Chùa Vĩnh Yên (TP Thanh Hoá)

Chùa Vĩnh Yên (TP Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Vĩnh Yên thuộc làng Vĩnh Yên, xã Quảng Thành xưa, nay là thành phố Thanh Hóa là một trong những nơi thờ Phật tiêu biểu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Phật ở vùng đất này, đó là ngôi chùa cổ còn lại dấu tích đến ngày nay.

Đối với làng Vĩnh Yên, chùa Vĩnh Yên đã đóng vai trò như một thực thể sống động có tác dụng quan trọng đối với đời sống cư dân cộng đồng làng xã, trong quá trình xây dựng quê hương đất nước. Ngày nay cho dù chùa Vĩnh Yên đã bị phá hủy, nhưng những gì còn lại trong sử sách, trong dấu tích và cả trong trí nhớ người già ở đây cho thấy sự hòa quyện giữa Phật giáo với các tín ngưỡng cổ truyền khác… là biểu hiện một phần tâm hồn Việt Nam, bản sắc Việt Nam của một cộng đồng dân cư nơi đây trong lịch sử.

Chùa Vĩnh Yên nằm về phía tây nam làng Vĩnh Yên. Đây là nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp. Trước chùa nhìn về phía tây là cánh đồng trồng lúa màu của xã Quảng Thành nhìn về làng Kiều Đại – nơi có núi Kỳ Lân Sơn (Kỳ Lân Sơn hay còn gọi là Ngọc Nữ) nằm trên đất làng Mật Sơn, và chùa Đại Bi nổi tiếng do Lê Thần Tông cho xây dựng để thờ Phật, sau khi vua qua đời thì chùa thờ vua Lê Thần Tông và 6 bà Phi thuộc 6 dân tộc khác nhau.

Những dấu tích cũ

Về đất đai. Hiện tại khu vực đất đai của di tích còn nguyên vẹn, chưa sử dụng vào mục đích khác, có diện tích khoảng 5000m2, bao gồm nền móng chùa Chính, sân chùa, cổng Tam quan, nhà Tổ, nhà Mẫu, Giếng chùa…

Về di vật

– Rùa đá có kích thước: chiều dài 0,55m; chiều rộng 0,40m; chiều cao 0,25m.

– Rùa bị gẫy đầu có kích thước: chiều dài 0,55m; chiều rộng 0,45m; chiều cao 0,30m.

– 02 cột đá có kích thước bằng nhau: vuông 0,15m, chiều cao cột 1,55m.

– 01 chân tảng có kích thước: vuông 0,35m

– 01 đá tảng có kích thước vuông 0,30m

– 02 đế chân cột có kích thước: vuông 0,30m, cao 0,15m

– Nhiều mảnh gạch, ngói, gốm sứ có niên đại thời Lê

Tượng thờ trong chùa: gồm có ba pho tượng Tam Thế, ba pho tượng Di Đà tam tôn, tượng Quan Âm, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni… Ở trong khuôn viên chùa Vĩnh Yên có nhà thờ Mẫu, tức nữ thần Mẹ.

Về sau, do những những thăng trầm của lịch sử, do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chùa bị hư hoại hoàn toàn.

Đến ngày 31/3/2013, Đại đức Thích Tâm Định được bổ nhiệm trụ trì chùa. Dưới sự dẫn dắt của Thầy trụ trì, được chính quyền địa phương, nhân dân và du khách thập phương công đức tiền bạc, công sức tôn tạo lại ngôi chùa trên khu đất cũ với quy mô rộng lớn, thoáng mát, đẹp đẽ đáp ứng được nhu cầu hành lễ và sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con nhân dân ở vùng đất này.

Trong sinh hoạt văn hóa còn có hội chùa, bên cạnh hội đình, hội đền còn có những nghi thức Phật giáo như tụng kinh lễ Phật, chạy đàn, phóng sinh… Nhưng vì chùa Vĩnh Yên không chỉ có thờ Phật mà còn thờ Mẫu nên qua hội chùa ở đây ta thấy rõ sự dung hợp tín ngưỡng tôn giáo rộng rãi và cởi mở. Trong hội chùa Vĩnh Yên có nhiều hình thức tổ chức sinh hoạt vui chơi như thi ném pháo, trò thi nấu cơm gắn liền với lễ cầu mùa, hội thi làm bánh lá, bánh dày.

Trải qua biến thiên của lịch sử, chùa Vĩnh Yên cũng đã từng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Và hôm nay cho dù ngôi chùa đã bị phá hủy, mới được phục dựng lại trên nền đất cũ nhưng những hiện vật, tượng thờ đã bị thất lạc do sự biến thiên của thời gian thì ngôi chùa Vĩnh Yên vẫn là một thực thể sống động trước mắt, nhằm bảo tồn những giá trị vĩnh hằng của sức sống văn hóa ở một vùng đất của xứ Thanh.

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016 
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)