Chùa Từ Quang (Bạch Thạch Tự – Tuy An, Phú Yên)

Chùa Từ Quang (Bạch Thạch Tự – Tuy An, Phú Yên)

Thông tin cơ bản

Chùa Từ Quang (Bạch Thạch Tự hay Chùa Đá Trắng) ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Bắc. Chùa nằm trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên còn được gọi là chùa Đá Trắng.

Lược sử


Năm 1793, Hòa thượng Pháp Chuyên (còn gọi là Diệu Nghiêm), hiệu là Luật Truyền Hòa thượng, đời thứ 36 phái Lâm Tế đã xây dựng một thảo am để dịch kinh Hoa nghiêm. Bốn năm sau (1797) từ một ngôi thảo am, Hòa thượng cho xây dựng thành một ngôi chùa mái lá đồ sộ, bề thế thuộc loại nhất nhì ở Phú Yên lúc bấy giờ. Về sau, chùa được triều đình ban tặng nhiều phẩm vật quý, trong đó có chiếc chuông đồng đúc năm 1804.

Năm 1842, quan Án sát Nguyễn Văn Lý cho dựng ở chùa 1 tấm bia đá, trên đó khắc bài thơ ca ngợi địa phương và phong cảnh chùa.

Năm 1888, Hoàng thái hậu Từ Dũ ban tặng cho chùa một tấm bia. Năm 1899, vua Thành Thái ban “Sắc tứ” và từ đó chùa có tên “Sắc tứ Từ Quang Tự”.

Năm 1929, chùa bị hỏa hoạn cháy rụi. Năm 1988 chánh điện được xây dựng lại như hiện nay, bên trong chánh điện có quả đại hồng chung nặng 330 tấn được thiền sự Pháp Ngữ (trụ trì đời thứ 8) ra Phú Xuân kinh đô Huế đúc năm 1915.

Qua hơn 300 năm tồn tại, chùa Đá Trắng đã có nhiều vị danh sư trụ trì, đặc biệt trong đó phải kể đến là thiền sư Huệ Nhãn – người đã có công lớn trong việc huy động tăng tín đồ Phật tử góp công góp sức xây dựng con đường lát đá từ quốc lộ 1A dẫn lên chùa đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Kiến trúc


Nằm ở độ cao gần 100m so với mực nước biển, Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên có địa thế cực kỳ đặc biệt, nổi bật với những khối đá trắng phau bao quanh lại càng tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của chùa. Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng) Phú Yên có tên chữ là Bạch Thạch tự hoặc Từ Quang tự hay Linh Quang tự vốn được tạo lập từ năm Đinh Tỵ – 1797 dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn

Chùa Từ Quang có diện tích trên 5.000 m², nổi tiếng với khu tháp mộ đồ sộ phía tây chùa. Mỗi tháp mộ có kích thước, kiến trúc khác nhau, ở phía trước đều ghi khắc công lao của các vị hòa thượng khai sáng và trị vì ngôi chùa này. 

Các bảo tháp tại chùa được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo , từ tượng hổ hay tượng kỳ lân đều toát lên sức mạnh với nhiều tư thế dáng vẻ khác nhau. Khu mộ tháp cổ là bộ phận quan trọng tạo nên chỉnh thể độc đáo của Chùa Đá Trắng.

Cảnh trí của chùa rất đặc sắc, xung quanh là núi cao và rừng rậm âm u, phía dưới là dòng sông lớn. Con đường thiên lý Bắc – Nam chạy ngang giữa cảnh núi, sông này, khí thiêng sông núi tụ hội.

Trong chiến tranh mặc dù chùa đã bị phá hoại và phải xây dựng lại gần như hoàn toàn mới, tuy nhiên chùa vẫn giữ được một số đường nét kiến trúc như thuở ban đầu. Đến đây bạn sẽ ấn tượng ngay với cổng vào chùa, khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn và có lối kiến trúc cổ độc đáo. Những phiến đá lát lớn tạo nên con đường quốc lộ 1A lên cổng chùa cũng có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Những viên đá được đẽo khéo léo, công phu với nhiều kiểu dáng khác nhau, nối dài hằng cây số đã cho thấy óc thẩm mỹ lẫn công tích lớn lao của người xưa.

Giá trị lịch sử


Xoài đá trắng cây di sản ở chùa Từ Quang

Chùa Từ Quang còn nổi tiếng với món xoài đá trắng tiến cung, hương vị đặc biệt vừa thơm vừa ngọt dịu. Món xoài chùa Từ Quang đã đi vào ca dao, huyền tích như: “Bạch thạch yêm ba, Nhị bảo ngự thiên”, hay câu ca dao “Muốn lên Đá Trắng ăn xoài, muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì”, hay câu cửa miệng “Xoài Đá Trắng, sắn phường Lụa”…

Hội nghị bí mật Võ Trứ – Trần Cao Vân năm 1898

Chùa Đá Trắng rằm tháng 7 âm lịch. Bổn đạo thập phương về chùa rất đông dự lễ Vu Lan. Lợi dụng cơ hội này, lãnh tụ Võ Trứ triệu tập một cuộc họp bí mật tại chùa. Trần Cao Vân nhận được tin, thấy Võ Trứ quá nóng vội trong hành động, nên dù bệnh tình trầm trọng ông vẫn lên võng cho người khiêng rời Bình Định vào Phú Yên dự họp khẩn cấp.

Ngôi chùa Đá Trắng chứng kiến thêm một sự kiện đẫm máu bi tráng vì nền độc lập tự chủ của dân tộc. Đúng như dự liệu của quân sư Trần Cao Vân, cuộc khởi nghĩa non của lãnh tụ Võ Trứ dưới lá cờ “Minh trai chủ tể” đã thất bại nặng. Vũ khí thô sơ, nghĩa quân lại chưa có kinh nghiệm chiến trận, không thể đương đầu lại với súng đạn hoả lực mạnh của quân Pháp. Ngày nay, tại chùa Đá Trắng có lập riêng ngôi miếu nhỏ để thờ hai chí sĩ yêu nước Võ Trứ – Trần Cao Vân cùng các nghĩa quân đã bỏ mình vì nước. 

Thành tựu


Chùa Từ Quang đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử – nghệ thuật cấp quốc gia ngày 23/01/1997.

Tham khảo


  • https://mia.vn/cam-nang-du-lich/chua-tu-quang-chua-da-trang-phu-yen-co-tu-dau-tien-cua-xu-nau-2095#menu-3
  • https://toquoc.vn/phu-yen-chua-tu-quang-chua-da-trang-99235402.htm

 

 

 

Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)