Tên gọi và vị trí địa lý
Hiện nay, đền Đầm Sen tọa lạc tại khu đất phía cuối làng Định Công Hạ, quay về hướng Tây, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Đền nằm cách đình và chùa Định Công Hạ khoảng 500m, sát về phía phường Đại Kim. Nhìn từ ngoài, ngôi đền như một ốc đảo nhỏ bên cạnh sông Lừ – một nhánh nhỏ của sông Tô Lịch, xung quanh là khu đầm nước trồng sen, xanh mát quanh năm, cùng với nhiều cây cổ thụ khác đã tạo cho khuôn viên di tích một không gian xanh mát.
Lịch sử và nhân vật
Theo truyền thuyết, đền Đầm Sen vốn được dựng lên để thờ bà Phương Nghi Hoàng hậu, là vợ của vua Hùng Nghị Vương, tức vua Hùng Vương thứ 17. Bà cũng chính là mẹ đẻ của chàng Công Sơ, vị Thành hoàng được thờ tại đình làng Định Công Hạ và Định Công Thượng. Khu vực đền Đầm Sen chính là khu hành cung do nhân dân lập để đón rước Phương Nghi Hoàng hậu khi bà đi du ngoạn qua đây. Bà đã sinh chàng Công Sơ tại đất này, được nhân dân chăm lo chu đáo, do đó vua Hùng Nghị Vương đã phong cho tên đất là “Định Công trang” và cho lập cung sinh từ. Sau khi bà mất, được triều đình phong tặng mỹ tự là Phương Nghi đoan trang trinh thục từ hạnh ý đức Hoàng hậu phi nhân. Nhân dân lập đền thờ bà chính tại khu sinh từ này.
Hiện không có nhiều tư liệu ghi chép về Phương Nghi Hoàng hậu. Căn cứ vào thần phả về chàng Công Sơ tại đình làng Định Công Hạ, được biết bà vốn tên là Xuyến Nương, người ở phủ Gia Lương, là một cô gái vô cùng xinh đẹp, nết na. Trong một lần đi săn bắn ở phủ Gia Lương, vua Hùng Nghị Vương trông thấy nàng xinh đẹp, mắt phượng, mày ngài… nên đã lấy nàng làm vợ. Nàng Xuyến Nương trở thành vợ vua, được phong làm Phương Nghi Hoàng hậu, đã sinh ra chàng Công Sơ tại đất Định Công. Phương Nghi Hoàng hậu đã có nhiều công lao giúp đỡ nhân dân Định Công qua cơn nguy khốn, đói khổ. Chàng Công Sơ con bà là người có nhiều công lao với nhân dân, đất nước, đã được thờ làm thần Thành hoàng tại Định Công. Phương Nghi Hoàng hậu cũng được nhân dân cung kính thờ tự tại ngôi đền Đầm Sen.
Câu đối tại bức bình phong bên trong di tích còn ghi:
Trăng soi bóng nước lung linh, trăm mẫu đầm sen hương thơm ngát;
Điện rộng nguy nga tráng lệ, thập phương chiêm lễ hưởng duyên lành.
Kiến trúc cảnh quan
Kết cấu kiến trúc công trình chính của đền có dạng chữ Đinh. Tiền Tế 3 gian và Hậu Cung 1 gian.
Nhà Tiền Tế được thiết kế hai tầng 8 mái, tầng mái dưới có các góc đao cong. Thực chất đây là một sự thay đổi một phần kết cấu mái hiên của Tiền Tế, phần khung kết cấu bên trong với các kẻ xó đều bằng chất liệu bê tông vôi vữa. Ứng với tầng mái hai, lui sâu về phía trong là phần Tiền Tế chính với 3 gian, tường hồi bít đốc. Các bộ vì có kết cấu tương tự nhau theo kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Nối hai đầu quá giang là hai cột bê tông. Trên lưng quá giang có hai trụ trốn được kê đấu vuông thót đáy. Nối hai đầu trên của trụ trốn là một câu đầu có lưng dạ phẳng, hợp lực phía trên có hai kèo tạo thành hình tam giác cân, đỡ các dải hoành mái. Các cấu kiện gỗ ở bộ vì để trơn không trang trí, thiên về độ bền chắc. Trên câu đầu gian giữa Tiền Tế còn ghi dòng chữ về niên đại xây dựng di tích vào cuối xuân năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo Đại (1937). Không gian bên dưới bày đặt các đồ thờ tự, trong đó có một hương án gỗ, một khám thờ trong có tượng ngũ vị quan ông, bộ hoành phi, câu đối gỗ thời Nguyễn. Trong đó có câu đối do Nguyễn Hữu Định người xã Văn Điển, bản huyện bái tiến vào mùa đông năm Bính Tý niên hiệu Bảo Đại (1936):
Sắc tướng trang nghiêm, xứ xứ ca truyền, tú thủy danh hoa tiêu cảnh trí;
Thanh linh hách trạc, gia gia đỉnh đái, bồn hương lạp chúc mộc ăn quang.
Dịch nghĩa:
Sắc tướng trang nghiêm, chốn chốn vang ca, nước biếc hoa thơm tươi cảnh trí;
Oai linh hiển hách, nhà nhà ngưỡng vọng, dâng hương thắp nến, gội ơn sâu.
Hậu Cung được nối từ gian giữa Tiền Tế, chạy sâu vào bên trong, trổ cửa ra hiên phía giáp Tiền Tế, tạo sự thông thoáng cho không gian bên trong di tích. Bộ khung mái trước đây được làm theo kiểu chồng rường, xà nách đăng đối, có các mảng chạm khắc phong phú với nhiều đề tài khác nhau. Trải qua thời gian, nhà Hậu Cung đã bị xuống cấp, nhân dân đã duy tu sửa chữa như hiện nay. Toàn bộ khung nhà bên trong được đẩy cao hơn trước, cách điệu dạng cuốn vòm. Không gian Hậu Cung bên dưới bày biện dày đặc các đồ thờ tự như cửa võng, hoành phi, câu đối, nhang án, khám và tượng mẫu…
Hiện nay, trong khuôn viên di tích còn có một hạng mục kiến trúc mô phỏng kiến trúc của công trình chính thờ Tam Toà Thánh Mẫu.
Hiện vật
Trải qua thời gian tồn tại, đền Đầm Sen còn lưu giữ được nhiều hiện vật giá trị gồm: 2 đạo sắc phong các thời là sắc Duy Tân năm thứ 5 (1911) và Khải Định năm thứ 9 (1924); 1 tượng thờ bà Phương Nghi Hoàng hậu; 1 khám thờ; 2 bát hương án gỗ sơn thếp; 2 đôi lọ hoa sứ vẽ lam, một số hoành phi câu đối cổ.
Di tích được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ. Vào dịp lễ hội của làng, tại đền cũng diễn ra các nghi lễ thờ cúng long trọng. Các ngày tuần tiết và các dịp lễ khác trong năm, nhân dân đều đến lễ đền, thành tâm thắp nén hương dâng đức Mẫu Phương Nghi Hoàng hậu và Tam Toà Thánh Mẫu, cầu mong sức khỏe, vạn sự an lành.
Tham khảo
TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa Thông tin.