Vị trí
Chùa Từ Lâm có tên chữ là 慈林寺 (Từ Lâm tự) nằm ở số 27 đường Trần Thái Tông, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Chùa cách cửa Ngọ Môn 4,9km về phía Bắc.
Lịch sử
Chùa Từ Lâm do Thiền sư Từ Lâm khai sơn vào nửa sau thế kỷ XVII cuối đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1649-1687). Từ Lâm lão tổ là vị Thiền sư người Trung Hoa, đến xứ Thuận Hóa hoằng pháp theo thỉnh cầu của chúa Nguyễn, khi qua ngọn đồi thuộc dãy Hoàng Long Sơn có dựng một An Trú Thiền thất tu luyện.
Vào năm Đinh Sửu (1697) ngài Liễu Quán thọ Cụ túc giới với Từ Lâm lão tổ tại An trú Thiền thất trên núi Hoàng Long trong 3 năm. Sau khi Từ Lâm lão tổ viên tịch, thiền sư Liễu Quán rời Thiền thất vân du khắp xứ Thuận Hóa để tầm sư học đạo. Thiền thất khi đó bị bỏ hoang không người coi sóc. Phải đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), có đại sư Tế Ngữ Chánh Dõng (đệ tử đắc phong trực tiếp của Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán) tiến hành trùng kiến chùa Từ Lâm thành một trong những chốn uy nghiêm.
Năm Tự Đức 19 (1866), Tùng Thiện Vương đến chùa Từ Lâm cư ngụ và dựng “Phương Thốn Thảo Đường” để ngày đêm tịnh tu, làm thơ, chăm sóc vườn cảnh. Qua các đời trụ trì (ngài Đạo Thành Thanh Chứng, ngài Tánh Minh Chiêu Hy, ngài Hải Liêm Bảo Kế, ngài Thanh Liêm Hoàng Nhu, ngài Trường Chiếu Chánh Tâm…) chùa đều được trùng tu sửa chữa. Tuy nhiên, dưới sự tàn phá của chiến tranh chùa lại lâm vào tình trạng đổ nát, cho đến năm 1989 thầy Thích Huệ Phước từ tổ đình Tường Vân ra nhận chùa và từng bước kiến tạo lại ngôi cổ tự trở nên khang trang như hiện nay.
Kiến trúc
Kiến trúc chùa Thiền Lâm hiện nay bao gồm các công trình kiến trúc: tam quan, chính điện, trai đường, khách đường, tăng xá và nhà trù.
Tam quan: gồm bốn cột đá hình tròn tạo thành 3 khoảng cửa, cửa to ở giữa, hai cửa nhỏ hai bên. Các cột đá (2 cột cao ở giữa, 2 cột thấp ở hai bên) đều có phần đỉnh thu nhỏ bên trên đề câu đối chữ Hán. Chính giữa cửa chính là bức đại tự chữ Hán bên trên gắn tượng hổ phù đang đội bánh xe pháp luân. Hai cửa bên trang trí hoa văn mây lá, bên trên gắn tượng hình rồng.
Chính điện: Kết cấu nhà chính điện làm theo kiểu nhà rường gồm 3 gian hai chái, hành lang chạy xung quanh. Kiến trúc xây theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, hai tầng 8 mái, chính giữa móc mái trang trí hình hổ phù đội bánh xe pháp luân, các đầu góc mái trang trí hoa văn mây lá. Giữa hai tầng mái có các ô hình chữ nhật, trên có đề chữ Hán. Ô chính giữa đề 3 chữ Hán 慈林寺 (Từ Lâm tự). Bên trong chính điện, vị trí gác lửng đặt tượng tam thế, bên dưới đặt tượng Thích Ca sơn son thếp vàng, phía trước là tượng Quan Âm chuẩn đề. Hai bên là tượng Đại Thế Chí và Quan Thế Âm. Phía đầu hồi đặt 2 tượng hộ pháp bằng đá cẩm thạch trắng.
Phía sau chính điện là nhà thờ tổ, nơi đặt tượng tổ sư Đạt Ma, bài vị của các đời trụ trì và di ảnh người thân của các gia đình gửi giỗ lên chùa.
Ngoài các công trình kiến trúc kể trên, khuôn viên của chùa còn có tháp mộ của vị trụ trì thứ 38 chùa Từ Lâm là hòa thượng Đạo Thành Thanh Chứng và các dãy nhà khách, nhà tăng xá, nhà trù… được thiết kế theo phong cách nhà rường truyền thống Huế.
Di vật
Trong chùa hiện nay ngoài hệ thống tượng thờ còn có nhiều bức hoành phi câu đối được sơn son thiếp vàng cùng nhiều bức cửa võng gỗ được chạm trổ tinh xảo.