Chùa Vồm (Đại Hùng tự – TP Thanh Hoá)

Chùa Vồm (Đại Hùng tự – TP Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Vồm ở phường Thiệu Khánh, Thành phố Thanh Hóa là tên gọi nôm của dân gian, còn tên chữ Hán của chùa là “Đại Hùng tự và Đại Khánh tự”. 

Kiến trúc

Chùa Vồm (chùa Đại Hùng) theo sách xưa đã chép vừa là một thắng cảnh rất thơ mộng, vừa là một công trình kiến trúc có giá trị được xây dựng chí ít là khoảng đầu thời Lê. Trải qua bao năm tháng thời gian và những biến động của lịch sử, chiến tranh cùng thời tiết khắc nghiệt, ngôi chùa cổ với 9 tầng tháp cao vời vợi và chiếc cầu đá cong vắt qua hồ bán nguyệt… đã không còn nguyên vẹn. Nhưng rất may, là về qui mô, kiến trúc của thời Lê – Nguyễn còn lại cho đến nay vẫn là một công trình kiến trúc nghệ thuật hết sức giá trị về nhiều phương diện. 

Đây chính là một di tích có quy mô kiến trúc khá bề thế. Từ bên ngoài đi vào là hệ thống tường và cổng Tam Quan, vào tiếp nữa là hồ bán nguyệt và chiếc cầu cong bắc qua. Đi qua cầu là đến sân chùa. Hiện chùa vẫn còn đủ Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. Đây là dạng kiến trúc theo kiểu tiền nhất, hậu đinh

Hậu cung của chùa dựa hẳn vào vách núi rộng 3,45m và sâu chỉ có 0,85m là đến vách đá. Vách đá được đục chạm trực tiếp pho tượng A Di Đà (theo dạng phù điêu nổi chứ không phải tượng tròn) có kích thước lớn (rộng 3,10m, cao 6m). Đây là pho tượng Phật được đục trực tiếp vào vách đá có kích thước lớn nhất từ trước đến nay ở Thanh Hóa và ở Việt Nam. Và đó là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá nổi tiếng và vô cùng giá trị ở chùa Vồm. Rất tiếc là tượng đã bị sơn thếp vàng trong thời gian gần đây. 

Vì chùa được xây dựng trên địa hình chân – sườn và vách núi nên từ xa nhìn lại, ai cũng có cảm giác như chùa nằm lọt trong lòng vách núi. Sách sử xưa mô tả ở chân núi Vồm (Bàn A) có một động nhỏ chính là ở chỗ này. Hiện nay ở sát cạnh chùa vẫn còn cửa để đi vào động. 

Ở trên đỉnh núi Bàn A, chỗ chùa Vồm, theo sườn núi đi lên còn có một miếu nhỏ thờ Sơn Thần. Nếu trèo lên đây để nhìn xuống chùa và rộng ra xa thì sẽ thấy toàn bộ cảnh trí của Bàn A sơn thập cảnh như sách xưa đã mô tả. 

Hiện tại, với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự công đức của thập phương, chùa Vồm (Đại Hùng tự) đã được trùng tu, tôn tạo tương đối hoàn chỉnh. Tiếng chuông chùa từ đây vẫn ngân đều, vọng xa để mời gọi du khách và Phật tử bốn phương về tụ hội mỗi ngày một đông hơn. 

Và từ những năm 2000 trở đi, chùa Vồm và Bàn A sơn đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn trên địa bàn xứ Thanh. Nếu được sự quan tâm đầu tư hơn nữa của Nhà nước (nhất là về đường xá và sự trùng tu, tôn tạo đúng nguyên tắc của Luật Di sản Văn hóa) thì chắc rằng chùa Vồm và Bàn A sơn sẽ mang lại nguồn lợi đáng kể cho vùng đất thắng địa đáng yêu này. 

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)