Chùa Vĩnh Thái (Văn Lâm, Hưng Yên)

Chùa Vĩnh Thái (Văn Lâm, Hưng Yên)

Thông tin cơ bản

Văn Lâm là một vùng có nhiều di tích lịch sử văn hóa trong đó có chùa Vĩnh Thái. Chùa được xây dựng trên một vùng đất cổ. Đầu thế kỷ XIX, thôn Ngọc Lịch, xã Nghĩa Trai, tổng Nghĩa Trai, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, trấn Kinh Bắc. Ngày nay chùa Vĩnh Thái thuộc thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Trùng tu

Chùa Vĩnh Thái được khởi dựng từ bao giờ thì cho đến nay chưa ai biết được chính xác. Nhưng theo lời kể của nhân dân địa phương và như nội dung trên bia do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính biên soạn năm Tân Tỵ (1641) thì chùa Vĩnh Thái được trùng tu lại với quy mô lớn hơn vào năm Quý Dậu (1633). Điều đó chứng tỏ rằng chùa Vĩnh Thái đã có từ trước đây rất lâu. Nội dung bia có đoạn như sau:

Đương thời có bà đệ tam cung tần hầu trong vương phủ tên là Phạm Thị Ngọc lãnh, phát hiện là Mậu công và tiền lệnh tử quận chúa là Trịnh Thị Ngọc Đỉnh, cùng trồng cây phúc gây nền nhân. Tích đức làm thiện, tự bỏ của nhà mà không ngại tốn hao. Đến ngayd 23 tháng Mười năm Quý Dậu nhằm giờ Mùi khởi công, xây dựng lại ngôi chùa cổ là nơi danh lam để thờ Phật và kèm thêm cả nhà ăn. Tên chùa là Vĩnh Thái. Lại làm cả hậu đường và hai bên hành lang toàn bằng gỗ tứ thiết, thật là một công trình to lớn quy mô và khéo léo, so với công đức của người xưa thì gấp nhiều lần. 

 Vị trí

Chùa Vĩnh Thái nằm trên thế đất rồng chầu, hổ phục phía sau có sông hồ bao quanh (sông Nghĩa Trụ), phía trước có đường lớn thông suốt (nay là quốc lộ 5). Chùa có Tam quan tám mái, trước Tam quan có nhiều cây cổ thụ và tháp, tại đây có hai hàng cây đa đặc biệt độc đáo đầu rồng đuôi tôm tạo thành thế long vờn ngọc. Ngôi chùa mang kiến trúc hình chữ Quốc, đây là một công trình khép kín với quy mô rộng lớn và đồ sộ. Ngoài vẻ đổ sộ và rộng lớn, chùa Vĩnh Thái còn chứa đựng cả một hệ thống tượng pháp mang giá trị tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê.

Nghệ thuật điêu khắc

Trong hậu cung tam tòa Phật điện, lớp trên cùng là ba pho tượng tam thế được xếp ngồi cùng nhau, pho ở giữa được đặt cao. Nét chung cơ bản dễ nhận thấy ở ba pho tượng tam thế chùa Vĩnh Thái là hình khối cân đối, vững chắc theo bố cục hình tháp, không cao nhưng bệ vệ. Cả ba pho tượng đều mang nhiều nét khái quát theo quy định chung của tượng Phật, nhưng khuôn mặt nào cùng phảng phất nét chân dung nữ tính thuần hậu, không cường điệu mà gần gũi. Đỉnh đầu tượng nổi khá cao thành một khôi tròn như bát úp gọi là nhục kháovô đính kiến tướng. Theo như thuyết lý nhà Phật thì tướng này không thể thấy bằng mắt thường vì nó ở thể phách, chỉ có thần nhân hoặc thiên nhân mới thấy được. Dưới nhục kháo là tóc xoắn ốc, hình tháp với khuôn mặt bầu bĩnh. Tượng có tai lớn, chảy dài biểu hiện cho sự sang quý, mũi thẳng đầy đặn tướng của quý nhân quân từ, mắt khép hờ nhìn xuống đỉnh mũi biểu hiện sự tập trung tư tưởng để soi rọi một nội tâm trầm mặc, sâu lắng, nham diệt trừ tà dục để bảo trì chân tâm ư diệu. Cổ tượng cao vừa phải, đầy đặn có ba ngấn. Thân mặc áo cà sa nhiều lớp, ông tay áo dài rộng, vạt áo phù qua lòng đùi, chân ốp sát vào hông, chảy xuống mặt bệ. Cả ba pho tượng đều ngồi trong tư thế kiết già trên đài sen. Riêng pho quá khứ, tay phải để trên đầu gối, tay trái xếp ấn gia tài bổn tôn để làm tăng trường cái bản thể chân tâm, cũng có nghĩa là phù trợ và giữ gìn cái tâm Phật. Hai pho còn lại tay để trên lòng đùi theo thế kết ấn thiền định, biểu hiện sự chiến thắng diệt trừ mọi ma quỷ.

Sau dưới ba pho tượng Tam thế là lớp tượng Di Đà tam tôn, được làm to hơn hẳn. Tượng A di đà, được thể hiện ngồi trong thế kiết già với bàn chân lộ trên lòng đùi, một thế ngồi khiến thân tâm không bị lay động. Bên trái A di đà là tượng Quan thế âm Bồ Tát, đại diện cho tứ đại Từ – bi – hỷ – xả. Bên phải A Di Đà là Đại thế chí Bổ tát đại diện cho tứ đại Hùng – lực – trí – tuệ. Hàng tiếp sau Di Đà tam tôn là tượng Quan Âm chuẩn đề, đầu đội mũ thiên quan, mặt bầu bĩnh, hai má nở đầy đặn mang vẻ sang quý, mắt khép hời, sông mũi thẳng, miệng hé mở, cổ tròn ba ngấn, tai lớn dài. Tượng bao gồm có một đôi tay chính và 5 đôi tay phụ, đôi tay chính đặt phía trước ngực với thế ấn quyết chuẩn đề, 5 đôi tay phụ được để trần thon thả. Tất cả các tay phụ đều đang cầm linh Phật hoặc bắt quyết. Tượng trong tư thế ngồi xếp bằng tròn trên đài sen theo thế liên hoa tọa hay kiết già toàn Phật.

Dưới pho tượng Chuẩn Đề là tượng Thế Tôn niêm hoa. Tượng ngồi trên bệ hình lục lăng, các mặt đều có trang trí long vân cách điệu. Xung quanh hai dãy tượng Chuẩn Đề và đức Thế Tôn là tượng tứ vị Bồ Tát, mỗi dãy có hai pho. Tiếp đến là dãy tượng thờ Ngọc Hoàng thượng đế, xung quanh là tượng Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát và hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng Ngọc Hoàng đội mũ bình thiên, mặt trái xoan mắt mở tự nhiên, tai như lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh, tượng mặc áo long bào có điểm xuyết trang trí các linh vật như hổ phù, rồng phượng, mây… tay áo rộng các nếp gọn sóng chảy xuống đùi. Cùng dãy với tượng Ngọc Hoàng còn có tượng Văn Thù và Phổ Hiển. Dãy cuối cùng trên tòa Phật điện là tòa Cửu Long, đặt ở giữa bên trong là tượng Thích Ca Sơ sinh. Sau cùng là một bệ thờ, trên có một bát hương bằng đá lớn có kích thước 60 x 60cm, trang trí hoa văn rồng chầu mặt nguyệt. Phía ngoài là tòa tiền đường, ở đây tượng được bố trí đăng đối ở hai bên bao gồm có tượng Đức Ông, tượng Thánh Hiền và hai pho Hộ pháp: Khuyến Thiện, Trừng Ác.

Bia đá

Sau Phật điện là nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu. Trước cửa Phật điện là hai bia đá, một được tạo vào năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781) và một tạo vào năm Tân Tỵ (1641). Cả hai được trang trí cầu kỳ, sinh động, trên trán bia là hình rồng chầu mặt nguyệt, giữa và xung quanh diềm bia là hoa dây cách điệu. Bia được kế trên lưng rùa đá, đầu ngẩng cao, phần tiếp giáp giữa thân bia và đế bia chạm cánh sen cách điệu.

Dấu tích lịch sử

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, được sự giúp đỡ của sư cụ Thích Đàm An, nhân dân địa phương đã lấy đây làm nơi che giấu bảo vệ cán bộ cách mạng, cho đào hầm cất giấu vũ khí, mở hội nghị tuyên truyền nhân dân đóng góp sức người, sức của, hũ gạo kháng chiến.

Chùa Vĩnh Thái được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 27 tháng 4 năm 1999.

Tham khảo 

  • Trích “Phật giáo Hưng Yên xưa và nay”, tác giả Nguyễn Đại Đồng, Nxb Văn học, 2012, tr. 269-273.
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)