Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Xuân Dục có tên chữ là 崇 恩 寺 (Sùng Ân tự) nằm ở vị trí 3WW3+789 thuộc thôn Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa cách Bưu điện Hà Nội 13km về phía Đông Bắc.
Kiến trúc
Chùa quay hướng Nam, nhìn về phía sông Thiên Đức. Chùa gồm các hạng mục: tam quan, nhà tam bảo.
Tam quan gồm 3 cửa, cửa chính rộng ở giữa, 2 cổng nhỏ hai bên. Các cửa đều được thiết kế hai tầng, tầng trên làm theo kiểu phương đình 2 tầng tám mái, lợp ngói đỏ, chính giữa nóc mái gắn quầng lửa, hai đầu góc gắn con Kìm với phần đầu hóa rồng, đuôi uốn cong. Tàu mái uốn cong trang trí rồng, tầng trên cửa chính có treo một quả chuông lớn. Tầng dưới trổ cửa mái vòm hai bên là các trụ biểu bên trên trang trí phượng cách điệu.
Qua sân gạch rộng là đến nhà tiền đường, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, chính giữa gắn đại tự chữ Hán 崇 恩 寺 (Sùng Ân tự). Nền nhà cao hơn mặt sân 20cm, được lát gạch Bát Tràng. Tiền đường gồm 7 gian xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng. Hệ thống tượng tại tiền đường được bố trí bên phải phía ngoài là tượng hộ pháp Trừng ác và ban thờ Đức Thánh Hiển. Đối diện phía bên kia là tượng hộ pháp Khuyến Thiện và ban thờ Đức Ông.
Nối tiếp nhà tiền đường là hậu cung gồm 3 gian có kết vì theo kiểu chồng rường, nền nhà cao hơn toà tiền đường khoảng 80cm, lát bằng gạch men. Gian giữa xây bệ giật cấp đặt hệ thống tượng phật, dọc hai bên hồi thượng điện là tượng thờ Thập Điện Diêm Vương.
Di vật
Ngoài hệ thống tượng thờ, hiện chùa còn lưu giữ một số hoành phi, câu đối và các đồ thờ tự có giá trị khác.
Tài liệu tham khảo
Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, tài liệu lưu hành nội bộ.