Đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền Ngọc Sơn, tọa lạc trên đảo Ngọc Sơn, nằm ở phía Bắc hồ Gươm, cổng đền hướng ra phố Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Trước đó, hồ có tên là hồ Lục Thủy, tới thế kỉ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.

Đền Ngọc Sơn không chỉ là di tích lịch sử – văn hóa quan trọng, gắn liền với truyền thuyết về vua Lê Lợi và sự kiện trả gươm thần. Với lịch sử hình thành dài lâu và đầy thăng trầm, ngôi đền đã chứng kiến những biến cố và cột mốc quan trọng của dân tộc. Ngoài ra đền còn trở thành một biểu tượng nổi bật của Hà Nội, một địa điểm tham quan, nghiên cứu kiến trúc, đồng thời là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Kiến trúc của đền mang đậm ảnh hưởng của Nho giáo, thể hiện qua các kiến trúc trong đền, đặc biệt đền lại là nơi thờ phụng nhiều vị thần linh quan trọng của cả ba tín ngưỡng lớn: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Các vị thần được thờ cúng tại đây bao gồm Văn Xương Đế Quân, thần bảo vệ văn học và khoa cử, Quan Thánh Đế Quân, vị tướng thần thoại nổi tiếng với lòng trung nghĩa, Lã Tổ, vị tổ sư của Đạo giáo, Đức Thánh Trần, biểu tượng anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, và Phật A Di Đà, đại diện cho giáo lý Phật giáo với lòng từ bi vô hạn.

Sự kết hợp này không chỉ thể hiện sự dung hòa của các tín ngưỡng mà còn phản ánh lòng kính trọng đối với trí tuệ, sức mạnh, và lòng từ bi của những bậc thánh hiền trong truyền thống văn hóa dân tộc.

Lịch sử và nhân vật

Đền Ngọc Sơn được xây dựng từ thế kỷ XIX, ban đầu được gọi là chùa Ngọc Sơn và sau đó đổi tên thành đền Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ hai vị thần: Văn Xương Đế Quân – ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử, và Trần Hưng Đạo – vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ XIII.

Theo sách Hà Thành Linh Tích Cổ Lục (A 497, Thư viện Bác Cổ Viễn Đông), đền Ngọc Sơn ban đầu chỉ là một bãi đất nhỏ giữa hồ Hàng Hương, hay Hồ Hoàn Kiếm. Đến thời nhà Lê (1428-1789), người ta mới dựng đền ở đó để thờ Đức Thánh Quan. Sau này, một nhà mộ đạo tên Tin Chai, người quê ở Nhị Khê (thuộc tỉnh Hà Đông ngày nay), đã xây dựng lại đền lớn hơn và thêm một gác chuông phía trước, rồi đặt tên là đền Ngọc Sơn.

Tuy nhiên theo tương truyền vào thời Trần và đầu thời Lê, đây vốn là nơi thờ các tiên nữ từ trên trời xuống trần dạo chơi ở hồ. Đến cuối thời Lê, chùa Ngọc Sơn được xây dựng làm nơi thờ Phật.

Trong cuốn Kiến trúc chùa cổ Việt Nam có viết: “Nguyên đời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 – 1739), chúa Trịnh Giang thấy cảnh đẹp cho dựng cung Thụy Khánh trên gò và đắp ở bờ hồ phía Đông 2 núi đất đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Ngọc Bội và núi Đào Tai. Sau bị Lê Chiêu Thống phá hủy khoảng năm 1787 – 1788, trên nền cũ một nhà hảo tâm tên gọi là Tín Trai lập ra một ngôi chùa mới, năm 1843 chùa được một hội thiện quản trị và sửa chừa đổi làm đền thờ Tam Thánh. Năm 1865, nhà danh sĩ Nguyễn Siêu đứng ra chủ trì trùng tu lớn kiến trúc đền, gia cố chân gò bị sụt lở, dựng Trấn Ba Đình, bắc một chiếc cầu gỗ nối liền núi đất Đào Tai và Ngọc Bội. Cầu làm theo kiểu cung nguyệt nhìn thẳng ra bãi sông hồng (lúc bấy giờ chưa có nhà cửa và chỉ là một bãi dâu rộng mênh mông) sáng sớm ánh nắng bình minh chiếu rọi từ ngoài sông Hồng vào mặt hồ và cầu, nên được đặt tên là “cầu Thê Húc” (ánh nắng mặt trời đậu vào cầu). Ngoài cổng vào dưng trên núi Đào Tại một tháp đá hình cái bút lông – gọi là tháp Bút cao 9m, đường kính đáy 2m20 và phía trong xây một bể con hình nghiên mực gọi là đài nghiên bằng một khối đá nặng 300kg, đường kính 1m20. Hai bức tường bên đắp hình rồng và hỗ, tượng trưng cho bảng vạng đỗ đạt các khoa thi cử, do trong đền chú trọng đặc biệt đến thờ thần Văn Xương là vị thần trông coi việc văn chương thi cứ”.

Đền Ngọc Sơn còn có một sự tích được cuốn Kiến trúc chùa cổ Việt Nam nhắc tới:

“Đền xây dựng trên một gò đất hình tròn gọi là Ngọc Sơn, phía bắc hô Hoàn Kiêm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Nguyên đời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 – 1739), chúa Trịnh Giang thấy cảnh đẹp cho dựng cung Thụy Khánh trên gò và đắp ở bờ hồ phía Đông 2 núi đất đối diện với Ngọc Sơn gọi là núi Ngọc Bội và núi Đào Tai. Sau bị Lê Chiêu Thống phá hủy khoảng năm 1787 – 1788, trên nền cũ một nhà hảo tâm tên gọi là Tín Trai lập ra một ngôi chùa mới, năm 1843 chùa được một hội thiện quản trị và sửa chừa đổi làm đền thờ Tam Thánh. Năm 1865, nhà danh sĩ Nguyễn Siêu đứng ra chủ trì trùng tu lớn kiến trúc đền, gia cố chân gò bị sụt lở, dựng Trấn Ba Đình, bắc một chiệc câu gô nôi liền núi đất Đào Tai và Ngọc Bội”.

Mặc dù chưa có thông tin chính xác về lịch sử xây dựng Đền Ngọc Sơn, nhưng tất cả các truyền thuyết đều góp phần làm phong phú thêm câu chuyện và ý nghĩa văn hóa của ngôi đền này.

Những câu chuyện huyền thoại ấy không chỉ làm nổi bật sự linh thiêng của đền mà còn khắc họa hình ảnh Đền Ngọc Sơn như một biểu tượng sâu sắc của sự bảo vệ và che chở cho đất nước, là nơi hội tụ của tâm linh và lịch sử dân tộc. Thông qua đó, đền trở thành một di sản văn hóa quý báu, mang đậm giá trị truyền thống và niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Các vị thần được thờ phụng ở Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn là nơi thờ phụng: Văn Xương Đế Quân, Quan Thánh Đế Quân, Lã Tổ, Đức Thánh Trần và Phật A Di Đà.

Quan Thánh Đế Quân

Là vị thần của Đạo giáo có liên quan đến chế độ khoa cử. Quan Đế tức tướng Quan Vũ nhà Thục Hán thời Tam Quốc, được phong thần từ thời nhà Tống. Năm Tuyên Hòa Bắc Tống (1119) được phong là Vũ An Vương, đến thời nhà Nguyên lại được phong là Hiển Linh Nghĩa Dũng Vũ An Anh Tề Vương. Những năm Vạn Lịch nhà Minh (1573-1620) được phong là Tam Giới Trạng Ma Đại Đế Thần Uy Viễn Chán Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân. Đây là 1 trong 4 vị Hộ Pháp thiên thần của Đạo giáo. Từ thời Minh, Thanh, ở Trung Quốc Quan Để được liệt vào hàng quốc gia tế điển và được nhiều nơi thờ cúng.

Văn Xương Đế Quân

hay còn gọi là Tử Đồng Thần Quân, nguyên là vị thần địa phương ở Tử Đồng, Tử Xuyên đời Tán, họ Trương, tên là Á Tử. Sau khi Đạo thư Thanh Hà Nội Truyền đời Tống tuyên xưng Trương Á Tử thành tiên, thăng thiên được Ngọc Hoàng giao cho quản lí phủ Văn Xương, cai quản công danh lộc vị dưới trần gian. lại, sĩ tử khoa cử tôn thờ. Trong những năm Chân Tông Hàm Bình thời nhà Tống (998 1003) được phong là Anh Hiển Vũ Liệt Vương. Vua Nhân Tông nhà Nguyên gia phong Phổ Nguyên Khai Hóa Văn Xương Tư Lộc Bàng Nhân Đế Quân. Năm Hồng Trị nguyên niên nhà Minh (1448), Trương Cửu Công Tân yêu cầu các học cung trong thiên hạ phải lập đền thờ Văn Xương. Triều Thanh tôn phong Dụ Thậm. Đến năm 1843, Ngài được rước về Đền Ngọc Sơn thờ.

Lã Tổ

Lã Tổ, tức Lã Đồng Tân cũng là thản của Đạo giáo. Theo truyền thuyết, ông là người đất Kinh Triệu thời Đường. Do hai lần đi thi không đỗ tiến sĩ nên bỏ lên núi Chung Sơn tu luyện kiếm pháp, học thân thư và luyện đan chữa bệnh. Ông được coi là một trong 8 vị tiên được người đời sau thờ cúng.

Đức Thánh Trần

Đức Thánh Trần, hay Trần Hưng Đạo, là một trong những anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam, nổi tiếng với chiến thắng quân Nguyên-Mông trong ba lần xâm lược vào thế kỷ 13. Ông là người chỉ huy quân đội Đại Việt trong trận Bạch Đằng (1288), đánh bại quân Nguyên và bảo vệ độc lập dân tộc. Trần Hưng Đạo không chỉ là chiến tướng tài ba mà còn là tấm gương sáng về lòng yêu nước, trí tuệ và phẩm hạnh. Sau khi qua đời, ông được tôn thờ là Đức Thánh Trần và trở thành biểu tượng của sức mạnh, kiên cường và lòng yêu nước trong văn hóa dân tộc Việt.

Kiến trúc cảnh quan

Với vị trí giữa lòng hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn là một điểm đến nổi bật, kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc, tạo nên một không gian tĩnh lặng, thơ mộng, mang vẻ đẹp u tịch giữa sự nhộn nhịp của phố phường Hà Nội.

Theo nội dung được ghi lại trong tấm bia Ngọc Sơn Đế Quân Từ Kí ở trong đền đã ghi lại một cách khá đầy đủ quá trình xây dựng tu sửa đền. Ngọc Sơn trên hồ Hoàn Kiếm mới đầu là một gò đất nổi lên ở phía bắc mặt hồ, rộng khoảng ba bốn sào, tương truyền là đài câu cá cuối thời Lê.

Kiến trúc đền Ngọc Sơn hiện nay là một hệ thống mang dấu ấn của cả 3 tôn giáo: Nho, Phật, Đạo, gồm các hạng mục chính: Nghi Môn, Tháp Bút, Đài Nghiên, Cầu Thê Húc, Đắc Nguyệt Lâu, Đền Chính, Trấn Ba Đình, Kính tự Đình, Tháp Rùa.

Nghi Môn

Phía trước Đền Ngọc Sơn, ngay sát mặt đường Đinh Tiên Hoàng, là cổng Nghi Môn nổi bật với kiến trúc tứ trụ, lối kiến trúc đặc trưng ở Việt Nam. Cổng gồm bốn cột trụ vuông, trong đó hai cột trụ chính ở giữa tạo lối đi chính, cao khoảng hơn 5m, có kiểu dáng lồng đèn với phần đế thắt cổ bồng. Ở các mặt hình vuông trụ đều được khắc chữ Hán chạy dọc thân cột, phía trên đỉnh của các cột trụ là bốn hình chim phượng, chúc đầu xuống, đuôi vểnh lên trời và toả ra các hướng.

Hai cột trụ phụ ở hai bên có chiều cao thấp hơn, tạo sự đối xứng với các trụ chính, điều đặc biệt là các lối phụ này hoàn toàn được xây bịt kín, hình thành những bức tường lửng vững chãi, tạo nên sự kín đáo và huyền bí cho ngôi đền bên trong. Ở hai bên mặt tường lửng có khắc Chữ Hán “Phúc” và “Lộc”, theo tương truyền thì hai chữ này do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu viết từ hồi thế kỉ XIX.  

Tháp Bút

Tháp Bút nằm bên cạnh Nghi Môn, tháp được xây dựng bằng đá trên một gò đá hộc tượng trưng cho ngọn núi Độc Tôn (núi Ngọc Bội), ngọn núi có chiều cao 4m, và có kích thước lớn. Tháp gồm 5 tầng, trên thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên”, có nghĩa là “Viết lên trời xanh”, với tạo hình lăng trụ, và đỉnh tháp được chạm khắc hình ngọn bút lông dựng ngược. Đến nay ngọn tháp này đã tồn tại hơn 150 năm, biểu tượng cho nền văn hoá Việt Nam.

Đài Nghiên

Từ Nghi Môn, một con đường dài được lát gạch đỏ dẫn vào Đài Nghiên, nằm ở phía đầu Cầu Thê Húc, mở lối vào khu vực chính của Đền Ngọc Sơn. Cổng có hình thức “Tam Quan” (ba cửa), được thiết kế với mái uốn cong, bao gồm một cổng chính rộng và hai cổng phụ nhỏ hơn, phản ánh phong cách kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Trên cửa ra vào có tạo hình dạng một Cuốn thư bằng vôi vữa, ngay dưới Nghiên đá, bên trong được khắc một bài minh, do cụ Nguyễn Văn Siêu soạn. Ở hai bên Cuốn thư có thêm 2 dòng lạc khoản: Bên phải là 4 chữ đắp thành 1 hàng “Đinh Sửu trùng tu.” Bên trái còn 6 chữ chia làm 2 hàng: “Phương Đình tử”. Phía trên cuốn thư là hai chữ Hán “Đài Nghiên”, đây là tên gọi của công trình này.

Hai bên cột cổng khắc có hai câu đối:

Bát đảo, mặc ngân hồ thủy mãn

Kình thiên, bút thế thạch phong cao.

Nghĩa là:

Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ

Chạm bầu trời, thế bút ngất núi

Điều đặc biệt là trên đỉnh cổng có đặt Đài Nghiên (nghiên mực), được tạc từ một tảng đá xanh, có hình quả đào cắt ngang theo chiều dọc và được khoét lõm vào lòng chảo, phía dưới là tượng ba con ếch, với tư thế đội nghiên mực.

Đây Không chỉ là những viên ngọc quý, làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa của Đền Ngọc Sơn, mà còn là một phần quan trọng trong tổng thể kiến trúc, góp phần làm nổi bật vẻ đẹp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh hồ Gươm.

Cầu Thê Húc

Để vào đền, phải đi qua Cầu Thê Húc (đậu ánh nắng ban mai), đây là một cây cầu gỗ đặc sắc, nối liền bờ hồ Gươm với Đền Ngọc Sơn, mang đậm vẻ đẹp truyền thống và tinh thần thiêng liêng của Hà Nội.

 Cầu có chiều dài khoảng 45m, rộng 2,6m và được thiết kế theo hình dáng uốn cong, tượng trưng cho hình ảnh một con rồng uốn lượn. Mặt cầu được lát gỗ đỏ, vững chãi, tạo nên sự chắc chắn, với thiết kế gồm 15 nhịp và 32 chân cột tròn tạo thành 16 đôi chân cột.

Các lan can của cầu được chạm khắc tinh xảo với những hoa văn đơn giản với các đề tài như: sóng nước, rồng, và những họa tiết mang đậm văn hóa dân tộc. Đặc biệt, màu đỏ của cầu nổi bật giữa không gian xanh mát của hồ Gươm, tạo nên một cảnh sắc hài hòa, đẹp mắt.

Vào thời kháng chiến chống Pháp, Cầu Thê Húc chỉ là một cây cầu nhỏ làm từ các tấn ván, đặt trên các cọc gỗ cắm xuống hồ. Cầu Thê Húc hiện nay được xây dựng bởi cụ Trương Văn Đa (tức Phạm Ngọc Lan), một nhà nho, đồng thời là một kiến trúc sư dưới thời Pháp thuộc.

Từ cầu, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh hồ Gươm và đền Ngọc Sơn với phong cảnh thiên nhiên bao quanh. Cầu Thê Húc không chỉ là lối đi vào đền mà còn là một biểu tượng văn hóa, một điểm nhấn kiến trúc giữa lòng Hà Nội.

Cổng Đắc Nguyệt Lâu

Đi hết Cầu Thê Húc là đến cổng đền, cổng có tên là Đắc Nguyệt Lâu (lâu thưởng trăng), phía trên có tấm biển đề ba chữ “Đắc nguyệt lâu” (得月樓).

 Cổng gồm hai tầng mái, một lối đi duy nhất, có trang trí các cột lồng đèn. Trên bức tường hai bên cửa lâu có chạm trổ hai bức tranh, bên phải đề: “hà đồ long mã”, bên trái để: “thần quy Lạc”. Đây được coi là chứng minh lịch sử về các vị vua huyền thoại của Trung Quốc, là vua Phục Hy (dựa trên con Long Mã nổi trên sông Hoàng Hà để vẽ ra Bát Quái toàn đồ và vua Đại Vũ (dựa vào con Rùa Thần nổi trên sông Lạc để vẽ ra Cửu Trù).

Đền Chính

Đền Ngọc Sơn gồm ba nếp nhà chính gồm: Bái Đường, Trung Đường, Hậu Cung, được xây dựng theo kiểu kiến trúc “nội công, ngoại quốc”. Bái Đường là nơi hành lễ đầu tiên khi bước vào trong đền, gian chính giữa đặt một hương án lớn, hai bên là đặt đôi chim hạc sơn thếp vàng. Trung Đường là nơi thờ Văn Xương, Quan Vũ và Lã Tổ, đây là các vị thần được các nho sĩ, văn nhân, quan lại tôn thờ. Hậu Cung là nếp nhà được xây cao nhất, đây là gian thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, có công lớn trong việc chống lại quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII.

Trong đền Ngọc Sơn có nhiều câu đối (bằng chữ Hán) ca ngợi cảnh đẹp, sự tích của hồ:

Phiên âm:

Kiều dẫn trường hông thê đảo ngạn,

Lâu dương minh nguyệt toạ hồ tâm.

Dịch nghĩa:

Cầu vắt cầu vồng kề bên đảo

Lầu trăng soi sáng đọng giữa hồ.

 Phiên âm:

Vạn kìm bảo kiếm tàng thu thủy

Nhất phiến băng tâm ngọc tại hồ.

Dịch nghĩa:

Bảo kiếm nghìn vàng chìm nước biếc,

Lòng trung một tấm dựng ngọc lầu.

Trong điện có bức hoành phi:

Cửu thiên khai hóa (khai hóa chín tầng trời)

Tượng ở Hậu Cung được đặt trên bệ đá cao khoảng 1m, hai bên có hai cầu thang bằng đá. Tượng Văn Xương đứng, tay cầm bút. Các cấu kiện gỗ được chạm khắc tinh xảo với họa tiết mang đậm yếu tố thiên nhiên như hoa lá, rồng, phượng, biểu tượng của sự thịnh vượng và bảo vệ.

Mái Đền Ngọc Sơn được thiết kế theo kiểu hai tầng mái, có lợp ngói mũi hài đặc trưng, Các đầu mái được đắp hình rồng, thể hiện sự uy nghi và linh thiêng.

Đình Trấn Ba

Nằm sát mép hồ, phía trước đền có một phương đình gọi là Trấn Ba Đình (Đình Chắn Sóng), mang ý nghĩa là cột trụ đứng vững giữa làn sóng không lành mạnh trong nền văn hoá đương thời. Đình có kiến trúc hình vuông, gồm hai tầng tám mái, với các hệ thống cột chống đỡ gồm 8 cột, có khắc câu đối:

Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy

Văn tòng đại khối thọ như sơn

Chữ Hán:

劍 有 餘 靈 光 若 水

文 從 大 塊 壽 如 山

Nghĩa là:

Kiếm sót khí thiêng ngời tựa nước

Văn cùng trời đất thọ như non.

Nhà Trưng Bày

Nằm bên cạnh Đình Chính, là một dãy nhà ba gian nhỏ, đây là không gian trưng bày tiêu bản hai cụ rùa nổi tiếng của Hồ Gươm. Hình ảnh hai cụ rùa được lưu giữ cẩn thận bên trong những tủ kính được bảo vệ chắc chắn, đặt gần nhau, bên trái là cá thể rùa chết vào năm 1967, còn bên phải là cá thể rùa cuối cùng được tìm thấy vào năm 2016. Xung quanh nhà được treo những tư liệu lịch sử, những câu chuyện huyền thoại liên quan đến về hai cụ rùa.

Cụ rùa này được phát hiện năm 1968. Theo hồ sơ ở đó, cụ rùa có kích thước: rộng 1m3, dài 2m1, nặng khoảng 250kg, có khoảng 4-500 năm tuổi. Cả hai cụ rùa từng sống nhiều thế kỷ trong hồ Hoàn Kiếm, được người dân yêu mến và bảo vệ, cụ rùa cuối cùng sống ở Hồ Gươm đã chết vào ngày 19 tháng 1 năm 2016.

Hai cụ rùa Hồ Gươm là biểu tượng linh thiêng của Hà Nội, gắn liền với truyền thuyết về vua Lê Lợi và thanh gươm thần. Theo truyền thuyết, sau khi chiến thắng quân Minh, vua Lê Lợi đã được một con rùa lớn trong hồ lấy thanh gươm để trả lại cho thần linh, từ đó Hồ Gươm mang tên “Hoàn Kiếm” (hồ trả gươm).

Ngày nay, hình ảnh hai cụ rùa được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và lịch sử Hà Nội. Hình ảnh hai cụ rùa không chỉ là chứng nhân của những câu chuyện truyền thuyết về lịch sử, mà còn ăn sâu vào tâm trí người dân thủ đô, trở thành di sản tinh thần, một dấu ấn không thể phai mờ trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Lễ hội

Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, lễ hội Đền Ngọc Sơn được tổ chức trang trọng, thu hút hàng nghìn người dân và du khách từ khắp mọi miền đất nước đến tham quan, cúng bái, xin lộc và cầu bình an. Không chỉ là dịp để mọi người cầu mong sức khỏe, tài lộc, mà đây còn là cơ hội để mọi người bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, đặc biệt là Thánh Gióng và các bậc tiên tổ.

Tới đây, duu khách không chỉ được chiêm bái đền, mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của thủ đô, tìm hiểu về những giá trị truyền thống qua các hoạt động lễ hội, tạo nên một bức tranh sinh động của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Hiện vật

Hiện nay trong đền còn lưu giữ được 9 tấm bia, ghi lại lịch sử xây dựng đền.

Trong đó có tấm bia có tên là Trấn Ba Đình kí. Bia do tác giả Đặng Văn Tá (tức Đặng Lương Hiên) soạn. Trên bia không ghi niên đại nhưng qua nội dung người ta có thể đoán được là bia dựng vào khoảng thời Tự Đức nhà Nguyễn, sau niên hiệu Thiệu Trị.

Bia gồm một mặt, khổ 103x 123cm. Mặt bia chạm khắc hoa lá, toàn văn chữ Hán, gồm 21 dòng, khoảng 500 chữ. Nội dung bia miêu tả vị trí của hồ Hoàn Kiếm nằm giữa kinh đô Thăng Long, giữa hồ có đảo gọi là đảo Ngọc, trên đảo có miếu Văn Xương. Nửa hồ bên phải là Hữu Vọng, nửa hồ bên trái gọi gọi là Tả Vọng. Bên Tả Vọng có núi, đầu niên hiệu Gia Long dựng miếu Vũ Đế. Khoảng niên hiệu Thiệu Trị dựng miếu Văn Xương. Trải lâu ngày miếu hư hỏng, mọi người đã quyên góp tiền của tu sửa lại miếu Văn Xương. Phía trước dựng đình Trán Ba, phía đông có cầu Thê Húc. Miếu Văn Xương là nơi giáo dưỡng thiên hạ, khiến người ta luôn hướng thiện.

Xếp hạng

Đền Ngọc Sơn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 10-7-1980.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thanh Hà, Quan điểm của Đền Ngọc Sơn ở Thủ đô Hà Nội, di tích Đạo giáo mang đậm bản sắc Việt Nam, Nghiên cứu Tôn giáo số 3-2000, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  2. Vũ Tam Lang, Kiến trúc chùa cổ Việt Nam, Nxb Xây Dựng.
  3. Vũ Ngọc Khánh, Đền miếu Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
  4. Trần Hàm Tấn, Nguyễn Bá Trí (1948), Đền Ngọc Sơn, Tạp chí Dân Việt Nam số 2, Nxb Thời Sự.
  5. Một số di tích tiêu biểu ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật (2016).
Chấm điểm
Chia sẻ
Den Ngoc Son

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)