Vị trí
Nằm trong quần thể đại danh lam Chùa Thầy, đền Thượng (đền Văn Xương) cũng là một trong các điểm di tích được nhân dân trong vùng và chư vị thập phương tới lui bái ngưỡng. Đền Thượng thuộc phận sự của thôn Thụy Khuê, do người dân Thụy Khuê đứng ra trông nom thờ phụng. Đền nằm trên eo lưng ngọn núi Thầy, còn gọi là Sài lĩnh, Sài nham, núi Bồ Đà Lạc, hay núi Phật tích trong thư tịch cổ.
Kế bên đền Thượng là chùa Một mái (Bối Am Tự), một ngôi chùa cổ có trên ngàn năm tuổi; phía núi Long Đẩu (Đầu rồng) ở mặt trước ngọn Sài lĩnh có Chùa Long Đẩu; lưng chừng mặt trước núi là chùa Cao (Đính Sơn Tự), vốn là Hiển Thụy Am, tương truyền là nơi Đức Thánh Tổ hóa thân; và tọa trên đại huyệt ở mặt trước núi là chùa Cả (Thiên Phúc Tự, ngôi chùa chính của khu vực Chùa Thầy), một trong những ngôi chùa cổ nhất và lớn nhất Việt nam.
Lịch sử
Đền Thượng được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Đền có 3 gian 2 chái, với bốn lá mái các góc đao cong, bộ khung vì gỗ bốn hàng chân, hệ cửa bức bàn. Xưa kia, các sĩ tử thời phong kiến thường đến đây ăn ngủ (ăn chay, cầu đảo) với mong muốn xin đỗ đạt và đây cũng từng là nơi hội họp của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Đền được thiết kế theo hình chữ SỸ (士), vốn xuất phát từ tấm lòng coi trọng hiền tài, tôn vinh kẻ sỹ của tiền nhân xưa, và cũng bởi đền được dựng lên để phụng thờ đức Văn Xương Đế Quân và Quan Thánh Đế Quân. Tính tới nay, ngôi đền đã trải qua nhiều lần sửa sang, tu bổ, lớn nhất và gần đây nhất phải kể đến đợt trùng tu năm Canh Thìn 2000, khi ấy, ngôi đền hầu như được phục dựng lại toàn bộ. Kế bên đền khi xưa còn có lầu chuông, nhưng qua thăng trầm của lịch sử nay chỉ còn là phế tích.
Tham khảo
- Đền Thượng – Thụy Khuê