy để làm nơi thờ phụng và làm trụ sở của hội.

Ngày 18 tháng 12 năm 1938, Tỉnh hội Phật học Thừa Thiên cho đại trùng tu chùa Từ Đàm, đồng thời cho đúc pho tượng Phật Thích Ca cùng các pháp khí để tôn trí trong chánh điện, đến năm 1940 thì hoàn tất. Các hạng mục khác như giảng đường, nhà tăng và một số nhà làm việc của Tỉnh hội cũng được xây dựng trong quãng thời gian ấy.

Năm 1943, Gia đình Phật Hóa Phổ ra đời; đến năm 1951, đổi thành Gia đình Phật tử, và đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm. Năm 1951, Đại hội thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã diễn ra tại chùa. Năm 1951, Hội nghị thành lập Hội Phật giáo Việt Nam (gồm 51 đại biểu của 6 tập đoàn Tăng già và cư sĩ ở ba miền) cũng đã tổ chức tại đây. Khi đó, Hội cũng đã phê chuẩn việc Hòa thượng Tố Liên thay mặt Hội ký tên gia nhập Hội Phật giáo thế giới. Vào những năm 1960, chùa Từ Đàm là trung tâm của các hoạt động đấu tranh chống lại chính sách tôn giáo dưới thời của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Hiện nay, tại chùa có đặt Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kiến trúc


Chùa Từ Đàm ban đầu chỉ là tịnh thất nhỏ làm bằng cây lá, sau nhiều lần trùng tu chùa mới có diện mạo như ngày nay. Khuôn viên chùa bao gồm: khu tiền đường, khu chính điện, khu nhà Tổ, tháp Ấn Tôn và Nhà lưu niệm

Đầu tiên là cổng tam quan cổ kính mang đầy dấu ấn lịch sử. Trụ cổng được làm bằng đá vững chắc, phía trên lợp mái. Theo quan niệm từ xa xưa, cổng tam quan sẽ là ý niệm về “tam giải thoát môn”. Khi con người thực sự hiểu được ý nghĩa của ba cửa này thì mới có thể thoát được những sân si, oán hận và đau khổ của cuộc đời để tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống. Bên phải sân (từ cổng nhìn vào) là cây bồ đề có nguồn từ Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ (tức nơi Phật Thích Ca thành đạo).

Khu tiền đường của chùa Từ Đàm Huế được xây dựng trên nền đất cao hơn, khoảng 1,5m so với các khu vực khác. Mái chùa cổ kính với những cặp rồng được chạm khắc uốn lượn đối xứng nhau đầy nghệ thuật. Ở phía dưới mái là những bức tượng Đức Phật đặt trên các bệ đá cao. Các cột trụ của tiền đường là những câu đối dài được chạm khắc tinh xảo. Hai bên tiền đường là hai lầu chuông trống được thiết kế hài hòa với tổng thể. Đi vào phía bên trong khu tiền đường, bạn sẽ thấy ngay tượng Đức Phật Thích Ca đang ngự trên đài sen, tay bắt ấn.

Khu chính điện được thiết kế, bày trí rất đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghiêm. Điện có chiều dài 42m, chiều ngang 35,9m. Gồm hai phần, dưới là tầng hầm làm hội trường, trên là ngôi chánh điện. Được thiết kế theo mô hình trùng thiềm điệp ốc, gồm ba gian hai chái, hai bên có lầu chuông và lầu trống. Đây là kiểu kiến trúc truyền thống của chùa Huế.

Phía trong khu vực này được đặt tượng Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni cùng hai bên là vị Bồ Tát Phổ HiềnVăn Thù. Phía bên phải chính điện là nhà kháchphòng tăng ni. Phía trước nhà khách có một khu vườn nhỏ và được đặt tượng bán thân của cư sĩ Tâm Minh – người có nhiều công lao với chùa, với phong trào phục hưng và phát triển Phật giáo Trung Việt. Ngay sau chính điện là khu nhà Tổ.

Tháp Ấn Tôn là một trong những tòa kiến trúc rất độc đáo của chùa Từ Đàm . Ngọn tháp này có chiều cao 27m, có 7 tầng và kiểu dáng nhỏ dần khi tới đỉnh tháp. Ở mỗi tầng sẽ thờ một tượng Phật bằng đồng. Dưới mái trước có năm khung hình chữ nhật bằng đá. Khung chính giữa là bức hoành sao khắc lại theo bức hoành “Ấn Tôn Tự” của chùa xưa. Còn bức hoành nguyên bản làm vào năm 1703 vẫn còn và đang được treo bên trong chánh điện.

Nhà lưu niệm (là nhà thiền) đối diện với nhà Tổ, tại đây, ngay cửa giữa phía trong có treo bức hoành đề “Từ Đàm tự”, lạc khoản “Thiệu Trị nguyên niên tam nguyệt”, tức tháng 3 năm 1941. Bên trong gian giữa ở trước thờ long vị và sau thờ di ảnh cố Hòa thượng trụ trì – Thích Thiện Siêu (1921-2001). Nhà này để kính nhớ về Ôn Từ Đàm, bậc Thiền sư xuất chúng đã từng sống, viết sách, dịch kinh và khuyên dạy tứ chúng đệ tử tại thiền đường cũ giống như nhà này.

Chuông chùa đúc vào thời Gia Long, đề 4 chữ “Ấn Tôn Tự Chung”. Chuông nặng khoảng 300kg, hiện nay vẫn được bảo lưu tại chùa Từ Đàm. Nhân dịp trùng tu vào ngày 26 tháng 7 năm Đinh Hợi (2007) chùa Từ Đàm đúc quả chuông khác, đề 4 chữ “Từ Đàm Tự Chung”. Chuông này nặng 1500kg, tôn trí ở lầu chuông của chùa và hiện đang sử dụng.

Những đóng góp lớn


Chùa Từ Đàm đã và đang đóng góp sứ mệnh lịch sử của mình cho việc bảo tồn, phát triển Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam. Chùa Từ Đàm cũng là nơi in đậm các diễn biến lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam:

  • Chấn hưng Phật giáo vào giai đoạn 1930-1945.
  • Thống nhất Phật giáo ba miền Trung Nam Bắc năm 1951.
  • Chống kỳ thị Phật giáo dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963.
  • Một trong 3 trung tâm vận động thống nhất Phật giáo năm 1981.

Chùa Từ Đàm đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, vẫn luôn mang lại nhiều giá trị tinh thần, văn hoá cho người dân xứ Huế và khách du lịch.

Tham khảo


  • https://www.vntrip.vn/cam-nang/chua-tu-dam-xu-hue-75405
  • https://tinhhoaxuhue.com/van-hoa/chua-tu-dam
  • https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_T%E1%BB%AB_%C4%90%C3%A0m
2/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)