Tên gọi và vị trí địa lý
Đền Hả hay còn gọi là đền thờ Thân Cảnh Phúc, tọa lạc trên núi Kỳ Lân, thuộc làng Kép (còn gọi là làng Giáp hoặc làng Hả Hộ), xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 45 km. Phía Đông xã Hồng Giang giáp xã Giáp Sơn, phía Tây giáp xã Thanh Hải, phía Bắc giáp xã Biên Sơn, phía Nam giáp xã Nghĩa Hồ và Tân Lập.
Đền thờ tướng quân Vũ Thành (tức Thân Cảnh Phúc), người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống dưới triều đại nhà Lý vào thế kỷ XI. Ngoài ra, đền còn phối thờ thêm sáu vị phò mã và công chúa của triều Lý, nhằm tôn vinh những người đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Lịch sử và nhân vật
Theo truyền thuyết dân gian, đền Hả được xây dựng từ thời Lý – Trần, sau cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ II. Trải qua nhiều cuộc chiến, dấu vết của kiến trúc cổ xưa chỉ còn lại một số hiện vật như gạch, ngói và mảnh vỡ của gốm. Theo thời gian, ngôi đền đã bị xuống cấp và được tu bổ vào các thời kỳ Chiêu Tống, Gia Long, với lần tu bổ lớn nhất diễn ra vào những năm 1920 – 1930. Kể từ đó, đền chỉ còn những lần tu bổ nhỏ, được nhân dân địa phương bảo vệ và gìn giữ cho tới ngày nay.
Tướng quân Vũ Thành, là tên gọi khác của Thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc, là một vị tướng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tướng quân Vũ Thành đã chỉ huy quân đội đánh bại quân xâm lược Tống trong hai trận chiến quan trọng vào các năm từ 1075-1077, bảo vệ độc lập cho đất nước.
Trong cuốn Lạng Sơn – Vùng đất của Chi Lăng Đồng Đăng Kỳ Lừa có chép: “Vào năm 1077, Quách Quỳ được lệnh nhà Tống đem quân sang xâm lược nước ta để trả thù việc Lý Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm, Ung (1075). Đại quân Tống thế lực rất lớn, vượt ải Nam Quan, chiếm Châu Ôn (thành phố Lạng Sơn) rồi xuống huyện Quang Lang, đánh bại quân nhà Lý (Nhân Lý ngày nay). Quách Quỷ ổ ạt tiến về phía Nam xuống Chi Lăng, rè sang phía Tây, tiến về phía sông Như Nguyệt. Vùng Quang Lang và Ôn Châu đã rơi vào tay quân Tống nhưng chúng vẫn không được yên ổn. Khi bị chặn đánh ở một ngô hẻm này, khi bị đánh úp ở một góc trại kia. Những đội quân đi tuần tiễu lẻ loi bất thình lình bị tiêu diệt. Các cuộc tập kích như vậy cứ diễn ra thường xuyên, làm cho quân Tống bị hao hụt. Quân sĩ bàn tán với nhau rằng, hình như có một vị “thần tướng” ở đâu vụt hiện ra đánh chết quân Tống, làm cho thây ngã ngồn ngang, hàng ngũ tán loạn, rồi lại biến đi ngay, không tìm ra tung tích, cũng không sao giáp mặt được vị thần tưởng ấy cả. Từ tương tá nhà Tống đang đóng quân đồn trai ở Quang Lang đến Giáp Khẩu đều tin rằng có thiên thần Động Giáp giáng trần giúp nhà Lý. Tình thần chán nản và bao trùm quân Tống. Thiên thần Động Giáp ấy chẳng ai khác là Thân Cảnh Phúc, phò mà nhà Lý, con rẻ của Lý Thánh Tông, đang giữ chức Châu mục Lạng Châu. Có thể xem ông là anh hùng du kích đầu tiên của Việt Nam, làm vẻ vang cho xứ Lạng.”
Nhờ những chiến công xuất sắc, ông được người dân tôn thờ và lập đền thờ để ghi nhớ công lao. Đền Hả là một trong hệ thống các đền thờ tướng quân Vũ Thành dọc theo sông Lục Nam, với truyền thuyết kể lại rằng có tới 72 nơi thờ cúng vị tướng này.
Kiến trúc cảnh quan
Đền Hả được xây dựng trên một khu đồi rộng, nằm ở phía Đông Nam làng Hả Hộ, bao quanh bởi cây cối xanh mát, ao hồ. Kiến trúc của đền theo kiểu chữ Tam, gồm ba tòa chính: Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng, ngoài ba toà chính đền còn có cổng Tam Quan và dãy Nhà Khách. Bên cạnh khuôn viên đền là di tích chùa Hả, cả hai di tích tạo thành một quần thể kiến trúc hòa hợp, gắn kết với thiên nhiên.
Từ mặt đường chính là Tam Quan gồm ba cửa, cửa chính giữa được thiết kế uốn vòm cung, có hai tầng mái, các trụ cột có khắc chữ Hán chạy dọc thân cột. Tầng hai Tam Quan được xây thành khối vuông bịt kín, ở giữa trang trí hình chữ Thọ. Hai cửa phụ bên cạnh có kích thước nhỏ hơn, được xây một tầng, với các trụ cột kiểu lồng đèn, trang trí tinh xảo bằng họa tiết rồng, mây, nối từ hai cửa phụ là bức tường ngắn nối tiếp thêm hai trụ biểu ở hai bên, hai trụ biểu này liền với bức tường chạy bao quanh khuôn viên đền.
Đi qua cổng Tam Quan, một con đường dẫn vào bên trong đền. Bên trái cổng là Nhà Khách gồm năm gian, là nơi du khách nghỉ ngơi và chuẩn bị lễ vật trước khi vào làm lễ.
Tiến sâu vào bên trong là khoảng sân trước ba toà, Đền Hạ gồm năm ba gian, hai chái, ba gian giữa là lối ra vào, hai chái ở hai đầu hồi được xây bịt kín tường,. Đền Trung cũng nằm bên cạnh đền Hạ, gồm năm gian, cả năm gian đều được làm cửa gỗ ra vào. Đền Thượng có ba gian và được nối liền với Đền Trung bằng một ống muống, tạo nên kết cấu tổng thể hình chữ Đinh. Các toà đều có kết cấu từ các hệ thống cột cái và cột quân, có kích thước rất lớn, làm bằng gỗ, bên trong có các bệ thờ gỗ, đặt ban thờ bày biện các đồ thờ cúng. Mỗi toà có 4 mái, lợp ngói mũi hài, các góc đầu đao uốn cong hình rồng, đặc biệt trên giữa mái đền Trung có đặt bức bình phong, bên trong có khắc chữ Hán.
Tiến sâu vào bên trong là khoảng sân trước ba tòa, toà đầu tiên là đền Hạ, gồm năm gian, hai chái, ba gian giữa là lối ra vào, còn hai chái ở hai đầu hồi được xây bịt kín tường, giữa bức tường trổ cửa sổ hình chữ Thọ. Đền Hạ có kết cấu với sáu vì kèo và 24 cột lớn nhỏ phân bố không đều giữa các gian.
Bên cạnh là đền Trung, hướng nhà quay cùng với đền Hạ, theo dòng chữ Hán được khắc lên thượng lương, đền Trung được tu sửa vào năm 1802. Đền Trung gồm năm gian, tất cả các gian đều là lối ra vào, cửa gỗ kiểu bức bàn. Đền Thượng quay ngang, được nối liền với Đền Trung bằng một ống muống, tạo thành kết cấu tổng thể hình chữ Đinh, gồm ba gian.
Các tòa đều có kết trúc đơn giản, kết cấu vững chắc từ các hệ thống cột cái và cột quân lớn làm bằng gỗ. Bên trong các toà đều có các bệ thờ gỗ, nơi đặt ban thờ với các đồ thờ cúng và tượng, ngoài ra đền còn trang trí hệ thống các cửa võng ở mỗi gian, sơn thếp vàng chạm kênh bong các hoạ tiết, phía trên cửa võng là các bức hoành phi, câu đối treo ở cột có nội dung ghi lại công đức của các công chúa và phò mã họ thân. Mỗi tòa đều có bốn mái lợp ngói mũi hài, với các góc đầu đao uốn cong hình rồng. Đặc biệt, trên mái đền Trung có đặt một bức bình phong, khắc chữ Hán, tạo điểm nhấn độc đáo cho công trình.
Lễ hội
Lễ hội Đền Hả, nhân dân còn gọi với tên gọi quen thuộc là lễ hội Từ Hả, đây là một lễ hội có từ lâu đời, diễn ra hàng năm tại đền vào tháng Giêng. Ngày nay lễ hội Đền Hả ngày càng được mở rộng về quy mô, đã thu hút được không chỉ nhân dân trong vùng mà còn đông đảo nhân dân các nơi khác về tham dự.
Lễ hội diễn ra vào ngày 3, ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng, ngày hội chính là ngày mùng 8, trước ngày lễ hội, nhân dân trong vùng cùng chuẩn bị những lễ vật để dâng lên đền như: Bánh chè nam, bánh dày, hoa quả, oản, bánh kẹo, rượu, nước,..
Lễ hội được diễn ra với những nghi thức tế lễ như lễ dâng thánh, lễ rước thánh, lễ tắm thánh. Trong địa phương cử ra một ông chủ tế là người cao tuổi, biết chữ nho, biết viết sớ, am hiểu phong tục tập quán… cùng đó họ tổ chức một đội tế có đủ đạo cụ, trang phục văn tế phục vụ các màn tế. Đặc biệt là lễ diễn tích tướng quân Vũ Thành đánh giặc, các đội quân được ăn mặc chỉnh tề, đi đứng theo hiệu lệnh, xe ngựa, khí giới chỉnh tề từ từ vào khu đánh trận (Bãi Dược). Tại đây có đội quân mai phục, chờ hiệu lệnh. Khi có gió đông bắc nổi lên, hiệu lệnh phát ra, cả đoàn quân reo hò vào trận. Sau đó, làm lễ tế cờ thắng trận rồi thu quân về đền.
Ngoài các hạng mục lễ chính, lễ hội còn diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí, diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian song song cùng với các nghi lễ. Lễ hội Đền Hà với quy mô vùng khá lớn, kéo dài trong 3 ngày, 3 đêm, đến mùng 9, nhân dân làm lễ cúng mặn, thịt lợn, gà khao quân và kết thúc lễ hội.
Thông qua lễ hội, người dân được khơi dậy được niềm tự hào về quá khứ dân tộc trong lịch sử giữ nước, và hình ảnh tướng công Thân Cảnh Phúc trong nền lịch sử Việt Nam.
Xếp hạng
Đền Hả là công trình văn hóa tiêu biểu của ông cha ta từ xưa để lại, là di tích lưu niệm danh nhân tướng quân Vũ Thành. Di tích về ông là nơi phản ánh tiêu biểu, tập trung về cuộc kháng chiến chống Tống vào năm 1076 ở vùng miền núi Bắc Giang, Bắc Ninh.
Theo Quyết định số 154/QĐ ngày 25/01/1991, đền Hả được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Tài liệu tham khảo
- Bùi Thị Hoa, Lễ hội đền Hả, tiểu luận tốt nghiệp, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
- Vũ Ngọc Khánh (2007), Đền miếu Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
- Nguyễn Hũu Toàn (2017), về di sản văn hóa liên quan đến thời Lý, Trần ở huyện Lục Ngạn, Di sản văn hoá vật thể, số 1(58).
- Mã Thế Vinh (2012), Lạng Sơn – Vùng đất của Chi Lăng Đồng Đăng Kỳ Lừa, Nxb Trẻ.