Đền Thờ Vua Lý Nam Đế (Vạn Xuân, Phú Thọ)

Đền Thờ Vua Lý Nam Đế (Vạn Xuân, Phú Thọ)

Thông tin cơ bản

Phú Thọ được biết đến không chỉ bởi Đền Hùng linh thiêng – nơi thờ tự Tổ tiên của người Việt, mà còn là kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam – nơi các vua Hùng đã chọn làm đất khởi nghiệp sơn hà; dựng nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Một vùng đất sơn chầu thủy tụ; hùng vĩ tựa dáng cha, trữ tình như lòng mẹ đã trở thành bến hẹn cho những hành trình du lịch tâm linh, lịch sử, văn hoá và sinh thái đồng quê. Đa số địa phương trên địa bàn tỉnh đều có địa điểm di tích văn hóa, lịch sử đáng để ghi nhớ. Trong các di tích của tỉnh, chúng ta không thể không nhắc tới di tích lịch sử đền thờ Vua Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông. Di tích thờ Lý Nam Đế hiện nằm rải rác trên địa bàn các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…nhưng chỉ duy nhất ở Phú Thọ có đền thờ tại nơi Ngài mất và Lăng mộ của nhà Vua.

Vị trí địa lý


Đền thờ Lý Nam Đế được tôn tạo, xây dựng tại địa điểm gò Cổ Bồng thuộc làng Văn Lang, xã Văn Lương (nay thuộc khu hành chính số 10, xã Vạn Xuân) gắn với địa danh động Khuất Lão, với tổng diện tích trên 5 ha. Mặt bằng tổng thể Khu di tích đền thờ Lý Nam Đế gồm các hạng mục kiến trúc: Nghi môn, Lăng mộ Lý Nam Đế, ban thờ Thần Nông, đền thờ, Tả vu, Hữu vu và sân vườn, ao sen, hạ tầng kỹ thuật.

Lược sử


Ngày 20/3 (tức ngày 23/4 dương lịch) năm 548, Vua Lý Nam Đế qua đời, thọ 46 tuổi. Mặc dù Ông chỉ làm vua trong 5 năm nhưng Ông là người đã có công lập nên nước Vạn Xuân, lập ra nhà tiền Lý – triều đại được thành lập sớm nhất ở nước ta và có công khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ đối với các triều đại phong kiến đương đại lúc bấy giờ.

Vua Lý Nam Đế mất, thi hài ông được an táng ngay trong động Khuất Lão. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, lăng mộ của ông được nhân dân chăm sóc và thờ tự. Năm 2010, được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Tam Nông đã tiến hành phục hồi xây dựng lại lăng mộ, đền thờ Vua trên nền móng cũ tại Gò Cổ Bồng nhằm tôn vinh vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc, cho xứng tầm với tên tuổi và công lao của ông và các tướng sỹ. Năm 2016-2017,  huyện xây dựng đường vào, sân vườn, trồng cây, xây dựng bậc lên xuống tường rào, cải tạo ao thả cá và một số hạng mục phục vụ Lễ dâng hương và hành lễ để du khách thập phương về thăm viếng. Đền thờ Lý Nam Đế cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 20 km về phía Tây. Du khách đến tham quan di tích có thể đi theo tuyến đường bộ hoặc đường thủy, trong đó đường bộ là phổ biến và thuận tiện hơn cả.

Kiến trúc


Mở đầu cho khuôn viên đền thờ Lý Nam Đế là Nghi môn tứ trụ mở 3 lối đi, được xây dựng theo kiểu dáng truyền thống với 2 trụ lớn trên đỉnh đắp 4 hình chim phượng nhìn ra 4 phía, chống đuôi vào nhau. Hai trụ nhỏ đỉnh đắp hình lân trong tư thế chầu vào. Lăng mộ Lý Nam Đế được tôn tạo lại vào năm 2010 với kiến trúc theo lối “Tiền nhất, hậu nhất” gồm 2 tòa: Tiền tế và Hậu cung. Nội thất kiến trúc trang trí diềm cửa võng, hoành phi câu đối, bài trí thờ tự uy nghi, lộng lẫy. Bệ thờ do dân làng Văn Lang xây dựng năm 2006 để hương khói thờ cúng tưởng niệm Lý Nam Đế. Bệ thờ lộ thiên không mái che, bệ thờ xây xi măng, phía trên đắp nổi chữ Thiên ĐứcĐền thờ Lý Nam Đế được xây dựng vào tháng 8 năm 2018, bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm hai tòa: Đại bái và Hậu cung. Chính điện đền thờ, giữa có ban thờ đặt tượng Lý Nam Đế ngồi trên ngai bằng đồng, thể hiện kiểu dáng tướng mạo oai phong, lẫm liệt. Nội thất đền thờ trang nghiêm với những bức diềm cửa võng, cột gỗ cao treo câu đối, hoành phi, câu đối, nghi môn chạm trổ tinh tế, sơn thếp vàng kim lộng lẫy.

Hoạt động


Hàng năm tại di tích đền thờ và lăng mộ Vua Lý Nam Đế trên Gò Cổ BồngVạn Xuân, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức các ngày lễ và ngày cầu như sau: một năm có 04 ngày cầu.Trong các kỳ cầu, lễ tháng Giêng (từ mùng 4 đến 7) kỷ niệm ngày Vua ra quân là lớn nhất, đông vui nhất và có nhiều trò chơi vui khỏe, khéo léo mang tính chất hội làng vào dịp đầu xuân. Các nghi lễ và trò chơi trong dịp đầu xuân để ghi nhớ, mô phỏng các chiến công của các bậc tiền bối trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ngày 12/3 kỷ niệm ngày Vua lên ngôi. Ngày 20/3 âm lịchngày Vua mất tổ chức lễ hội tưởng niệm Vua Lý Nam Đế phù hợp theo tư liệu trong chính sử Việt Nam và phong tục, tập quán truyền thống của người Việt. Và ngày 12/9 kỷ niệm ngày Vua sinh.

Di tích Đền thờ Vua Lý Nam Đế và lăng mộ của Ngài có ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt quan trọng bởi lòng tôn kính, tri ân công đức người có công giữ nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Trong thời gian tới, mong rằng di tích đền thờ Lý Nam Đế và các địa danh lịch sử liên quan cuộc khởi nghĩa Lý Bí trên địa bàn xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông sẽ trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn trong tour du lịch về cội nguồn của tỉnh Phú Thọ.

Thành tựu


Đền thờ Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông đã được UBND tỉnh Phú Thọ quyết định xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh theo văn bản số 3289/QĐ-UBND ngày 16/12/2020.

Tham khảo


  • https://dulichphutho.com.vn/vi/gioi-thieu-du-lich-phu-tho/cac-diem-tham-quan/den-tho-vua-ly-nam-de-huyen-tam-nong-4851.html
  • www.didulich.a/van-hoa/den-tho-va-lang-mo-vua-ly-nam-de-21958
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)