Đền Bích Tiên (Đền Sét – Hoàng Mai, Hà Nội)

Đền Bích Tiên (Đền Sét – Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền Bích Tiên hay Bích Tiên phủ, Sòng Sơn thánh từ là những tên gọi khác của đền Sét. Đền tọa lạc ở vùng Kẻ Sét nay là số 11, ngõ 521 đường Trương Định, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Đó là cùng đất nổi tiếng với đặc sản “cá rô đầm Sét”. 

Lịch sử và nhân vật

Căn cứ vào tấm bia có niên hiệu Gia Long 7 (1808) ghi chép việc tu sửa chùa Đại Bi (chùa Sét) đã nói đến ngôi “Sòng Sơn thánh từ” có thể phỏng đoán rằng niên đại muộn nhất ngôi đền cũng vào thế kỷ XVIII. “Trong cuốn “Cuộc hành trình truyền giáo vào xứ Bắc” (1693) của linh mục Alexandre de Rhode ghi: “ở nam kinh thành Đông Kinh lúc đó, có một trại đất gọi là Kẻ Sét (CheSet), gia đình nhà chúa (tức chúa Trịnh) có giao cho một vương phi của mình cai quản làm thực ấp. Vương phi đã cho xây dựng ở đây một ngôi đền thờ Thần Phật. Một đêm, có một người điên lẻn vào bẻ gãy tay các pho tượng Phật thần ở trong đền. Bà vương phi này nghi cho giáo dân theo Cơ đốc giáo bèn tâu truyện này với chúa Trịnh…””[1] . Qua đó, ta biết được ở Kẻ Sét vào thời Lê trung hưng đã từng tồn tại một ngôi đền. 

Đền Sét thờ thánh mẫu Liễu Hạnh – một vị thánh trong “Tứ bất tử’ của thần điện người Việt. Nhà nghiên cứu văn hóa, GS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Có lẽ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Nữ thần – Thánh Mẫu được dân gian truyền tụng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết và cũng là vị thần linh được các nhà văn thơ Nho học, nhà văn Tây học để công san định thần tích, phóng tác thành tiểu thuyết về cuộc đời bà. Trong báo cáo của Vũ Ngọc Khánh tại Hội thảo khoa học về bà chúa Liễu Hạnh tại Văn miếu (Hà Nội) năm 1992 thì trong Thư viện Khoa học xã hội đang lưu giữ 25 đầu sách, trong đó có 17 đầu sách Hán – Nôm viết từ thế kỷ XII và 8 đầu sách viết bằng quốc ngữ và chữ Pháp viết nào nửa đầu thế kỷ XX viết về bà. Đó là chưa kể các công trình viết vào nửa sau thế kỷ XX đến nay. Đây thực sự là một kho tàng với nhiều thể loại văn học khác nhau.”[2]

Trong kho tàng huyền thoại, thần tích phong phú đó, tựu chung lại có 3 loại tư liệu khác nhau về thân thế của mẫu Liễu Hạnh.

Thứ nhất, những tư liệu truyện kể dân gian do nhân dân sáng tạo và truyền tụng với nhiều dị bản, mà điển hình là truyện về Công chúa Liễu Hạnh, do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và san định công bố trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, các huyền thoại về trận Sòng Sơn đại chiến, mà sau này được Nguyễn Văn Huyên san định và công bố trong bài viết “Nữ thần Liễu Hạnh”, in trong tập sách Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam của mình. Những truyện kể này thường đơn giản và chân chất.

Thứ hai, nguồn tư liệu Hán Nôm, mà mở đầu là tác phẩm Vân Cát Thần nữ truyện của Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (thế kỷ XVIII) và Tiên Phả dịch lục của Kiều Oánh Mậu và tiếp tục với hàng loạt các tư liệu khác chịu ảnh hưởng về phong cách và nội dung, trong đó đặc biệt chỉ đề cập đến hai lần giáng sinh của Thánh Mẫu ở Vân Cát (Phủ Dầy) và Nga Sơn (Thanh Hoá).

Truyền thuyết về Liễu Hạnh của Nguyễn Đổng Chi mô tả Liễu Hạnh là cô công chúa thứ hai của Ngọc Hoàng, tính tình ương ngạnh, xuống trần gian mở quán bán hàng, gây nhiều phiền toái cho người trần, kể cả với vua quan nhà Lê – chúa Trịnh. Vì sự lộng hành đó, triều đình đã phải mượn Bát Bộ Kim Cương dùng mưu lừa và bắt Công chúa, khiến cho Phật Bà Quan Âm phải nhờ tới phép thuật mới giải thoát được.

Công chúa cũng đã đáp lại một cách khẳng khái những lời kết tội của nhà vua, nhờ thế mà thoát tội. Từ đó Công chúa quy y, làm việc ban phúc, tán lộc cho người đời. Từ một cô gái xinh đẹp, nhưng tính tình ương bướng, thì với Đoàn Thị Điểm, nàng là Công chúa Quỳnh Hoa vì lỡ tay đánh vỡ chén ngọc trong ngày Hội đào tiên, nên bị vua cha quở phạt đày xuống trần.

Cách Công chúa Quỳnh Hoa giáng trần cũng khác. Một đằng, cô gái bướng bỉnh, khiến Ngọc Hoàng nổi giận đày xuống trần, thì với nhãn quan của một nữ văn sĩ thấm nhuần Nho học, Công chúa Quỳnh Hoa lỡ tay đánh vỡ chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng phạt giáng trần thông qua đầu thai vào gia đình Lê Thái Công, một gia đình danh gia, nho nhã, nơi mà sau này nàng được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục để trở thành cô gái không chỉ xinh đẹp mà còn đủ tài cầm, kỳ, thi, họa và đức công, dung, ngôn, hạnh.

Bằng tư tưởng Nho giáo nhuần nhuyễn, một bút pháp văn chương truyền kỳ điêu luyện và có chút ưu ái mang đầy chất nữ tính, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã tạo nên một hình tượng Liễu Hạnh Công chúa vừa xinh đẹp, tài hoa, đầy cá tính và trắc ẩn. Tính cách ham chuộng thơ văn, giao du rộng rãi, thích đàm đạo văn thơ của Công chúa Liễu Hạnh, mà sau này, dù Bà đã hiển linh và được phong thần, không hề có trong các truyền thuyết dân gian, phải chăng là bản sao của bản thân nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Để sau này, sự hiển linh của Nữ thần Vân Cát dưới dạng các bài giáng bút càng làm tăng chất linh thiêng pha lẫn chất thơ mộng của Bà.

Thứ ba, những năm gần đây, chúng ta biết thêm một số tư liệu Hán Nôm còn được lưu giữ ở Bảo tàng Nam Định, ở Phủ Nấp (Quảng Cung linh từ) thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định, như tấm bia Quảng Cung linh từ bi kí do Bắc Từ Nguyễn Đình Việp, tri huyện Đại An soạn năm 1741; Quảng Cung linh từ phả kí do Vũ Huy Trác soạn năm 1781; tác phẩm Cát Thiên Tam thế thực lục do nhóm tác giả Đoàn Triển, Tế tửu Quốc Tử Giám Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, Đốc học Bắc Ninh Nguyễn Xuân Thiều, Đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính, Đốc học trí sĩ Đặng Quỹ và Đỗ Huy Liệu,.. soạn và đề tựa văn 1993. Đặc biệt, nhóm tác giả này là người thuộc trấn Sơn Nam và bạn bè thuộc các tỉnh kế cận có mối quan hệ đặc biệt với Phủ Nấp, có những tri ân riêng với Thánh Mẫu. Trong các tác phẩm này, có thể coi Quảng Cung linh từ phả kí của Vũ Huy Trác (1781) có niên đại gần với Vân Cát thần nữ của Đoàn Thị Điểm.

Ngày nay, đền thờ thánh mẫu được dựng ở khắp nơi nổi tiếng nhất là ở đền Sòng (Thanh Hóa) và Phủ Dầy (Nam Định). Dân gian thường gọi bằng một cái tên nôm na: bà chúa Liễu và xem bà là vị chúa cai quản 10 phương đất ngang với các nữ thần cai quản rừng xanh và nữ thần sông biển. Tín ngưỡng thờ mẫu vốn là tín ngưỡng lâu đời của cư dân Việt. Dân làng Sét cũng dựng lên ngôi đền Sét để thờ bà chúa Liễu Hạnh.

Kiến trúc cảnh quan

Ngôi đền đã trải qua hai lần trùng tu lớn vào các năm: Gia Long 7 (1908) đã thay đổi lại hướng đền để phù hợp với ngôi chùa làng, năm 1930 trùng tu làm thay đổi kết cấu và vật liệu… Có thể nói, Bích Tiên phủ may mắn hơn chùa Sét và đình Giáp Lục đã không bị bom B52 của Mỹ hủy hoại vào cuối năm 1972. Từ đó đến nay, khuôn viên đã bị thu hẹp rất nhiều do sự biến động của xã hội. Kiến trúc hiện còn bao gồm đền chính kết cấu bê tông cốt thép nhưng vẫn mang dáng dấp cổ truyền của một di tích tín ngưỡng. Đền quay hướng Tây nằm sát đường vào làng, lầu thờ cô cậu đối diện bên kia đường.

Hiện vật

Hiện nay, di tích còn bảo lưu được một bộ sưu tập các di vật phong phú đa dạng gồm: 19 pho tượng thánh, tượng mẫu; một sắc phong ngày 17 tháng Hai niên hiệu Tự Đức 3 (1850); hương án; cửa võng; long ngai bài vị (8 cỗ); hòm sắc… Các di vật đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Chú thích

[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin, 2010, tr. 376.

[2] Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, tập 1, Nxb Tôn giáo, 2009, tr. 102.

Tham khảo

  1.  Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam, tập 1, Nxb Tôn giáo.
  2. TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin.

 

5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)