Vị trí
Chùa Vĩnh Nghiêm (Vĩnh Nghiêm tự), còn có tên gọi khác là chùa Bỉm, vì chùa nằm dưới chân núi Bỉm, thuộc làng Quang Biểu, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm ngay sát nơi hợp lưu ngã ba sông Mã và sông Bưởi, là nơi có phong cảnh như thực, như hư, trời mây non nước luôn hòa quyện.
Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trong quần thể di tích của làng Quang Biểu, Phúc Tường. Quần thể di tích này dưới chân núi Tú Sơn gồm: Chùa Vĩnh Nghiêm, Nghè (Đền) thờ Quản Gia Đô Bác Đại Vương, đình làng Quang Biểu, khu Văn chỉ thờ Đức Khổng Tử, Võ chỉ thờ Quan Vân Trường…
Lược sử
Được cảnh trí thiên nhiên ban tặng cùng với các công trình văn hóa đình, đền, chùa, nghè, văn chỉ… do con người của hàng trăm thế hệ tạo dựng nên. Tạo cho nơi đây một không gian văn hóa tâm linh vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đủ mọi tầng lớp trong xã hội cũng như mỗi người, mỗi gia đình khi có nhu cầu khác nhau.
Trong khuôn viên chùa hiện nay và rải rác dọc bờ sông vẫn còn sót lại những mẩu gạch ngói từ thời Trần, Lê. Trong chùa, hiện còn rất nhiều hiện vật và đồ thờ cổ xưa, chân tảng (đá kê cột) thuộc các chủng loại và thời kỳ khác nhau. Một tấm bia đá trên lưng rùa và nhiều mảnh bia vỡ không còn rõ chữ nên không đọc được.
Kiến trúc
Khi mới dựng, khung chùa bằng gỗ lim, mái lợp tranh. Vào năm 1897, trong làng xảy ra một trận đại hỏa tai, nhiều nhà dân, đình, chùa, nhà Mẫu đều bị cháy rụi, chỉ trừ ngôi Nghè xây tường gạch, lợp ngói ở khoảng cách xa, nên không bị cháy. Sau đó, chùa, nhà Mẫu được xây dựng lại bằng gạch ngói bán kiên cố, vẫn trên nền đất cũ, nhưng với quy mô nhỏ hẹp hơn.
Những năm sau này do điều kiện kinh tế phát triển, sự tích góp của nhà chùa và công đức của tín đồ thập phương nên đã làm lại chùa. Nhà Mẫu, nhà Tổ, gác chuông, tam quan, tháp các vị tổ sư, tạo nên một không gian kiến trúc hài hòa, đường nét hoa văn cực kỳ tinh xảo, nhiều di vật còn sót đến ngày nay khiến ta không khỏi sững sờ thán phục tài nghệ của cha ông.
Đến năm 1940, chùa được trùng tu tôn tạo lại một lần nữa, khuôn viên chùa được mở rộng tới 5 sào Bắc bộ (2.500m2). Khu nội tự chiếm diện tích khoảng 3 sào, kiến trúc đẹp đẽ, trang trí công phu, trang nhã. Theo các cụ già trong làng kể lại, khu nội tự gồm: tiền đường, nhà Mẫu, nhà khách, nhà kho, nhà ỏ cho các sư sãi, nhà bếp… Tổng cộng có khoảng 30 gian nhà kiên cố, đều xây tường, lợp ngói và làm bằng gỗ tốt.
Phía bên phải, từ cổng Tam quan nhìn vào, cách đó vài chục mét là hai ngôi tháp cổ xây bằng gạch đá ong, chiều cao khoảng 6 m, rộng mỗi cạnh 2 m. Tháp hai tầng, bốn mái, cân xứng hài hòa rất đẹp. Tương truyền rằng đó là tháp thờ xá lợi vị tổ sư thứ nhất và thứ hai. Cạnh tháp là đôi rồng đá dài hơn 1 m, hiện nay chỉ còn lại một con.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn khá nguyên vẹn, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khá đông đúc. Đầu những năm 1960, chùa vẫn còn tới 30 gian nhà dùng làm trường học, nhà kho của hợp tác xã. Đến thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chùa mới bị phá hủy hoàn toàn.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa có quy mô đồ sộ, to lớn của tỉnh Thanh Hóa thời kỳ trước năm 1945. Chùa được làm bằng gỗ tốt, xây tường, lợp ngói, có thời điểm có tới hơn 10 vị sư Ni tu học tại đây.
Trong những năm gần đây, với sự công đức của nhân dân địa phương và khách thập phương, chùa Vĩnh Nghiêm đang từng bước được trùng tu tôn tạo. Đến nay, đã xây được nhà khách, nhà Tổ. Nhà Tiền Đường đang xây dựng lại trên nền móng cũ.
Chùa Vĩnh Nghiêm có nhiều hiện vật cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật… vẫn còn lại trong chùa và khuôn viên chùa.
Trong tương lai, khi chùa Vĩnh Nghiêm được khôi phục, tôn tạo và được sự quan tâm của các ngành, các cấp có thẩm quyền, chùa Vĩnh Nghiêm sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách và là nơi còn nhiều di tích, huyền tích, huyền thoại để nghiên cứu về các mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đất này.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016