Tên gọi và vị trí địa lý
Cụm di tích Đình, Đền, Chùa La Vân nằm giữa làng thuộc thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thời xưa thôn La Vân được gọi là La Miên đến năm 1841 thời vua Minh Mạng vì kiêng tên húy vua hiến tổ nhà Nguyễn1 làng mới đổi tên thành La Vân. Dân gian xưa còn gọi cụm di tích theo nhiều tên khác nhau như: đền La Miên, đình La Miên, La Miên Linh từ, Bảo Long Am từ.
La Vân một làng nổi tiếng với nghề ươm bèo hoa dâu cổ truyền, từ những trước những năm 1970 ở vùng quê lúa Thái Bình. Mảnh đất này còn lưu giữ được một quần thể kiến trúc quy mô hoành tráng gắn liền với sự tích Quốc sư Nguyễn Minh Không và những lễ hội dân gian đặc sắc. Cụm di tích là một quần thể kiến trúc lịch sử từ thế kỷ XI – XII, là di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh quý hiếm ở mảnh đất làng La Miên.
Tại đền La Vân vị Thánh tổ được thờ ở đây là Quốc sư Nguyễn Minh Không, ông là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo, vị thiền sư nổi tiếng của triều đại nhà Lý trong lịch sử, được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng và cũng là ông tổ nghề Đông y Việt Nam.
Đền La Vân cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 35km, mất hơn 1h đồng hồ đi xe, tính từ trung tâm theo lộ trình lái xe từ QL39B, Võ Nguyên Giáp, QL10 và ĐT 217/ĐT396B đến Quỳnh Hưng, đi thẳng đến Đoàn Nguyễn Thục và đến xã La Vân.
Quốc sư Minh Không
Lý Quốc Sư là tên gọi theo quốc tính họ Vua do nhà Lý ban cho, tên hiệu là Nguyễn Minh Không, Cha ông là Nguyễn Sùng người Đàm Xá (Ninh Bình), mẹ là Dương Thị Mỹ quê Phả Lại (Quảng Ninh).
Ông thuộc Đời thứ 13, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi2, là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử, là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam, được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng và cũng là ông tổ nghề Đông y Việt Nam.
Hiện nay có rất nhiều tư liệu viết về Quốc sư Minh Không, mỗi tư liệu lại viết khác nhau, cụ thể:
Trong cuốn sách Thiền Sư Việt Nam viết: “Sư tên Nguyễn Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định”.3
Sách Địa dư huyện Quỳnh Côi, 1933 lại nói: “Lý-triều Quốc sư tên huý ngài là Nguyễn-Chí-Thành, tên hiệu là Minh- Không thuyền-sư, ngài quán ở làng Đàm xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình”.4
Thiền uyển tập anh chép: “Quốc sư Minh Không (1066-1141) chùa Quốc Thanh, Trường An (tức đất huyện Yên khánh, tỉnh Ninh bình ngày nay), người làng Đàm xá, Đại hoàng (xã Đàm xá, huyện Gia viễn, tỉnh Ninh bình ngày nay),họ Nguyễn, tên Chí Thành”.5
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có nhắc đến:“Nhà vua đã khỏi tật; ban hiệu quốc sư cho Minh Không. Nhà vua có tật, thầy thuốc chữa không công hiệu; Minh Không chữa khỏi; được ban hiệu quốc sư. Lại miễn tô dịch cho vài trăm hộ để cho Minh Không được quyền sử dụng. Minh Không: Người huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, làm sư chùa Giao Thủy”.6
Theo văn bia ở đền La Vân: “Trù Thủ tự Bảo Long am bi ký/Tổ Phật thị điền bi ký” 廚首寺寶隆庵碑記/祖佛市田碑記 có nội dung thông tin Quốc sư Phù Vân, họ Nguyễn tên Chí Thành, người xã Đàm Xá, huyện Gia viễn, phủ Trường An” 7, tức xã Đàm xá, huyện Gia viễn, tỉnh Ninh bình ngày nay. Căn cứ vào văn bia được lưu giữ tại đền, đây có thể là thông tin đáng tin cậy nhất để kết luận về nguồn gốc của ông.
Hồi trẻ ông theo học đạo từ Thiền sư Đạo Hạnh, cho phép theo hầu. Trải qua 17 năm trời làm việc cực khổ, ngài được khen có chí, bèn sâu ấn hứa và cho tên Minh Không.
Năm 1136 nhà vua mắc bệnh lạ, bao nhiêu danh y trong nước đến cứu chữa nhưng không khỏi, đến khi thiền sư minh không được triệu về đã chữa khỏi bệnh cho vua, vì kính phục pháp thuật của thiền sư, nhà vua phong sắc cho ông làm Quốc sư.
Ông còn được biết với cái tên gọi ông tổ nghề đúc đồng, điều này bắt nguồn từ việc sang Minh quốc lấy đồng, cưỡi nón vượt biển mang về, dùng đồng đó đúc 20 thước ở chùa Phả Lại, thỉnh 3 tiếng vang tận nước Tống, từ đó nghe danh nhiều người từ bốn phương về xin làm thần tử.
Minh Không được tôn xưng: Thánh Tổ Đại Vương, Nam Thiên Thánh Tổ, Nam Việt Phật Tổ, Đại Pháp Thiền sư, dân gian từng ca ngợi và Minh Không như Thánh, Thần, Tiên, Phật. Các nơi thờ Ông đều có những dấu tích ca ngợi thông qua các văn bia, câu đối.
Đến năm Đại Định thứ 2 (1141) đời Lý Anh Tông, Quốc sư mất, thọ 76 tuổi. Khi ông mất rồi được rất nhiều đền chùa thờ phụng.
Ở văn bia Thủ tự Bảo Long am bi ký tại chùa La Vân có khắc vào đá bài thơ về Quốc sư Nguyễn Minh Không để lưu truyền lại
Minh rằng:
Trời mở vận nhà Lý, thời gặp ông họ Nguyễn
Kim Xỉ học đạo
Tiên thuật tinh thông
Chặn sông lấp biển
Nhổ cây rời núi
Đứng đầu trăm vua
Tạo dòng muôn đời
Bảo vệ xã tắc
Đạo đế thêm sùng
Danh lam Trù Thủ
Xe ngự Bảo Long
Uy quang giáng ứng
Khẩn cầu ắt nghiệm
Nghe ấy vô cùng
Trông ấy mênh mông
Quốc triều tán thưởng
Tự điển gia phong
Nguy nga gác vàng
Tạo tác chuông lớn
Phúc truyền hậu duệ
Ơn thấm cháu con
Công ấy đức ấy
Vô lượng vô cùng
Lịch sử
Thiền sư Minh Không không chỉ nổi tiếng vì đã chữa bệnh cho vua, thánh tổ đúc đồng mà còn là người có công xây dựng rất nhiều ngôi chùa trên nước Đại Việt. Sau khi tu hành đắc đạo, sư Minh Không trở về quê nhà ở Ninh Bình, dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở Phả Lại (Bắc Ninh), Giao Thủy (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình) để tu hành, trong suốt cuộc đời, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt.
Sau khi chữa bệnh cho vua, ông trở về Đàm Xá kiến lập cung đình, khi đến La Vân ban đầu dựng một cái am mái lợp bằng rạ gọi là Bảo Long để tu hành. Dân làng La Vân lúc đó rất nghèo, ông mua tự điền ngoài hai trăm mẫu, giao cho người dân Đàm Xá. Nhờ ông mà từ đó đời sống dân làng bắt đầu trở nên ấm no hơn.
Lý triều quốc sư ngọc phả lục chép: “Minh không đã hoá, người dân Đàm Xá cùng nhân dân gia thần các phủ làm biểu dâng lên Thần Tông. Thần Tông nghe biết, bèn xa giá thân đến tôn phong làm Quốc pháp Thiền sư, phụng ban 300 tiền xanh, hành lễ tam tính tế tạ. Lại hạ chiếu cho thần dân, gia thần các ấp trong thiên hạ tuân chỉ tại Đàm Xá, nơi Minh Không hoá thành lễ nghinh thần hiệu, lập miếu phụng thờ”. Có thể đây là những tư liệu quý báu để có thể biết về lịch sử của cụm di tích làng La Vân và những công lao to lớn của vị Quốc sư triều Lý – Nguyễn Minh Không.
Kiến trúc
Khu di tích Đình, Đền, Chùa La Vân tọa lạc trong khu vực có khu cư dân sinh sống, với không gian rộng lớn, thoáng đãng. Phía bên phải của khu vực là hồ nước, trong khi phía bên trái là sân bãi. Kiến trúc hiện đại của di tích này là kết quả của công cuộc trùng tu lần cuối diễn ra vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935). Khu di tích bao gồm 3 phần khu công trình là Đình, Đền, Chùa, tất cả đều được sắp xếp trong một khuôn viên theo kiểu “Tiền công, hậu đình”, bao gồm tổng cộng 8 toà lớn nhỏ.
Đình La Vân
Đình La Vân là nơi thờ vị thành hoàng làng Uy Minh Đại Vương, ông là Người có công lớn trong việc quy dân khai phá lập nên thôn ấp và đình còn là nơi thờ vị hậu thần là cung phi Vũ Thị Ngọc Tấn, bà là vợ của chúa Trịnh Tạc người có công tu bổ, sửa chữa đình cũ. Phía trước đình là hai dãy cây xanh trên nền xi măng đây là con đường dẫn vào đình La Vân.
Trước đình ở đường dẫn lối vào đình có trồng cây cổ thụ lâu năm, cây có tán rộng, thân cây có kích thước bằng 2 vòng tay người lớn.
Kiến trúc đầu tiên của đình cổng nghi môn 3 cửa 4 trụ, cổng gồm cửa ra vào chính ở giữa hai bên là hai cổng phụ. Cửa chính có hai cột trụ cao khoảng 4m tạo thành, không có cửa đóng và không có mái che, cấu trúc dạng trụ cột, mỗi cột trụ vuông có 4 mặt, ở thân trụ mỗi mặt có khắc nổi những chữ hán, phần đầu của cột trụ có kiến trúc trụ biểu hình lồng đèn, phần lồng đèn được trang trí hoa văn chim phượng hoa lá. Đỉnh của hai cột trụ có gắn hình con nghê quay mặt vào nhau, đầu hướng lên trời.
Từ cửa chính nối với hai bên cửa phụ bằng bức tường dài, bên trái có khắc nổi chữ hán “Phúc”, bờ tường bên trái có khắc chữ “Lộc”, các phần bờ còn lại được trạm trổ những ô vuông có thể nhìn thông qua nhau.
Hai bên cửa phụ có chiều cao khoảng 3m, diện tích chiều ngang bằng 1 sải tay người lớn, 2 tầng mái, tầng mái phía trên diện tích nhỏ hơn tầng 1, được lắp mái giả bằng xi măng. Nối giữa cổng chính và 2 cổng phụ hai bên là bức tường lửng trang trí xây kiểu thông gió không bịt kín, các ô thông gió ở bờ tường trang trí hoa chanh.
Qua cổng nghi môn là tới sân gạch rộng, lát gạch đỏ, đây là khoảng sân để diễn ra các hoạt động cộng đồng tại đình. Bên trái và bên phải là hai dãy toà nhà Tả Mạc và Hữu Mạc đều xây kiểu hồi văn cánh bảng, kết cấu vì chồng rường, đầu bẩy đỡ hiên, mỗi bên toà nhà đều có 5 gian 2 chái và có 24 cột đỡ tòa nhà. Bức tường mặt trong của hai tòa đều được trổ cửa sổ hình vuông, có thể nhìn xuyên thấu ra ngoài.
Hai bên dãy Tả/Hữu được nối với toà Tiền đường bằng 2 cánh cổng ra vào phụ nhỏ ở hai bên, cổng phụ lại nối với bức tường lửng tiếp đến là toà Tiền đường, bề mặt bức tường chạm nổi hình hai con voi quay hướng vào nhau.
Nằm ở sân trước toà Đại đình có hai con sấu đá nằm hai bên, toà nhà Đại đình mang phong cách thời Nguyễn, với cấu trúc chữ công, nền nhà cao hơn nền sân gạch 20cm, toà có 3 gian 2 chái, kết cấu 4 hàng chân cột, trên cột còn được vẽ chạm khắc hình rồng lượn, các gian có cửa bức bàn kín bằng gỗ. Gian giữa là có cánh cửa duy nhất có sử dụng cửa thượng song hạ bản.
Hệ thống 2 vì gian giữa dựng kiểu giá chiêng, 2 bên giá chiêng là chồng rường, các họa tiết trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Gian thờ giữa được tạo thành hai cột gỗ, trên thân cột có treo 2 bức câu đối, trên có cửa võng sơn thếp vàng, trang trí hình rồng, chim phượng, hoa lá, phía trên cửa võng là bức hoành phi có khắc 4 chữ “Thánh thọ vô cương” có nghĩa là thánh thọ vô cùng.
Trên ban thờ được trưng bày 2 hình chim hạc kích thước lớn đặt hai bên, đứng bên cạnh chim hạc là tượng hình giống con sư tử bằng gỗ đang hướng mặt lên trời, ở gian giữa còn được dựng 4 cây lọng thờ màu vàng hoạ tiết thêu hoa, rồng.
Ở phía gian bên trái có trưng một ngai thờ bằng gỗ, dưới chân ngai có khắc nổi hình hổ phù, hai tay ngai là khắc hình rồng, bên trên ngai thờ có đặt một bài vị, xung quanh bài vị được trang trí rất nhiều hoạ tiết, rồng, mây, hoa lá.
Trong đình đặc biệt còn dành riêng một gian để thờ kiệu long đình với hoạ tiết dày đặc các hoạ tiết rồng, chim phượng, hoa, lá cành, đây là kiệu gỗ để rước trong lễ hội đình La Vân.
Phía sau Đại đình là gian thiêu hương (ống muống) nối liền với Tam Bảo, đây là dãy nhà cuối của Đình La Vân. Phần mái của đình La Vân được lợp mái mũi hài, các đầu đao được gắn rồng uốn cong lên trời, nóc mái gắn 2 con kìm (Lạc long quỷ quái), còn ở bờ chảy gắn con sô đắp bằng xi măng.
Chùa La Vân
Trước ngôi Chùa là khoảng sân rộng, lát gạch, có cây cối xung quanh, trước chùa có một bức tường bình phong xây bằng gạch, trang trí hoa văn và trạm cửa sổ ô hình bát giác hình chữ thọ theo phong cách thời Nguyễn. Nền tòa nhà cao hơn nền sân 3 bậc, hai bên thành bậc có gắn hình rồng ngậm ngọc, toà Tiền đường rộng 3 gian 2 chái với 6 cột đá, các cột đá đều được chạm khắc chữ hán.
Hai bên đầu hồi bít đốc có hai trụ cột hình vuông, mặt trụ có khắc chữ hán, trên đỉnh trụ có gắn hình búp sen.
Cấu trúc chùa cũng xây theo chữ công như ở đình. Kiến trúc vì làm kiểu thượng giá chiêng, hạ quang đèn, hệ thống đầu dư và thanh rường đều chạm lá lật. Các đầu bẩy phía sau chạm bong kênh, lá lật, rồng, nét chạm sắc sảo.
Đây là tòa nhà dành riêng cho các tượng Phật, toà Phật tương đối rộng, xây kiểu hồi văn với nhiều đường chạy nghệ thuật trên cột và rường. Toà này thường có nhiều tượng Phật được thờ cúng và các tượng thường mang phong cách và niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, thời xưa quốc sư Nguyễn Minh Không tu luyện phật pháp đầu tiên tại chùa La Vân.
Bên trong tòa nhà ở gian giữa có những cột cái bằng gỗ có kích thước lớn làm trụ, trên thân cột treo các bức câu đối, ở hàng cột thứ hai có gắn liền với cửa võng theo dạng trổ thủng các hoạ tiết, ở giữa có bức cuốn thư, toàn bộ cửa võng được khắc hình rồng, chim phượng, hoa lá, trên cửa võng là bức hoành phi ghi “Trù Thủ Tự”.
Ban thờ có các tượng Quan âm Nam Hải (quan âm thiên thù) với 11 tay, tượng A- di- đà ngồi trên tòa sen, hai bên trái phải là tượng ông hộ pháp Khuyến Thiện – Trừng Ác và nhiều bức tượng khác.
Đền La Vân (đền Thánh)
Toà nằm phía sau Đình La Vân là đền La Vân (đền Thánh), đây là nơi phụng thờ Quốc sư Triều Lý – Nguyễn Minh Không, người có nhiều công lao trong lịch sử Phật học Việt Nam và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Việt thế kỷ XI, XII.
Kiến trúc đền gồm 3 tòa, 1 toà thờ chính và 2 toà cổng ra vào, toà đền chính kiến trúc kiểu hồi văn cánh bảng, trước nhà có xây toà hình vuông nối liền với tòa đền chính, có 3 cửa 3 hướng, trạm vẽ hoa văn hoa lá, chim phượng, trên mái có trụ biểu ghi chữ hán “Thiên Thánh”, hai bên đầu hồi đắp nổi con phượng hàm thư, ghép mảnh sứ.
Bên trong kết cấu vì theo kiểu kèo cầu chúa báng, 7 chéo. Gian giữa là gian thờ có ngai thánh tổ Nguyễn Minh Không, kết cấu 2 cột gỗ tạo thành, cửa võng đền dài 3,2m cao 0,6m, chạm tứ linh, tứ quý, sơn thếp vàng. Ban thờ xây 3 cấp bậc ốp đá hoa, các bậc để bát hương và các đồ thờ cúng. Hai gian hai bên là thờ thân phụ và thân mẫu của ông.
Hai bên trái, phải của đền là 2 cổng ra vào, lợp mái mũi hài.
Miếu
Bên trái cạnh đền có một ngôi miếu, xây theo kiểu 3 cửa, cửa ở giữa và cửa bên phải là để ra vào, còn cửa bên trái được xây kín, trổ cửa sổ thông gió ở giữa. Trên mái ngôi miếu được xây bức đại tự theo kiểu cuốn thư có đề 3 chữ hán “Phúc Hà Sa” mang ý nghĩa phúc nhiều ngang với số cát trên sông Hằng, toàn bộ ngôi miếu được sơn màu vàng, bên trong có các bức tượng thờ.
Lễ hội
Làng La Vân nổi tiếng về nghề ương bèo hoa dâu, đây là làng duy nhất có nghề này, sau ba ngày Tết, sáng mùng 4, đình làng mở hội “ương bèo hoa dâu và trình nghề tứ dân”. Đây là ngày hội xoay quanh nghề nông và để tưởng nhớ tổ nghề bèo hoa dâu và ghi nhớ công lao truyền dạy lại nghề giúp dân làng cải thiện đời sống.
Ngoài ra lễ hội diễn ra tại đền La Vân là nơi tế lễ thành hoàng và thờ cả hậu thần, Diễn ra từ ngày 20 tháng ba âm lịch đến ngày 26 tháng 3 âm lịch hàng năm. Nhân dân làng La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình tổ chức lễ hội La Vân hàng năm để tưởng nhớ vị Quốc sư triều Lý – Nguyễn Minh Không người có công với dân làng.
Lễ hội tại đền La Vân thu hút sự chú ý bởi những hoạt động truyền thống độc đáo, như múa kéo chữ và diễn ca thánh tích, những nghi lễ cổ. Ngoài ra, các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ tướng, và đánh pháo đất, tục rước tế, tổ tôm điếm, chơi cờ người, chọi gà, đấu vật… cũng tạo nên không khí sôi động. Đặc biệt, trò múa kéo chữ được duy trì không chỉ ở làng La Vân mà còn ở nhiều làng khác trong huyện Quỳnh Phụ, mang theo những chủ đề khác nhau, làm nổi bật lễ hội trong vùng.
Sau màn múa lân, múa rồng rộn rã, là lễ rước Thành hoàng làng về dự hội được tiến hành. đám rước được bắt đầu từ hậu cung đình ra miếu và chùa cổng sau đó trở về đình để làm lễ. Đội múa lân mở đường, sau đó là đội cờ, phát pháo. Tiếp theo là đoàn người đeo cờ, đánh trống, mang theo đồ bát bảo, nhang án và võng lọng. Sau đó là kiệu Thánh (Nguyễn Minh Không), kiệu Thần, kiệu Quan, kiệu Phật, kiệu Mẫu. Tiếp theo là đoàn quân biểu diễn múa kéo chữ, đoàn thực hiện lễ hành, đoàn đại biểu và đám đông tham gia hội.
Chiều ngày 26 tháng 3, dân làng sẽ tổ chức rước kiệu Thánh từ đình về miếu và làm lễ yên vị và kết thúc lễ hội.
Di vật
- Ở đình La Vân còn lưu giữ được bức hoành phi : “Đại Tự Thánh thọ Vô cương”, đôi phỗng cổ bằng gỗ từ thời Lý, hai đôi câu đối khảm trai có ghi công trạng, công lao của quốc sư Nguyễn Minh Không.
- Tấm bia “Vĩnh Khang (La Miên Trang?) Bi Ký” được thiết kế những con rồng uốn lượn dưới chân bia, Ngai, mũ, các bức hoành phi câu đối, gáo tắm thánh (chiều mùng 1 nhân dân tế lễ rước từ giếng làng tại chùa về nơi thờ Thánh, rạng sáng ngày mùng 2 dùng gáo nước để tắm cho ngài).
- Bia “Chùa Thủ tự Bảo Long am bi ký/Tổ Phật thị điền bi ký” 廚首寺寶隆庵碑記/祖佛市田碑記, Kí hiệu: 4176/4177
Thác bản bia sưu tầm tại đình xã La Vân tổng Quỳnh Ngọc huyện Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình. Thác bản 2 mặt, khổ 67x 128 cm, gồm 60 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 2500 chữ, có hoa văn, không có chữ húy, Niên đại: Đức Long thứ 5 (1633), người soạn và viết: Phạm Đăng Cử 氾登舉; nhà sư.
bia có nội dung: Tiểu sử thiền sư Nguyễn Minh Không. Theo Phù Vân quốc sư ngữ lục: Quốc sư Phù Vân người xã Đàm Xá huyện Gia Viễn phủ Trường An, theo học Từ Đạo Hạnh, đắc đạo đổi thành Nguyễn Minh Không. Về sau, vua Thần Tông mắc bệnh hóa hổ, ông đã chữa cho vua Lý Thần Tông khỏi bệnh, được nhà vua phong thưởng cho 20 mẫu ruộng. Ông kết nghĩa anh em với thiền sư Giác Hải, cùng ở tại chùa Viên Quang, đến ngày 1 tháng 8 ông viên tịch, được dân Giao Thủy, Vĩnh Lại tạc tượng thờ. Năm Hoằng Định thứ 8, trời nắng nóng đại hạn, dân tới cầu đảo được ứng nghiệm. Dân làng bèn rước tượng ngài về chùa Trù Thủ, phổ khuyến thập phương trùng tu chùa Hưng Long ở huyện Vĩnh Lại. Dân lại lập tòa từ đường để thờ phụng ngài. Năm Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5, bà Đế phi Bùi Thị Ngọc Dương, tì khưu Bùi Thị Ngọc Chức vận động các cung tần phủ chúa và các thiện tín cúng góp bạc trùng tu tòa điện Bảo Long gồm 1 gian 2 chái. Năm Vĩnh Tộ thứ 10 tiến hành đúc quả chuông, nhưng mãi không được. Đến năm Đức Long thứ 2, quan Thái bộc Thọ Lĩnh hầu người bản thôn là Nguyễn Văn Lâm vào cung xin sắc phong cho ngài là Thượng đẳng thần, sau đó vận động các quan ở Kinh đóng góp đồng thiếc để bù hao hụt của lần đúc chuông trước, đến năm Đức Long thứ 5 mới đúc thành công quả chuông nặng hơn 1000 cân. Có bài minh ca tụng nhà sư. Mặt sau kê các thửa ruộng do tín thí cung tiến. - Các Sắc phong có niên đại từ thế kỷ XVII đến cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX thời Lê Nguyễn, được làm từ chất liệu giấy gió. Trong đó có sắc phong “Sắc tổ phật tứ” có niên hiệu dương hoà năm thứ 5, được cấp cho chùa để phụng sự quốc sư Nguyễn Minh Không, nói về công trạng của ngài, cụ thể về đạo giáo thì ngài được phong là Đại Quốc sư, còn đạo phật ngài được suy tôn là Bồ Tát. Chữ “ tứ tử đại đại sa môn viên chính phù vân” tức là làng La Miên xưa có phạm huý với vua nên đổi thành La Vân, phù vân còn mang ý nghĩa là cánh bèo, ngày xưa nhờ công ơn của Thánh Nguyễn Minh Không nên mới có nghề nuôi bèo hoa dâu.
Xếp hạng
Cụm Di tích đền, đình, chùa La Vân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đây không chỉ là nơi để tận hưởng không khí tâm linh mà còn là điểm đến để tìm hiểu về lịch sử và tôn giáo, trải nghiệm làng nghề nổi tiếng.
Khi thăm cụm di tích đền, đình, chùa La Vân hãy tuân theo quy định và tôn trọng các hoạt động tôn giáo đang diễn ra tại chùa.
ghi chú
1. Thiệu trị (chữ Hán: 紹治 16 tháng 6 năm 1807 – 4 tháng 11 năm 1847), huý là Nguyễn Phúc Dung (阮福曧), sau cải thành Nguyễn Phúc Miên Tông (阮福綿宗), là vị hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn nước Đại Nam.
2. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, trang 81.
3. Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, trang 81.
4. Địa dư huyện Quỳnh Côi, 1933, Thư viện Quốc Gia Việt Nam.
5. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, thế kỷ 14 (1337), trang 129, Văn bia “Chùa Thủ tự Bảo Long am bi ký/Tổ Phật thị điền bi ký”.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương mục, chính biên, quyển IV, Nxv Giáo Dục – Hà Nội (1998), trang 161.
7. Thích Tâm Hiệp, Quốc sư Minh Không qua di sản văn hoá đền Thánh Nguyễn, Nxb Hồng Đức, trang 80.
Tài liệu tham khảo
-
- Trần Mạnh Thường (chủ biên), Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin (1999).
- Thích Tâm Hiệp (chủ biên), Quốc Sư Minh Không qua di sản văn hóa đền thánh Nguyễn, Nxb Hồng Đức (2021).
- Lê Mạnh Thát, Thiền Uyển Tập Anh, quyển Hạ, Nxb Đại Học Vạn Hạnh (1976).
- Nguyễn Quang Ân, Địa chí Thái Bình, Nxb văn hoá thông tin 2010.
- Ngô Vi Liễn, Địa Dư Huyện Quỳnh Côi (NXB Lê Văn Tân 1933).
- Thích Thanh Từ – Thiền Sư Việt Nam.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên.
- Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập.
- Viện văn hoá nghệ thuật quốc gia.
- Thạch Phương, 60 Lễ Hội Truyền Thống Việt Nam (NXB Tổng Hợp 2015).