Quan Lớn Đệ Tam được thờ ở rất nhiều nơi khác nhau, trong đó có Đền thờ Quan Lớn Đệ Tam thuộc quần thể di tích đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đây là 1 trong 3 di tích được coi là đền thờ chính của ngài. Sở dĩ đây được coi là đền thờ chính của ngài vì nơi đền được xây dựng xưa kia chính là thủ phủ và là đại bản doanh của ngài. Đền cũng là nơi ngài ngự khi làm việc kề cận bên Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình.
Lịch sử
Xưa kia dân làng lập nơi thờ Quan Lớn Đệ Tam chỉ là một ngôi miếu nhỏ được đề chữ Đệ Tam Phủ và đôi câu đối: Miếu tạo tôn nghiêm nguyên tự cố, linh thanh diện trạc vãng kim lai. Trải qua nhiều triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn đền luôn được tôn tạo, tu bổ nhất là vào cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13. Trong thời kỳ đánh giặc Nguyên Mông, nhà Trần đã cử các tướng lĩnh về luyện thủy binh tại đây như các tướng Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Nhân Huệ, Phạm Ngũ Lão. Sau chiến thắng Bạch Đằng Giang, nhà Trần cho xây thêm các cung thờ các quan Trần Triều. Vào đầu thế kỷ 17 đền được xây dựng hoành tráng nhất. Đền chính có 3 tòa, 13 gian, Tiền chữ Nhất, Hậu chữ Đinh, Nội chữ Công, Ngoại chữ Quốc, Quan Lớn Đệ Tam ngự tọa cấm cung. Dòng chữ vàng ghi Đệ Tam Phủ: Trấn Nam Thủy Quan Đệ Tam sắc được tạm dịch là: Hùng triều huân công phá thủy tặc, uy danh hùng vũ trụ, ân đức tự quần sinh, vạn cổ phương danh hiển danh tứ phủ.
Vào những năm 1940 – 1950 các cụ bô lão già làng sổng trên đất Đồng Phúc kể lại rằng: Đền ngài uy nghi lộng lẫy, sáng rực vàng son, hoa văn kỳ ảo, trạm khắc long ly quy phượng, hạc chầu ly đợi quy chờ. Năm 1951 đền Quan Lớn như chốn tâm linh, các cán bộ Đảng thường lui tới để làm nơi hội họp vì bộn bề trống vẳng, cửa đền có sông lớn bọn lính Pháp không dám vào. Rồi một ngày bọn lính Pháp bắn đại bác từ Ninh Giang về để phá đền. Hôm sau các cụ ra đền rước tượng Quan – bài vị – sắc phong về trong thôn.
Tượng ngài được lưu giữ trong dân làng, có lúc phải cất dấu. Sau hòa bình lặp lại, các cụ rước về tạm tọa tại cửa đền Vua Cha.
Đến tháng 12 năm 2003 đã được tổ chức long trọng rước tượng ngài về ngự tọa chính cung, đây là pho tượng bằng đồng quý hiếm. Nay dưới sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, cho phép huy động tối đa nguồn ngân sách để tu tạo phục chế theo đền cổ.