Đền thờ Thái phó Lê Niệm (Yên Mô, Ninh Bình) ngôi đền được cả núi Voi ôm gọn

Đền thờ Thái phó Lê Niệm (Yên Mô, Ninh Bình) ngôi đền được cả núi Voi ôm gọn

Thông tin cơ bản

Đôi nét về Thái phó Lê Niệm

Lê Niệm quê ở thôn Dựng Tú, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hoá là con của tướng Lê Lâm, cháu của Trung Túc Vương Lê Lai. Từ nhỏ, Lê Niệm là cậu bé thông minh, giỏi cả văn lẫn võ. Nhờ tập ấm của cha ông, năm 1439 đời vua Lê Thái Tông, Lê Niệm được nhận chức Cận thị cục Chánh chưởng. Năm 1446, đời Lê Nhân Tông, ông được thăng lên làm Thiêm tri nội viên viện sự. Trong năm đó, ông theo Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành. Thắng trận trở về, ông được nhận chức Đồng tri. Năm 1449, ông được phong làm An phủ phó sứ Tây đạo, sau lại thăng làm An Bang trấn tuyên úy đại sứ. Năm 1462, ông được gia thăng chức Nhập nội đô đốc Bình chương sự chi Đông đạo chư vệ quân, kiêm Quốc Tử Giám tế tửu. Sau đó, ông được thăng làm đề hiệu Quốc Tử Giám. Năm 1482, ông được thăng làm Thái phó, Tĩnh quốc công. Tháng 3 năm 1485, ông mất, được truy tặng làm Thái úy, thụy là Trinh Ý.

Với những công lao to lớn, Lê Niệm từng được triều đình nhà Lê gia phong lên đến Suy trung Bảo chính Minh nghĩa Hồng đức Thuần Tín công thần khai phủ Thái phó Tĩnh quốc công. Lúc này, vua Lê Thánh Tông đã ban bài chế khen rằng: “Lê Niệm là người khí độ trầm hùng, thông minh sáng suốt. Dòng dõi công huân đáng nòi trung nghĩa. Rực rỡ bấy cánh hoa vườn quý, thơm ngát hương danh. Võ cùng văn giỏi cả đôi đường, tùy trên sử dụng. Trấn thủ cõi nam phiên; xây dựng thành căn cứ vững”[1]

Theo sử gia Lê Quý Đôn: Lê Niệm vì là dòng dõi công thần, có công từ triều trước, làm chức phụ tướng, nắm quyền ngôn luận của nhà nước trong 30 năm. Mấy lần đem quân đi đều lập công lớn, uy đức, danh vọng nổi bật. Là người thanh danh trọn vẹn, hưởng phúc đầy đủ trong điều trình, được cả đương thời khen ngợi.

Ông có học vấn, giỏi thơ. Vua Thánh Tông mỗi khi có làm thơ đề vịnh, thường bảo ông họa lại. Nhà ông ở gọi là Thuyền Hiên, là có ý hâm mộ phong cách của Đào Chu Công. Thân ở lang miếu mà nếp sống thanh đạm phơi phới thoát trần. Người ta phục sự thanh cao của ông. Lương Như Hộc tuyển thơ có chép 25 bài của ông”[2].

Đối với dân vùng Yên Mô – Ninh Bình, thời gian đóng quân ở làng Thiên trì, ông đã chỉ huy đắp đê Hồng Đức bao quanh tổng Thổ Mật và Yên Mô (Thuộc các làng Yên Mô Thượng, Thiên trì, Yên Mô Càn, Côi Trì…). Ông được vua Lê Thánh Tông phong chức Thái phó và cấp 200 mẫu ruộng ở làng Thiên Trì (nay là làng Phượng Trì) ở chân núi Voi. Sau khi đắp đê Hồng Đức, phía trong đê là cách đồng bằng phẳng, phì nhiêu bát ngát. Nhân dân Thiên Trì nhớ công ơn to lớn của ông đã tôn ông làm Thành hoàng làng và lập đền thờ ông.

Lịch sử đền

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, chùa Hang và núi Voi, đền Lê Niệm là nơi tản cư, sơ tán của các cơ sở hoạt động phục vụ kháng chiến. Từ năm 1946 đến 1949, trường Trung học Nguyễn Khuyến (trước kia là trường Thành Chung Nam Định) đã sơ tán về Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình. Chùa Hang và đền Lê Niệm chân núi Voi còn là nơi mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cho kháng chiến. Cuối năm 1947, quân khu 3 đã tổ chức triển lãm “Liên khu 3 kháng chiến, kiến quốc” tại đền thờ Lê Niệm. Năm 1949, quân Pháp nhảy dù vào Phát Diệm, Yên Mạc trở thành vùng vành đai trắng, là khu du kích, ngày đêm kiên cường chống giặc. Nơi đây trở thành căn cứ chống Pháp, là sở chỉ huy, bệnh xá cho bộ đội địa phương và dân quân du kích, là kho chiến lợi phẩm của Trung đoàn 57 và 66 thuộc Sư đoàn 304. Quân và dân địa phương đã chốt giữ núi Voi, kiên cường chiến đấu đánh bại hàng chục trận càn của địch, phối hợp với các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung và chiến dịch Tây Nam Ninh Bình.

Kiến trúc

Đền Lê Niệm toạ lạc trên mảnh đất rộng 1,5 mẫu, lưng tựa vào núi quay ra hướng đông nam. Đền có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm có 3 gian: Tiền đường, mè kèo chạm khắc chữ triện, có 4 hàng cột gỗ gồm 16 cột lim. Giữa Tiền đường có ban thờ công đồng. Hậu cung 3 gian dọc, dáng cao, mái thẳng, 2 hàng cột giữa gồm 8 cột gỗ lim, vì kèo chồng giường được chạm khắc lá lật. Trong đền, ngoài long ngai bài vị thờ Lê Niệm và các quan còn có 5 đạo sắc phong (Quang Trung 2 đạo, Tự Đức 2 đạo và Khải Định 1 đạo). Ngoài ra còn có câu đối chữ hán ca ngợi công ơn Lê Niệm và vua Lê Thánh Tông của danh nhân Vũ Phạm Khải, người Phượng Trì.

Toàn bộ khung cảnh núi Voi, chùa Hang, đền thờ Lê Niệm là một quần thể di tích lịch sử danh thắng của thôn Phượng Trì, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình, đã được công nhận là di tích lịch sử.

Lễ hội

Lễ hội làng Đền thờ Quan Thái Phó được tổ chức vào hai ngày 16, 17/4 âm lịch thu hút được đông đảo người dân tham gia. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của Quan Thái Phó, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người hạnh phúc ấm no.

Lễ hội gồm phần lễ, nghi thức, rước kiệu, tế lễ, các trò chơi dân gian và đêm giao lưu văn nghệ mang đậm tín ngưỡng bản địa và phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.

——————————– 

Chú thích

[1] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb Văn hóa thông tin, 2007, tr. 197.

[2] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 200.

Tham khảo 

  • Lê Quý Đôn (2007), Đại Việt thông sử, Nxb Văn hóa thông tin
  • Làng Phượng Trì tổ chức lễ hội truyền thống đền thờ quan Thái phó: https://yenmac.yenmo.ninhbinh.gov.vn/thong-tin-truyen-thong-xa/lang-phuong-tri-to-chuc-le-hoi-truyen-thong-den-tho-quan-thai-pho-3036.html.

 

Chấm điểm
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)