Vị trí, tên gọi
Chùa Từ Đàm có tên chữ là 慈 曇 寺 (Từ Đàm tự) tọa lạc tại số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế. Chùa cách cửa Ngọ Môn 3,4km về phía Bắc.
Lịch sử
Vào khoảng năm 1690, thiền sư người Trung Quốc là Minh Hoằng – Tử Dung sang Thuận Hóa khi qua núi Long Sơn dừng lại lập am tu bằng tre lá, về sau am tu được biến cải thành chùa có tên là Ấn Tôn tự với ý nghĩa lấy sự truyền tâm làm tông chỉ.
Đến năm 1703, thiền sư Liễu Quán đến chùa, xin tham học với thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung. Cùng năm đó chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho tấm biển Sắc Tứ Ấn Tôn tự.
Thời Tây Sơn, do chiến tranh tàn phá chùa bị hư hại nặng nề, đến năm Gia Long thứ 12 (1813) thiền sư Đạo Trung – Trọng Nghĩa tiến hành trùng tu chùa.
Cho đến năm 1841, do kỵ húy tên vua Miên Tông nên nhà vua đổi tên chùa thành chùa Từ Đàm với ý nghĩa đám mây lành của Phật pháp.
Năm Thành Thái thứ 9 (1897) vua cho mở đường lên Đàn Nam Giao, con đường này đi xuyên qua khuôn viên chùa Từ Đàm. Vì vậy, vua ban lệnh cho Trụ trì là Thiền sư Thanh Hiệp – Tường Vân dời 5 bảo tháp chứa di cốt của chư Tổ sang khuôn viên chùa Báo Quốc ở gần đó.
Từ năm 1938 – 1940, Tỉnh hội Phật học Thừa Thiên cho đại trùng tu chùa Từ Đàm và tiến hành đúc tượng Phật Thích Ca để thờ tại chính điện.
Kiến trúc
Chùa Từ Đàm ban đầu chỉ là tịnh thất nhỏ làm bằng cây lá, sau nhiều lần trùng tu, diện mạo của chùa hiện nay gồm: tam quan, chính điện, tháp Ấn Tôn 7 tầng và nhà Hội
Tam quan: Cổng được xây vào năm 1965, kiến trúc tam quan gồm bốn cột tạo thành ba ô cửa, cửa chính rộng, hai cửa nhỏ hai bên. Cửa chính và hai cửa phụ được lợp ngói thanh lưu ly, chính giữa nóc mái cửa tam quan gắn bánh xe luân hồi, đầu các góc mái trang trí văn kỷ hà. Chính giữa cổng tam quan gắn biển tên chùa bằng chữ quốc ngữ “Chùa Từ Đàm”.
Chính điện: Nằm cao hơn sân chùa 1,5m. Kết cấu nhà chính điện làm theo kiểu nhà rường gồm 5 gian hai chái, hai bên là lầu chuông, lầu trống xây theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, hai tầng 8 mái, lợp ngói hoàng lưu ly. Chính giữa trang trí hình hổ phù đội bánh xe pháp luân, hai đầu góc mái gắn tượng rồng trong thế quay đầu vào mặt hổ phù ở giữa mái. Đầu guột gắn tượng long, ly, quy, phượng khảm gốm nhiều sắc màu. Giữa hai tầng mái có các ô hình chữ nhật trên có đắp chữ Hán 印 宗 寺 (Ấn Tông Tự) và các bức tranh Phật giáo. Chính giữa gian chính điện ở tầng cao nhất là tượng Thích Ca đang tọa trên tòa sen, tay bắt ấn giáo hóa thủ ấn. Hai gian bên là phù điêu tượng Văn Thù bồ tát và Phổ Hiền bồ tát. Phía sau chính điện là nhà Tổ, nơi đặt bài vị và ảnh các vị trụ trì chùa Từ Đàm trong lịch sử.
Trong khuôn viên chùa, nằm ở bên trái cổng tam quan là tháp Ấn Tôn, tháp được khởi công xây dựng vào năm 2008 đến năm 2010 thì hoàn thành. Tháp có chiều cao 27m gồm 7 tầng và được xây dựng theo hình bát giác, các tầng xây theo lối nhỏ dần tới đỉnh tháp. Trong mỗi tầng của tháp có đặt tượng Phật đúc bằng đồng.
Phía bên phải chính điện là nhà khách và phòng Tăng. Trước nhà khách có một vườn hoa nhỏ. Ở giữa vườn đặt tượng bán thân (bằng thạch cao trắng) cư sĩ Tâm Minh (người có nhiều công lao với chùa và phong trào phục hưng và phát triển Phật giáo miền Trung).
Ngoài ra, phía bên phải sân chùa (từ cổng nhìn vào) là Hội quán rộng lớn, gồm 10 gian phòng, cao 2 tầng. Tầng dưới của Hội quán hiện được dùng làm Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Di vật
Trong chùa hiện nay ngoài hệ thống tượng thờ, cửa võng gỗ được chạm trổ tinh xảo còn lưu giữ bức hoành “Sắc tử Ấn Tông Tự” với lạc khoản “Thiên vận Quý Mùi sơ xuân cát đán” (1703) do chúa Nguyễn Phúc Chu ban, bức hoành “Từ Đàm Tự” lạc khoản “Thiệu Trị nguyên niên” (1841) và quả đại hồng chung khắc “Gia Long tuế thứ Quý Dậu niên mạnh hạ tam thập nhật Mùi thời chú” (1813).